Nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP

20:36 | 23/11/2021
(LĐTĐ) Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, nhiều sản phẩm tại các địa phương đã được công nhận OCOP, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững.
Honda Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm lọc gió điều hòa kháng vi rút cho xe ô tô Thành công nhờ đam mê thảo mộc thiên nhiên Phụ nữ Thủ đô nâng tầm sản phẩm OCOP

Gắn kết sản phẩm OCOP với thị trường

Những năm qua, chương trình OCOP đã được thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm. Trong giai đoạn từ năm 2019-2020, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, trong đó có 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 5 sao, có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,61%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,36%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29,03%).

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP
Đa dạng các sản phẩm nông sản tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội.

Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống và góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua định hình những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong nhân dân không chỉ trên lĩnh vực khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống mà còn hướng người dân đến nền kinh tế thị trường, hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.

Tiêu biểu như mô hình cây ăn quả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh), từ cánh đồng trũng quanh năm ngập trong nước, không thể canh tác, anh Nguyễn Thế Lâm - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đã cải tạo thành cánh đồng cây ăn quả trù phú với đa dạng các loại cây ăn quả như đu đủ, táo, ổi, mít… Nhờ chăm chỉ học hỏi các kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sau khoảng 2 năm, gia đình anh Lâm đã có nguồn thu ổn định. Nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, anh Lâm kêu gọi người dân xung quanh thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Với sự tin tưởng của khách hàng, hiện nay các sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã có chỗ đứng, thị trường ngày càng được mở rộng. Các sản phẩm của Hợp tác xã đến với khách hàng thông qua hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố Hà Nội và tiêu thụ tại các địa phương lân cận như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên,…

Để khẳng định chất lượng sản phẩm, năm 2020, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, 2 sản phẩm ổi lê Đài Loan và đu đủ của Hợp tác xã đã được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Theo anh Lâm, việc sản phẩm được đánh giá 4 sao không chỉ giúp Hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn được đông đảo người tiêu dùng biết tới, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm. Theo tính toán, mỗi năm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong có doanh thu từ 600 tới 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

Tương tự, sản phẩm bưởi đỏ của thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Ông Lương Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã bưởi đỏ Đông Cao cho biết, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bưởi đỏ Đông Cao, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng. Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bưởi đỏ của Hợp tác xã ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Hướng tới sự khác biệt cho sản phẩm

Không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình OCOP đem lại cho các địa phương, tuy nhiên cũng đặt ra thách thức cho các đơn vị sản xuất đó là phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, đặc biệt tạo ra sự riêng biệt cho mỗi sản phẩm.

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản phẩm OCOP
Sản phẩm hương của Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu ngày nay được nhiều người tiêu dùng đón nhận. (Ảnh chụp trước các đợt dịch Covid-19)

Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) trước đây nổi tiếng với nghề làm hương đen. Năm 2003, xã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nôị) cấp bằng làng nghề. Mặc dù là nghề truyền thống của cha ông nhưng ngày nay trong làng rất ít hộ còn duy trì nghề, bởi giá trị kinh tế đem lại không cao, người dân bỏ nghề làm những công việc khác. Khi nghề truyền thống của làng đang dần bị lãng quên, không đành lòng nhìn nghề của cha ông bị mai một, nhận thấy để nghề có thể phát triển bền vững và lâu dài cần phải xây dựng thương hiệu hương đen của vùng.

Năm 2016, ông Nguyễn Tiến Thi cùng với các thành viên góp vốn thành lập Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu. Theo đó Hợp tác xã sản xuất hương đen mang thương hiệu Thủy Xuân Tiên, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là sản phẩm tin cậy, có thể truy xuất nguồn gốc, đăng ký số mã vạch trước khi được chuyển đến các nhà phân phối, đại lý, hệ thống siêu thị...

Để đẩy mạnh, phát triển sản phẩm ông Thi cùng các thành viên đã nghiên cứu và đầu tư cải tiến hệ thống sản xuất, đến nay nhiều công đoạn làm hương đen đã thay thế bằng máy móc hiện đại, giúp giảm sức lao động, chi phí sản xuất. Đặc biệt, công đoạn xe hương bằng máy giúp hương sáng bóng, đều và đẹp hơn.

“Chúng tôi đã đăng ký sản phẩm hương đen của Hợp tác xã tham gia vào chương trình OCOP, nhờ đó sản phẩm của Hợp tác xã sẽ có cơ hội mở rộng thêm các thị trường tiềm năng. Trong quá trình làm, chúng tôi luôn chú trọng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản xuất hương trải qua nhiều công đoạn, trong đó công thức pha trộn bột là công đoạn khó nhất, tạo nên bí quyết riêng cho sản phẩm của làng nghề. Sự khác biệt của hương đen nơi đây so với các vùng làm hương khác là hương được làm từ than hoa và nhựa trám rừng, khi đốt tạo mùi thơm nhẹ nhàng, hoàn toàn tự nhiên, không chứa hóa chất gây độc hại”, ông Nguyễn Tiến Thi (Giám đốc Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu) chia sẻ.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này