Những khó khăn bủa vây làng nghề mộc Thượng Mạo

16:56 | 16/11/2021
(LĐTĐ) Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên cũng như một số làng nghề khác, nghề mộc nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và ô nhiễm môi trường. Thực tế này đặt ra cho địa phương và những người làm nghề ý thức tự giác thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn và sớm có giải pháp quy hoạch làng nghề.
Tinh tế làng nghề thêu tay truyền thống Huyện uỷ Phú Xuyên tổ chức Hội nghị đối thoại với nhân dân Coi nhẹ ý thức, người dân đang tự gây tai nạn cho mình

Theo lịch sử lưu truyền, làng Thượng Mạo trước là làng quê nghèo nàn, lạc hậu, chỉ độc canh cây lúa, đời sống vô cùng khó khăn. Với mong muốn đưa dân làng thoát khỏi nghèo đói, các bậc cao niên trong làng đã cất công đi khắp nơi kiếm tìm thầy giỏi về dạy nghề cho nhân dân trong làng. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cụ tổ nghề cùng với nỗ lực học tập, làng Thượng Mạo đã có nhiều người thợ giỏi. Với tay nghề được thầy truyền dạy, sự sáng tạo, những người dân trong làng đi tìm việc và nhận làm ở khắp nơi, tham gia làm và xây dựng nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ...

Những khó khăn bủa vây làng nghề mộc Thượng Mạo
Các hộ sản xuất tại làng nghề mộc Thượng Mạo đều thiếu mặt bằng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển làng nghề

Trải qua hàng nghìn năm, đến nay người dân làng Thượng Mạo vẫn gìn giữ và phát triển nghề mộc truyền thống của cha ông. Hiện nay làng Thượng Mạo có hơn 355 cơ sở sản xuất trên tổng số 632 hộ dân, có 1.230 lao động tham gia nghề, ngoài ra còn có lao động bên ngoài đến học và làm nghề. Nghề truyền thống đã đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Quang Thoại, Chủ tịch Hội làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo cho biết: Nghề mộc đã làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống cho nhân dân. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề mộc năm 2019 là 55 triệu đồng/năm, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập của người lao động giảm xuống còn 35 triệu đồng/năm.

So với trước đây, ngày nay phương thức sản xuất, kinh doanh của làng nghề đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây, các xưởng mộc tại Thượng Mạo chủ yếu sản xuất thủ công, năng suất lao động thấp, cạnh tranh thị trường kém ngày nay các xưởng đã áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất, nhờ đó số lượng và chất lượng các sản phẩm của làng nghề được nâng cao.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, làng nghề mộc Thượng Mạo hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động. Sản phẩm của làng được làm từ gỗ, phải trải qua các công đoạn xẻ gỗ, bào, phay, đục, phun sơn... trong quá trình làm người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, tiếng ồn, mùi hóa chất từ sơn, đánh bóng sản phẩm.

Việc áp dụng máy móc vào sản xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nếu như người làm không nắm vững nguyên lý, cách sử dụng, chú trọng tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn.

Ông Lê Đình Hới, Phó Chủ tịch Hội làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo cho biết: “Hàng năm Hội vẫn duy trì các buổi tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, nâng cao tay nghề, đảm bảo an toàn lao động nhưng đặc điểm của làng nghề là các hộ sản xuất làm tại nhà nên công tác an toàn lao động vẫn chưa thực sự đảm bảo. Mặc dù được tuyên truyền nhưng người lao động chưa chú trọng tuân thủ đúng các biện pháp. Các vụ tai nạn lao động vẫn thường xuyên xảy ra tuy nhiên không để lại thương tật quá lớn.

Cùng với đó, môi trường làng nghề không đảm bảo, bị ô nhiễm tiếng ồn, hóa chất... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Đặc biệt bản thân những người lao động không tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội... khi xảy ra các tai nạn đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, kinh tế của gia đình”.

Bên cạnh tai nạn lao động, vấn đề tồn tại trong suốt thời gian qua ở làng mộc Thượng Mạo là mặt bằng sản xuất tại đây khá hạn hẹp. Theo ghi nhận, hầu hết các xưởng mộc đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa quy hoạch được các cụm, điểm để đưa các xưởng mộc ra một khu sản xuất riêng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân sống xung quanh.

Từ những khó khăn đó, để làng nghề truyền thống được tiếp tục phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, người dân nơi đây bày tỏ mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, khảo sát, quy hoạch đất làng nghề để các hộ sản xuất mở rộng quy mô. Qua đó giúp làng nghề đảm bảo hài hòa giữa yếu tố phát triển kinh tế, gắn liền với bảo vệ môi trường.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này