Mang “ATM - Hạnh phúc” đến với học sinh

08:51 | 23/11/2021
(LĐTĐ) Những ngày học trực tuyến kéo dài do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu bài học của học sinh. Vậy nhưng, phụ huynh học sinh lớp cô giáo Nguyễn Phương Thảo (Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) lại vô cùng yên tâm với mỗi giờ học trực tuyến bởi “ATM - Hạnh phúc” các con nhận được từ cô chủ nhiệm.
Phát huy phong trào thi đua “Gương sáng người lao động” Tấm gương sáng của nhiều thế hệ học trò

Giờ học trực tuyến hạnh phúc

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2011, cô giáo Nguyễn Phương Thảo về nhận công tác tại Trường Tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Trong suốt 10 năm gắn bó với ngôi trường này, cô luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, tự rèn luyện, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng bài giảng. Những nỗ lực của cô được lãnh đạo cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng, yêu quý, học sinh và phụ huynh quý trọng.

Mang “ATM - Hạnh phúc” đến với học sinh
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo cùng các học sinh lớp 1A13 (Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) tham dự cuộc thi “Sáng tạo thanh niên nhi đồng Thành phố lần thứ 17 năm 2021”, tháng 7/2021.

Năm học đầu tiên về trường, cô Thảo được phân công dạy lớp 5. Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô chia sẻ: “Là một giáo viên vừa ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, lại được phân công dạy khối lớp cuối cấp, tôi khá lo lắng”. Thời gian sau, cô Thảo được giao nhiệm vụ là giáo viên chủ nhiệm lớp 1. Đây tiếp tục là một thử thách mới đối với cô, bởi tâm lý của phụ huynh thường mong muốn giáo viên chủ nhiệm là người lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, cô giáo Thảo tiếp tục khẳng định năng lực và tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ của mình bằng hiệu quả công việc. Học trò thêm gần gũi, yêu quý cô giáo và có nền nếp học tập tốt; phụ huynh học sinh cũng ngày càng yên tâm, tin tưởng… Đến nay, cô giáo Thảo đã có 8 năm dạy học sinh lớp 1.

Năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô và trò chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Đứng trước những vấn đề đặt ra, đó là: Học sinh chưa thực sự thích học; kết quả học tập của học sinh còn hạn chế; học sinh chưa thực sự ngoan; phụ huynh chưa thực sự thấu hiểu, thiếu hợp tác và chưa vào cuộc cùng với giáo viên; dịch Covid-19, chuyển đổi số trong giáo dục và những đòi hỏi về việc linh hoạt trong dạy - học trực tuyến… khiến bản thân cô luôn trăn trở mình nên làm gì và có thể làm gì để cải thiện được thực trạng này? Và ý tưởng về một cây ATM mang tên “ATM - Hạnh phúc” ra đời từ đó.

“ATM - Hạnh phúc” là tên website học tập của lớp cô chủ nhiệm, được cô xây dựng trên nền tảng miễn phí của Google Sites. Đây là một ứng dụng tiện ích của Google. Thay vì phải tìm kiếm nhiều kênh thông tin khác nhau thì ở đây có “trọn vẹn” những gì mà học sinh và phụ huynh học sinh cần. Website cải thiện được nhiều điều mà những ứng dụng dạy học trực tuyến thông thường như Zoom Meeting hay Google Meet chưa làm được.

Cô giáo Nguyễn Phương Thảo cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã xuất hiện nhiều cây ATM mang lại niềm vui cho người dân như ATM gạo, ATM khẩu trang…, vì vậy, cô đã đặt tên website của lớp mình là “ATM - Hạnh phúc” với mong muốn thông qua việc học để đem niềm vui, hạnh phúc đến với mọi học sinh. “Là một giáo viên Tiểu học, không chuyên về công nghệ thông tin nên trong suốt quá trình xây dựng website, tôi đã phải tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ nhiều kênh, từ bạn bè, đồng nghiệp. Việc càng khó khăn, tôi càng thúc giục mình phải cố lên. Cuối cùng, tôi đã vượt qua được chính mình - một website học tập đúng nghĩa ra đời, được ứng dụng vào chính lớp học do tôi làm chủ nhiệm” - cô giáo Thảo chia sẻ.

