Cơ hội vàng từ thương mại điện tử

15:18 | 02/12/2021
(LĐTĐ) Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, thị trường thương mại điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội từ nhu cầu phát sinh của thị trường. Một trong số đó là phát triển kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thương mại điện tử tăng trưởng ngoạn mục trong đại dịch Công bố gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử

Tiềm năng từ thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo đại diện của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trong buổi họp báo “Công bố gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”, trong thời kỳ dịch bệnh, xuất khẩu hàng hóa qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt trong giai đoạn tới, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP sẽ là động lực mới của nền kinh tế, mang đến nhiều cơ hội cùng với thách thức cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Cơ hội vàng từ thương mại điện tử
Lễ ký kết hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với các đối tác tham gia “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”.

Mới đây, sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi, chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu. Với quy mô thị trường thương mại điện tử lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, tận dụng được các thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, để các doanh nghiệp có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính.

Tại các thị trường EU, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ euro). Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng 31,1%, trong đó giao dịch nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc qua thương mại điện tử tăng 16,5% đạt 570 tỷ nhân dân tệ. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây và vươn ra cả thế giới.

Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn 10,3% mức trung bình toàn cầu trong giai đoạn 2016-2020. Với doanh thu thương mại điện tử theo mô hình B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục là kênh hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nước ngoài.

Bên cạnh phát triển thị trường trong nước, nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài cũng rất lớn. Chính vì vậy với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng ứng dụng các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, mô hình phát triển xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử cũng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và hướng tới như một biện pháp hỗ trợ cho kênh xuất khẩu truyền thống.

Sự hỗ trợ của các đối tác có kinh nghiệm

Từ những tín hiệu tích cực của sự kiện xuất khẩu thí điểm thành công hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang, Viettel post tiếp tục được chọn làm đối tác logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết, với vai trò là cơ quan chủ quản của một sàn Thương mại điện tử Việt là Voso.vn, Viettel Post cam kết sẽ đồng hành chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các cơ quan ban ngành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm lên Gian hàng Quốc gia trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc và qua các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới khác, hướng tới mục tiêu nâng tầm giá trị các thương hiệu Việt, đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển nền tảng logistics hiện đại hàng đầu, đóng góp vào sự phát triển chung của nền logistics quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống. Đồng thời đây sẽ là một kênh thương mại phát huy được những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới.

Ngoài việc mở rộng kênh vận tải, doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng được hỗ trợ vốn đầu tư từ các ngân hàng uy tín, trách nhiệm. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính ngân hàng VP Bank cho biết, VP Bank sẽ là đối tác chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong các chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại thị trường trong nước và tới đây là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá thông qua mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, ngân hàng VP Bank sẽ cam kết đồng hành và hợp tác với các đối tác của chương trình, nỗ lực tối ưu các gói giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ tiềm lực vốn để đầu tư kinh doanh, mở rộng quy mô, phục hồi sản xuất, tạo đà thâm nhập vào thị trường thương mại quốc tế; đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong công tác đào tạo, tập huấn trực tuyến và trực tiếp ứng dụng công nghệ số, tài chính số và thanh toán trực tuyến.

Với lợi thế sở hữu chuỗi siêu thị Nutri mart tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Vina Nutrifood cũng trở thành đơn vị đối tác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc giới thiệu, nhằm thúc đẩy hàng hóa trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Chuỗi siêu thị thuần Việt (Nutri mart) sẽ là kênh để quảng bá các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, được làm bởi người Việt Nam. Từ đó tôn vinh sản phẩm của người Việt trong thị trường nội địa và ra mắt với bạn bè, du khách trên thế giới.

Trao đổi với Lao động Thủ đô, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) cho rằng: “Việc quảng bá sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài là công việc khá tốn kém nguồn lực mà không phải một doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể làm được; cần có sự hỗ trợ của các các cơ quan Nhà nước, các cơ quan chức năng khi triển khai quảng bá cho sản phẩm hàng Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, có cả sự kết hợp của các đối tác hỗ trợ đều là những đối tác lớn và có uy tín trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên quốc gia… Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai và sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển hàng Việt ra thị trường nước ngoài”.

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh bổ sung hiệu quả cho thương mại quốc tế truyền thống. Đồng thời đây sẽ là một kênh thương mại phát huy được những lợi thế về công nghệ, giúp cho sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trên toàn thế giới./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này