Ngộ độc rượu gia tăng cuối năm

08:10 | 07/12/2021
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia y tế tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol có chiều hướng gia tăng. Riêng trong vòng 2 tuần trở lại đây, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận ít nhất 8 bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Đáng lo ngại, các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
Nhận biết ngộ độc rượu và cách phòng tránh Cẩn trọng với ngộ độc rượu dịp cuối năm

Nhập viện vì uống rượu không rõ nguồn gốc

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), hiện Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 46 đến 72, chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol được chuyển từ tuyến dưới lên.

Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, khi chụp phim cắt lớp não đã có tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL.

Ngộ độc rượu gia tăng cuối năm
Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Mặc dù đã được bác sĩ tiến hành giải độc và cấp cứu theo phác đồ nhưng đã có một bệnh nhân tử vong, một bệnh nhân cũng đã được điều trị tối đa nhưng tiên lượng xấu và gia đình đang làm thủ tục xin về nhà. Bệnh nhân còn lại dù giữ được tính mạng nhưng sẽ gặp các di chứng với não và mù mắt. Khai thác bệnh sử cho thấy các bệnh nhân này đều uống nhiều rượu và đặc biệt là các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đơn cử, theo lời kể của người nhà bệnh nhân N, tối hôm đó nhà có đám, bệnh nhân có uống nhiều rượu cùng các cháu (rượu mua không rõ nguồn gốc). Đến 6h sáng hôm sau tỉnh dậy bệnh nhân có kêu là nhức đầu, chưa kịp đi xuống giường đã ngã vật ra, sau đó bệnh nhân ngất đi. Người nhà phải gọi cấp cứu cho nhập viện luôn.

Hay với trường hợp của bệnh nhân K cũng bị ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, vợ bệnh nhân kể lại: Chiều hôm trước bệnh nhân K đi uống rượu và kêu mệt trong người nên gọi vợ đến để chở về luôn, trên đường về nhà thì bệnh nhân có biểu hiện nấc, sau đó kêu đau lưng.

Về đến nhà thì nằm vật vã ra kêu đau bụng và hoa mắt không nhìn thấy gì. Sau một lát, bệnh nhân nhớ ra và có bảo với con: “Bố uống nhầm cồn rồi con ơi, đưa ngay bố đi viện”. Lúc trên đường vào viện, bệnh nhân rất vật vã, đôi khi lịm hẳn không biết gì…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết đây chỉ là 3 trong số hàng chục trường hợp ngộ độc do cồn công nghiệp methanol. Đáng lo ngại, thời gian gần đây, việc sử dụng rượu tràn lan, không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn tới tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol lại có chiều hướng gia tăng.

“Về nhận diện, methanol rất giống với rượu nấu truyền thống ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều a xít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Nguyên cho biết.

Đặc biệt, ngộ độc cồn công nghiệp methanol có biểu hiện chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt tử vong từ 30-50% mặc dù được cứu chữa. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt.

Uống rượu không có ngưỡng nào là an toàn

Cũng theo Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol có chiều hướng gia tăng thể do nhiều nguyên nhân, nhưng theo bác sĩ chủ yếu do 2 nguồn: Thứ nhất là tập trung vào các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ yếu là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol.

Nguyên nhân thứ hai là có một số bệnh nhân uống cồn y tế do nghĩ cồn y tế là an toàn nhưng những loại cồn y tế này lại không đảm bảo, cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Đây là vấn đề quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp methanol. Do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu, để đóng chai, đóng lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc để người dân uống phải. Không những vậy, cồn công nghiệp methanol còn được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế, người dân cứ nghĩ cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được.

Ngộ độc rượu gia tăng cuối năm
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chỉ rõ hình ảnh tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc methanol.

Trung tâm chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao, thường nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn có.

Bởi vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol thì cần quản lý chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, quản lý các sản phẩm rượu lưu hành trên thị trường.

Người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, ngoài việc nên hạn chế uống rượu, khi mua rượu thì cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kể cả nơi bán cũng phải chính thức (có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng).

Còn nếu người dân cứ mua bán rượu trôi nổi, không kiểm soát như hiện nay thì càng tạo điều kiện cho những người sản xuất và kinh doanh hàng giả và gây ngộ độc cho người mua. Người dân cũng nên hạn chế tối đa việc uống rượu, đặc biệt khi vào thời điểm trước và sau Tết âm lịch sắp đến gần.

Để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.

Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%)./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này