Chi phí mặt bằng đè nặng, chủ trường mầm non ngậm ngùi rao bán từng cái bàn, ghế

21:55 | 24/11/2021
(LĐTĐ) Dịch Covid-19 kéo dài khiến hoàng loạt trường mầm non tư thục ở thành phố Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa, doanh thu không có nhưng chi phí mặt bằng, điện nước… cứ cộng dồn từng ngày. Nhiều chủ trường rơi vào kiệt quệ buộc phải rao bán trường, chấp nhận giải thể.
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo khẩn tăng cường kiểm soát di biến động dân cư Gần 38.000 người lao động quay lại thành phố Hồ Chí Minh sau dịch Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết

Chưa dạy ngày nào đã phải bán trường

Hơn 1 tuần qua, anh Lê Vân Truyền (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) không có ngày nào ngủ ngon khi phải sang nhượng "đứa con" tâm huyết của mình – một ngôi trường mầm non. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, chưa ngày nào ngôi trường của anh Truyền có một buổi khai giảng như mong muốn.

Anh Truyền kể, trường mầm non tư thục của anh được hoàn thành từ cuối năm 2020 với diện tích 500 m2, gồm nhiều phòng như khu vui chơi, khu bếp, khu nhà ăn, phòng ngủ, phòng học… Khi đó mọi trang thiết bị như bàn ghế, bếp nấu ăn, đồ chơi cho bé, đồ trang trí đều được chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ đến ngày để đón trẻ đến trường.

Xác định sẽ gắn bó với mái trường lâu dài, anh Truyền không ngần ngại vay mượn để đầu tư xây dựng với chi phí lên đến 7 tỷ đồng. Sau thời gian dịch bệnh, không thể trụ được nữa anh Truyền mới bất đắc dĩ bán lại mọi tài sản có trong trường để trả lại mặt bằng. Từ cái bàn, ghế, tủ đồ… mọi thứ đều mới tinh, vì trường chưa đón học sinh ngày nào kể từ khi hoàn thành vào cuối 2020.

Chi phí mặt bằng đè nặng, chủ trường mầm non ngậm ngùi rao bán từng cái bàn, ghế
Anh Truyền chỉ biết đứng ngậm ngùi nhìn người khác đến mua từng cái bàn, cái ghế trong ngôi trường chưa từng có bóng dáng học sinh.

“Mỗi ngày tôi phải bù lỗ tiền mặt bằng, hư hao vật chất hơn 100 triệu đồng. Bây giờ cũng không còn phương án nào, mặt bằng trường thì đẹp nhưng vì dịch nên không thể nào tiếp tục được nữa”, anh Truyền buồn bã chia sẻ.

Có phần may mắn hơn, chị Hà Ngọc Nga – chủ trường Tatuschool Montessori Children's House ở quận 9 cho biết, dù không được hoạt động từ đầu năm đến nay, nhưng chị vẫn chưa rơi vào cảnh cùng cực phải sang nhượng lại trường như một số chủ trường khác hiện tại.

“Tôi bỏ nghề làm báo để ra làm giáo dục với mơ ước xây dựng một ngôi trường mầm non theo kiểu hiện đại, nhưng chỉ sau 3 tuần hoạt động thuận buồm xuôi gió, dịch bệnh ập đến, nghỉ Tết thành… nghỉ hè. Khoảng thời gian từ đó đến nay là những lần hoạt động ngắt quãng trong lo âu thấp thỏm không biết bao giờ mới được hoạt động trở lại”, chị Nga chia sẻ.

Chi phí mặt bằng đè nặng, chủ trường mầm non ngậm ngùi rao bán từng cái bàn, ghế
Trường Tatuschool Montessori Children's House lúc chưa có dịch, ngày nào cũng tràn ngập tiếng cười đùa. Ảnh: NVCC

Chị Nga kể, sau khi nghỉ việc vào năm 2018, chị cùng chồng bán một miếng đất để đầu thư xây dựng một ngôi trường mầm non theo phong cách quốc tế. Ròng rã một năm trời, đến tháng 12/2019 ngôi trường mầm non mang tên Tatuschool Montessori Children's House chính thức được hoàn thành và đón những lứa trẻ đầu tiên.