Theo dõi trên website, cô thấy lượt phụ huynh và học sinh truy cập vào đông hơn. Học sinh có thể truy cập ngoài giờ học, mọi lúc, mọi nơi mà không chỉ bị bó hẹp trong thời lượng của buổi học trực tuyến thông thường. Các em tìm thấy mình, tìm thấy bạn mình trong mọi hoạt động, thấy trường, thấy lớp… từ đó thêm yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn, thích học. Kết quả học tập của học sinh được cải thiện rõ rệt. Website không chỉ hiệu quả trong khoảng thời gian học trực tuyến mà còn có hiệu quả vô cùng tuyệt vời ngay cả khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hưng Bùi Thị Thanh Hằng cho biết, cô giáo Nguyễn Phương Thảo đã tự học, tìm hiểu và đã ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để thiết kế bài giảng điện tử, các tư liệu dạy học… Điển hình là xây dựng website “ATM - Hạnh phúc” với nội dung phong phú và gần gũi, là nguồn tài nguyên học tập hiệu quả cho học sinh lớp cô giáo Thảo làm chủ nhiệm nói riêng và học sinh trong khối nói chung.

Không ngừng tìm tòi, đổi mới

Với mong muốn đem đến cho học sinh nhiều niềm vui, hạnh phúc thông qua việc học tập, cô giáo Nguyễn Phương Thảo đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và luôn đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô hiểu rằng nếu chỉ dừng lại ở việc là học sinh mở website ra để học thì chắc chắn sẽ không thành công vì thực tế học sinh Tiểu học còn ham chơi, ham nhiều điều thu hút ở đâu đó. Tận dụng từ đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Tiểu học như vậy nên những nội dung trên website đã được cô cập nhật thường xuyên, luôn luôn “làm mới”. Cái gì cần thiết với phụ huynh và học sinh, thu hút được học sinh tham gia thì cô mở rộng và nhân lên.

Mang “ATM - Hạnh phúc” đến với học sinh
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo cùng các em học sinh. (Ảnh chụp thời điểm an toàn về dịch Covid-19)

Để học sinh được học mà chơi, chơi mà học, cô giáo Nguyễn Phương Thảo đã xây dựng trên website “ATM - Hạnh phúc” các thư mục như: “Vui để học”, “Em vui sáng tạo”, “Đẩy lùi dịch Covid-19”…, trong đó khéo léo lồng ghép những kiến thức, kỹ năng cần thiết. “Với cách thức ấy, học sinh truy cập website với tâm lý thoải mái là mình đang giải trí, được trải nghiệm với những cuộc chơi thú vị, gặt hái được nhiều điều bổ ích mà quên đi là mình đang học” - cô giáo Nguyễn Phương Thảo tâm sự.

Đặc biệt, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp dụng việc thay sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1. Nhận thấy những câu chuyện được học trong chương trình Tiếng Việt mới còn nhiều điều khá mới mẻ với các em học sinh, cô đã cùng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm xây dựng kênh YouTube “Canh Dieu Story Telling Channel”, chuyển thể tất cả các câu chuyện trong chương trình Tiếng Việt mới thành video để làm kho tàng tư liệu phong phú không chỉ trong dạy và học mà còn là một kênh giải trí. Sản phẩm đã đoạt giải Ba trong cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 17 năm 2021, lĩnh vực phần mềm tin học. Hiện tại, kênh Youtube này đang được cập nhật, đồng thời được sử dụng làm kho học liệu hiệu quả cho giáo viên, học sinh lớp 1 năm học 2021-2022.

Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, những sáng tạo của cô giáo Nguyễn Phương Thảo có sự tìm tòi phù hợp, độc đáo. Từ thực tiễn dạy học trực tuyến, cô đã sáng tạo ra mô hình “ATM - Hạnh phúc” có thể nhân rộng đến các trường học trong cả nước.

Nhắc tới cô giáo Nguyễn Phương Thảo, chị Dương Thu Vân (phụ huynh của Kông Ngọc Gia Bảo, học sinh lớp 2A13, Trường Tiểu học Vĩnh Hưng) bày tỏ: “Được cô giáo Thảo dìu dắt khi học lớp 1, nay con tôi đã có nền nếp, đến giờ là tự giác vào học. Con cũng học được nhiều kỹ năng, biết chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh”.

Với nhiều sáng tạo có tính ứng dụng cao, cô giáo Nguyễn Phương Thảo đã giành nhiều phần thưởng cấp quận, Thành phố và gần đây nhất là Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V, năm học 2020-2021” do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này