Hỗ trợ doanh nghiệp gỡ vướng mắc pháp lý do tác động tiêu cực của dịch Covid-19

17:02 | 26/11/2021
(LĐTĐ) Bộ Tư pháp vừa tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để phục hồi nền kinh tế.
Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó khăn để phát triển

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 cho biết, Kế hoạch xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” đặt ra 5 yêu cầu, trong đó điểm đáng chú ý là việc ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 phải có những giải pháp đột phá để kịp thời phục vụ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của đối tượng đặc thù này.

Hỗ trợ doanh nghiệp gỡ vướng mắc pháp lý do tác động tiêu cực của dịch Covid-19
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhiều chính sách hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, trong đó có hỗ trợ pháp lý. (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (trong đó tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thời gian qua còn những khó khăn, bất cập. Đó là sự quan tâm của của các bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế. Đến đầu năm 2021, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành vẫn chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn hoặc hàng năm theo yêu cầu của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, do đó, chưa có cơ sở để triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực và địa phương. Việc phối kết hợp giữa bộ, ngành và giữa bộ, ngành với địa phương, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của bộ, ngành và địa phương còn kiêm nhiệm, không bố trí nhân sự cụ thể, xác định nhiệm vụ rõ ràng. Đồng thời, kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nhiều địa phương không bố trí kinh phí riêng cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khi kinh phí dành cho Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành còn hạn chế, công tác truyền thông chưa được đầu tư thỏa đáng…

Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ pháp lý như hỗ trợ về giải quyết kiến nghị vướng mắc pháp lý, nâng cao năng lực pháp luật cho các bộ pháp chế, giải quyết tranh chấp, đàm phán ký kết hợp đồng, tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong kinh doanh…

Dẫn Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2020, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông ALO, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Cao Thế Anh cho biết, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ đại dịch này, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ khó khăn về mặt tài chính, dòng tiền, lưu thông hàng hóa, lao động… mà còn đối diện với nhiều vướng mắc, tranh chấp pháp lý phát sinh trong việc thực hiện các giao dịch, hợp đồng kinh doanh thương mại, lao động hoặc trong quan hệ hành chính... Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thiết và khá phong phú, đa dạng.

Từ thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật, công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này