Hoạt động được 3 tuần thì nghỉ Tết Nguyên đán 2020, thế nhưng dịch Covid 19 kéo đến, chị buộc phải đóng cửa để tuân thủ các biện pháp cách ly toàn xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng lần đóng cửa đó kéo dài đến tận tháng 6/2020, may mắn từ đó đến cuối năm trường của chị vẫn có thể hoạt động bình thường khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

“Vừa ăn Tết năm 2021 xong, hai vợ chồng nghĩ chắc tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nhưng đâu ngờ dịch lại bùng mạnh hơn như thế. Trường lại phải đóng cửa, đến nay chưa biết ngày nào được mở lại. Nếu phải đóng cửa thêm 2 tháng nữa, chắc tôi không thể trụ được”, chị Nga bộc bạch.

Giáo viên bỏ nghề, đi làm thêm kiếm sống

Đóng cửa trường mầm non tư thục không chỉ ảnh hưởng đến chủ trường, mà còn khiến các giáo viên rơi vào cảnh thất nghiệp, nghỉ ở nhà không lương suốt nhiều tháng trời. Chị Hà Ngọc Nga – chủ trường Tatuschool Montessori Children's House cho biết, không ít cô giáo đã phải đổi nghề, đi làm thêm nghề khác để kiếm sống qua ngày vì không biết bao giờ mới được đi làm trở lại.

“Đồng lương của giáo viên không được bao nhiêu đâu, tháng nào vừa đủ cho tháng đó. Đến lúc dịch xảy ra, nhà trường cũng không hỗ trợ được lâu, chỉ vài tháng ban đầu thôi”, chị Nga cho biết thêm.

Chi phí mặt bằng đè nặng, chủ trường mầm non ngậm ngùi rao bán từng cái bàn, ghế
Kể từ khi dịch xảy ra, chị Nga phải đóng cửa trường mà chưa kịp dọn dẹp bàn ghế, đồ đạc đi nơi khác. Ảnh: NVCC

Cùng chung ý kiến, chị Nguyễn Thị Lệ Thảo (37 tuổi, ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hiện đang là hiệu trưởng của một trường mầm non tại quận 12 cho biết, từ khi nghỉ dịch đến nay nhiều cô giáo đã xuất hiện tâm lý chán nản. Vì nhà trường không hỗ trợ được gì nhiều, mà thời gian để mở cửa đón con trẻ trở lại thì vẫn chưa xác định được, vì thế nhiều giáo viên đã đổi sang nghề khác kiếm sống qua ngày.

“Có cô thì đi làm giúp việc nhà, có cô thì trông trẻ theo buổi, có cô thì bán hàng online… Nói chung bây giờ ai cũng có nghề khác để làm hết rồi. Còn nếu sau này trường mở cửa trở lại, các cô có muốn đi dạy nữa hay không thì tôi không biết được. Vì lương của giáo viên mầm non có khi không bằng thu nhập từ những nghề đó”, chị Thảo cho hay.

Ngoài ra, về vấn đề sau khi mở cửa trở lại, việc tuyển dụng các giáo viên như thế nào, chị Thảo cho biết, nếu sau này mở trường trở lại thì phải đăng tin tuyển dụng mới, các cô giáo dù đã có kinh nghiệm đi chăng nữa thì vẫn phải đào tạo lại, vì 1 năm trời không tham gia giảng dạy nên việc chuyên môn có thể bị sao nhãng.

“Chỉ mong dịch sớm được kiểm soát, để các giáo viên và con trẻ được đến trường trở lại. Chứ bây giờ không được đến trường, vừa tội cho các con trẻ mà cũng khổ cho các cô giáo, hi vọng tháng 1 năm nay dịch kiểm soát cho chúng tôi được đến trường”, chị Thảo chia sẻ.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này