Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện từ rác

20:05 | 25/11/2021
(LĐTĐ) Là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước với khoảng 8 triệu dân, Hà Nội có lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày rất lớn. Tuy nhiên, do xử lý rác chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, nên các bãi chôn lấp rác và nước rỉ rác của Thành phố thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Hà Nội sẽ nâng công suất Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn Khi các bãi rác đã quá tải

Bài toán nhà máy điện rác

Những ngày đầu tháng 11/2021, bãi rác Nam Sơn lại gặp sự cố do “quá tải”, buộc phải tạm đóng cửa trong ba ngày để khắc phục. Trước đó khoảng hai tuần, bãi rác Xuân Sơn cũng phải dừng tiếp nhận rác tạm thời để khắc phục sự cố trạm xử lý nước thải. Những sự cố liên tiếp này khiến rác thải sinh hoạt không được mang đi xử lý kịp thời, tạo cảnh tượng nhếch nhác cho bộ mặt đô thị.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện từ rác
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội phun chế phẩm Posi-shell nhằm khử mùi, chống rác bay, ngăn nước mưa lẫn vào nguồn nước tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Nam Sơn.

Theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị quản lý, vận hành bãi rác Nam Sơn, căn cứ kế hoạch, hoạt động khối lượng rác chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn năm 2021 hơn 704 nghìn tấn, năm 2022 hơn 920 nghìn tấn, nhưng vì dự án chậm tiến độ, chưa rõ thời gian đưa vào vận hành, dẫn đến lượng rác chôn lấp quá lớn. Nếu không có giải pháp kịp thời thì đến cuối năm nay bãi rác không thể tiếp nhận rác.

Trên thực tế, tình trạng quá tại các bãi rác đã tồn tại suốt nhiều năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, như mở rộng các ô chôn lấp rác, tăng cường xử lý môi trường tại bãi rác và khu vực xung quanh để khắc phục cũng như hạn chế các “sự cố” môi trường.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp xây dựng trong công tác vận hành bãi rác Nam Sơn và chỉ đạo khẩn cấp xây dựng ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê-tông cốt thép tại phía tây, ô số 8, tổng diện tích khoảng 3 ha và công trình hồ chứa nước rỉ rác. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 175 tỷ đồng. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự kiến trong quý II/2022. Đây là chỉ đạo rất cần thiết, kịp thời để khắc phục tình trạng quá tải, bảo đảm môi trường tại bãi rác Nam Sơn.

Song song với đó, thành phố Hà Nội cũng tập trung “đôn đốc” tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 75 MW do Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ xử lý hơn 2/3 tổng số rác thải của thành phố.

Ngoài ra, Thành phố đang tập trung đầu tư bốn nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, gồm: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm; nhà máy xử lý chất thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ) công suất khoảng 450 tấn/ngày đêm; nhà máy tại khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) công suất 1.500 tấn/ngày đêm và nhà máy điện rác Sê-ra-phin tại bãi rác Xuân Sơn với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng, đến thời điểm này, sau nhiều lần chủ đầu tư xin gia hạn tiến độ, các dự án trên đều đang chậm so với tiến độ ban đầu đề ra. Do đó, về lâu dài, Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị chức năng, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác. Mạnh tay xử lý chủ đầu tư dự án chậm tiến độ, kiên quyết thay thế chủ đầu tư không đủ năng lực. Riêng đối với dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, UBND Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục cuối, sớm đưa nhà máy vào vận hành.

Đồng bộ hướng triển khai

Theo nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai các nhà máy điện rác là xu hướng chung trong tương lai. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt việc đốt rác, thì phải phân loại. Việc triển khai phân loại rác chính là bước đệm quan trọng để đốt rác trong giai đoạn sau. Thế nhưng, việc phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán khó.

Được biết, nhằm tái khởi động các chương trình phân loại rác, trong năm qua, Công ty Trách hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã phối hợp với UBND 4 quận trung tâm và các đơn vị liên quan… thành lập được 10 điểm Greenday (ngày xanh), thu đổi được hơn 150 tấn rác tái chế với hàng chục nghìn lượt người tham gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc URENCO, chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng” là chương trình nằm trong đề án “Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và tái chế rác thải nhựa” từ năm 2020 đến 2025 do URENCO cùng Công ty Unilever Việt Nam phối hợp thực hiện.

Sau khởi động chuỗi hoạt động tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và thu được những kết quả tích cực, chương trình đã được URENCO thực hiện đồng loạt tại 4 quận là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình vào sáng thứ bảy hằng tuần (từ 8-11 giờ). Kể từ khi bắt đầu thực hiện, chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Đây là bước đi đầu tiên trong quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, từng bước biến rác thải thành tài nguyên.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án điện từ rác
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội phun chế phẩm Posi-shell nhằm khử mùi, chống rác bay, ngăn nước mưa lẫn vào nguồn nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo URENCO, lượng rác tái chế mà đơn vị thu được chỉ là một phần rất nhỏ của lượng rác thải tái chế phát sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, đến thời điểm này, mặc dù URENCO đã tăng cường vận động, kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp, những đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng sản phẩm nhựa, có trách nhiệm với môi trường song số lượng doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trở thành thói quen của mỗi người dân, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các đoàn thể, nhất là Hội phụ nữ cùng vào cuộc, trên cơ sở của từng địa phương, xây dựng các phương án tiếp cận phù hợp. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp người dân phân loại rác thải.

Mặt khác, chính người dân cũng phải nâng cao và thay đổi nhận thức của mình. Thay vì sử dụng túi nilon, đồ dùng bằng nhựa và thải ra môi trường lượng lớn rác thải nhựa, người dân cần tham gia tích cực vào các buổi tuyên truyền để hiểu rõ hơn về mối nguy hại do rác thải nhựa. Từ đó áp dụng vào thực tế, thay đổi thói quen, chuyển sang đựng đồ bằng túi thân thiện với môi trường, từ chối dùng đồ nhựa, túi nilon khi đi ăn uống, mua sắm./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này