Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp FDI nhanh phục hồi

09:02 | 18/11/2021
(LĐTĐ) Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hà Nội tạm dừng, tỷ lệ hoạt động giảm sút do áp dụng quy định nghiêm ngặt. Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp FDI

Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Inoue - Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy phải tạm dừng, tỷ lệ hoạt động giảm sút do áp dụng quy định nghiêm ngặt. Ông Inoue đưa ra 3 đề xuất trên quan điểm “Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh Covid-19”, “phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa”, “duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng” trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp FDI nhanh phục hồi
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Thứ nhất, ông Inoue đề xuất Thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu. Thứ hai là về nới lỏng quy định vận tải hàng hoá, ông đề xuất nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vắc xin và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách. Đề xuất thứ ba là nới lỏng quy định về hoạt động bán hàng. Theo lý giải của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, ngành sản xuất kinh doanh theo nhu cầu trong nước không thể trở lại hoạt động trừ khi đảm bảo hoạt động bán hàng.

“Một vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI là thuế và hải quan. Các doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm cần lưu ý về cách diễn giải các quy định thuế hoặc có một số trường hợp hồ sơ hoàn thuế bị kéo dài…”, ông Inoue nhấn mạnh.

Công ty TNHH BizConsult đề xuất cho phép không đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian doanh nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19; giãn thời hạn đóng bảo hiểm và một số chính sách liên quan đến bảo hiểm để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để duy trì nguồn vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam kiến nghị Thành phố hỗ trợ về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các quy hoạch phân khu liên quan, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai...

Đánh giá cao những ý kiến của doanh nghiệp FDI và các sở, ngành tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, lãnh đạo Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh, hiện đại.

Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều bộ, sở, ngành mà không biết đơn vị nào sẽ giải quyết; tạo cơ chế về thuế suất, các quy chế được giản đơn, hấp dẫn, dễ kiểm soát, tạo sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế; giảm thuế, miễn thuế nhưng không nên dùng cơ chế giãn thuế vì doanh nghiệp đang đuối sức thì việc giãn thuế không hỗ trợ được doanh nghiệp; khi doanh nghiệp phục hồi có lãi vẫn được áp dụng chính sách miễn, giảm thuế.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ: Khảo sát của Eurocham cuối tháng 8/2021 cho thấy 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8. Ông Nguyễn Hải Minh cũng bày tỏ, trong những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng vì đã có nhiều bước nới lỏng trong hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh, đồng thời hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành các quy tắc thích ứng Covid-19 mới. Đại diện Eurocham cũng đề xuất, thời gian tới doanh nghiệp được tự chủ hơn về phương án chống dịch, tránh vì 1 ca nhiễm mà đóng cửa toàn bộ nhà máy...

“Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội là một trong những địa phương đón nhận dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, với dự án đầu tiên từ năm 1989; đến nay, Thành phố là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đà thu hút FDI từ năm 2018 trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt 1,28 tỷ USD. Trong đó, đăng ký mới 256 dự án với số vốn 144 triệu USD; tăng vốn 93 dự án thêm 686 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp FDI nhanh phục hồi
Đại diện AEONMALL Việt Nam đề nghị Thành phố cần lập ra một đơn vị giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp FDI

Với quyết tâm hỗ trợ, đồng hành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư FDI tại Hà Nội, từ ngày 21/9/2021 đến nay, Thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD. Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội cũng như sự quan tâm của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm giải ngân, triển khai dự án, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước hướng tới mục tiêu phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thể hiện sự tiên phong của Thủ đô, sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền Thành phố trong cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện lớn trong tư duy quản lý, từ quản lý doanh nghiệp sang hỗ trợ doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ các giải pháp căn cơ, trong đó, sửa ngay những bất cập để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh số hoá thủ tục đầu tư, thúc đẩy nguồn nhân lực và tính đến những cơ hội mở rộng ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực dược, y tế,...

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho hay, trên cơ sở các ý kiến của doanh nghiệp đưa ra, Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thời gian tới có giải pháp căn cơ, phù hợp, sát thực tiễn. Dự kiến, trong tháng 11, Cục Thuế Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp FDI triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đã có những đề xuất giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội… sau đại dịch./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này