Sơn La là địa phương thứ 41 tại Việt Nam không còn hoạt động nuôi nhốt gấu

15:03 | 12/12/2021
(LĐTĐ) Ngày 11/12, Tổ chức FOUR PAWS phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã tổ chức bàn giao và tiếp nhận 01 cá thể gấu ngựa từ một hộ gia đình tại huyện Phù Yên về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Cuộc cứu hộ đánh dấu sự kiện tỉnh Sơn La chính thức xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu.
Nuôi nhốt gấu con trái phép, 2 đối tượng lĩnh án tù Quyết tâm đẩy lùi nạn nuôi nhốt gấu lấy mật Từng bước chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cá thể gấu được nuôi tại nhà người dân từ năm 2000. Đây là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng của tỉnh Sơn La. Sau 21 năm trong chuồng sắt, cá thể gấu này đã được chuyển về môi trường sống phù hợp tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đội ngũ chăm sóc đặt tên cho cá thể này là Tự Do với cam kết từ nay cá thể gấu này có thể sống tự do như chính tên gọi của mình.

Một đợt cứu hộ gấu bao gồm các bước: Khảo sát cơ sở nuôi nhốt gấu, thực hiện các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng, gây mê và kiểm tra sức khỏe tại chỗ, đưa gấu vào lồng vận chuyển và di chuyển về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Trên dọc đường đi, gấu được kiểm tra tình trạng thường xuyên, được cung cấp thức ăn tươi, nước uống và có bác sĩ thú y túc trực trên xe trong toàn bộ chuyến đi. Đoàn cứu hộ khởi hành lúc 5h00 ngày 11/12 và về đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình lúc 20h40 cùng ngày.

Sơn La là địa phương thứ 41 tại Việt Nam không còn hoạt động nuôi nhốt gấu
Cá thể gấu bị nuôi nhốt cuối cùng tại tình Sơn La đã được chuyển về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Theo chuyên gia Emily Lloyd, quản lý gấu và điều phối của đợt chuyển giao: "Buổi cứu hộ diễn ra rất thuận lợi. Khi gặp chúng tôi lần đầu tiên, gấu Tự Do rất bình tĩnh, thân thiện và tò mò. Bạn ấy là một cá thể gấu khá nhỏ, chỉ 59 kg, hơi thiếu cân. Kết quả kiểm tra sức khỏe tại chỗ cho thấy bạn ấy bị sỏi mật, bệnh về gan và bệnh răng miệng. Tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Tự Do sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất để sớm phục hồi và có một cuộc sống mới chất lượng.''

Gấu Tự Do đã lập tức được chuyển vào khu vực cách ly và sẽ ở trong khu vực này trong 3 tuần. Trong thời gian này, Tự Do sẽ được kiểm tra sức khỏe và chăm sóc thú y, xây dựng niềm tin với nhân viên chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với loài và bắt đầu các bài tập đầu tiên giúp phục hồi bản năng của loài, từ đó chuẩn bị cho cuộc sống mới tại khu bán hoang dã.

Sự kiện Tự Do được cứu hộ chính thức đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh thứ 41 tại Việt Nam không còn hoạt động nuôi nhốt gấu. Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức FOUR PAWS, cho biết: “Việc những cá thể gấu như Tự Do được chuyển giao về các cơ sở bảo tồn với tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao là kết quả từ sự nỗ lực vận động, tuyên truyền của cơ quan chức năng, báo chí và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã. Cứ thêm một tỉnh thành không còn gấu nuôi nhốt, chúng tôi lại đang tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Hãy chung tay cùng với chúng tôi vận động các hộ gia đình còn đang nuôi nhốt gấu chuyển giao gấu về các cơ sở bảo tồn để gấu có thể được sống cuộc sống của loài”.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Việc cá thể gấu bị nuôi nhốt cuối cùng tại tỉnh Sơn La được chuyển giao tới trung tâm cứu hộ là một tin mừng đối với chúng tôi sau nhiều năm cơ quan chức năng địa phương và các tổ chức bảo tồn cùng nỗ lực vận động. Sự thành công này không chỉ đánh dấu Sơn La trở thành địa phương tiếp theo không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, mà còn là dấu mốc quan trọng tiếp theo trên chặng đường chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Đây cũng là bằng chứng cho thấy bằng sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan chức năng và sự chung tay của cả cộng đồng, Việt Nam hoàn toàn có thể chấm dứt thành công tình trạng nuôi nhốt gấu trong một tương lai không xa”.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này