Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

14:50 | 16/11/2021
(LĐTĐ) Sáng nay (16/11), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sửa đổi, bổ sung”. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì hội thảo.
Tổng LĐLĐ Việt Nam - Tập đoàn BRG - SeABank hợp tác nâng cao lợi ích đoàn viên, người lao động Tọa đàm trực tuyến về phong trào thi đua trong CNVCLĐ, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 Cả hệ thống tích cực tập trung chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, được truyền trực tuyến tới LĐLĐ các tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành.

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Với trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp với Hội phụ nữ trong công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm thảo luận và tổng hợp các ý kiến tham gia của các đồng chí đại biểu là lãnh đạo phụ trách công tác nữ công và các đồng chí Trưởng, Phó Ban nữ công các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành - là những đồng chí có nhiều kinh nghiệm và trực tiếp tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn trong việc chỉ đạo công tác nữ công của tỉnh, ngành, để tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội và Dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận vào một số nội dung: Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội, dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (việc bổ sung nội dung về hội viên danh dự, hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nữ thanh niên, tổ chức thành viên, tổ chức Hội cơ sở…); tham gia, góp ý những nội dung liên quan đến nữ CNVCLĐ và lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ vào hoạt động nữ công Công đoàn; tài chính của Hội (Điều 24); hội viên danh dự (Điều 3)...

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
Bà Nguyễn Thị Thanh Giang - Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ thành phố Hà Nội góp ý vào Dự Dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam về Hội LHPN các cấp có thể thành lập các tổ chức Hội cơ sở đặc thù theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… thuộc sự quản lý, điều hành của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Giang - Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ thành phố Hà Nội cho rằng: Khoản 4, Điều 19 Dự thảo Điều lệ bổ sung việc mở ra cơ chế để tập hợp phụ nữ ở các nhóm đối tượng, thành phần khác nhau, không phân biệt nơi cư trú, nơi làm việc (phụ nữ trong các khu chung cư, trong trường học, bệnh viện, tòa án, đoàn luật sư, Hội Luật gia, cơ sở tôn giáo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp...) là một hình thức của phát triển, thành lập tổ chức hội tại nơi làm việc dẫn đến sự chồng chéo trong hoạt động và chỉ đạo.

Theo bà Giang, hiện nay, trong các trường học, bệnh viện, tòa án... hầu hết đã có tổ chức Công đoàn, có Ban nữ công quần chúng và hoạt động công tác nữ công đã thực hiện thường xuyên lồng ghép nội dung hoạt động của Hội Phụ nữ với hoạt động nữ công của Công đoàn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cũng như trong doanh nghiệp.

Do vậy, bà Giang đề xuất quy định rõ mở rộng đối tượng thành lập hội phụ nữ ở khu dân cư, khu nhà trọ, chứ không ghi chung chung (Hội cơ sở đặc thù) như dự thảo, biên tập lại như sau: “Hội LHPN các cấp có thể thành lập Hội cơ sở ở khu dân cư, khu nhà trọ thuộc sự quản lý, điều hành của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ Hội LHPN cùng cấp” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông báo Kết luận số 22-TB/TW ngày 11/4/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X.

Góp ý tại hội thảo, nêu bật những đóng góp của nữ CNVCLĐ vào phong trào phụ nữ và công tác Hội nhiệm kỳ qua, bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động phối hợp giữa LĐLĐ và Hội LHPN Thành phố thời gian qua đã được cụ thể hóa vào nhiệm vụ công tác Hội phụ nữ và chương trình công tác Công đoàn, công tác nữ công, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công đã mang lại những chuyển biến tích cực. Các mục tiêu, chương trình mà Đại hội nhiệm kỳ qua đã để ra đều được triển khai rộng khắp ở các địa phương, các ngành, cơ sở, các doanh nghiệp và đạt được kết quả rất trân trọng. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Cán bộ Công đoàn đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII
Bà Trần Hồng Vân - Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác nữ công trong các đơn vị, doanh nghiệp, bà Thúy đề xuất: các cấp Hội Phụ nữ và Công đoàn cần quan tâm một số nội dung như: Tiếp tục phối hợp tổ chức nghiên cứu, bổ sung, tham gia góp ý về những vấn đề trực tiếp, liên quan đến lao động nữ như tuổi nghỉ hưu, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nhà trẻ, mẫu giáo, phòng vắt trữ sữa ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, trên địa bàn dân cư có đông lao động nữ cư trú. Làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho giới nữ, quan tâm đến con của CNVCLĐ, trong đó có các cháu có cha mẹ qua đời do dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, các phong trào thi đua nhằm bảo vệ và chăm lo tốt hơn đời sống của nữ CNVCLĐ...

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn manh: Trách nhiệm của các cấp Công đoàn, đặc biệt là Ban Nữ công Công đoàn các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN cùng hướng tới sự phát triển chung, để lực lượng phụ nữ luôn cảm thấy ấm áp vì có sự quan tâm của các tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.

Nhấn mạnh Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được chuẩn bị công phu, thể hiện nhiều khát khao, hoài bão thông qua chủ đề của Đại hội, đó là: Hạnh phúc của phụ nữ; đồng thời đánh giá cao việc Hội LHPN đã đề ra mục tiêu tham gia, đề xuất cơ chế, chính sách cho phụ nữ... Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Văn kiện cần xây dựng mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới, tiêu chí như thế nào là "Hạnh phúc"...

Bày tỏ trăn trở khi hiện nay còn nhiều lao động nữ phải làm thêm, tăng ca vì thu nhập, cuộc sống gia đình; do cơ sở hạ tầng chưa đủ, do hoàn cảnh phải gửi con về quê để có điều kiện làm việc. Đặc biệt, những tác động và ảnh hưởng từ "cơn bão Covid-19" khiến đời sống, việc làm của người lao động nói chung trong đó có lao động nữ… gặp khó khăn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải gợi mở cán bộ Hội Phụ nữ và cán bộ Công đoàn các cấp cần quan tâm thiết thực đến hạnh phúc của lao động nữ; chăm lo cho đời sống của lao động nữ; con nữ CNVCLĐ, đặc biệt quan tâm đến lao động nữ di cư, có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của lao động nữ trong xã hội...

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 3/2022. Đại hội sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và kết quả hoạt động Hội nhiệm kỳ 2017-2022, đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027, kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ XII và bầu Ban Chấp hành của nhiệm kỳ XIII. Đồng thời Đại hội cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng, đó là thông qua Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam trong đó có một số điều liên quan trực tiếp tới nữ CNVCLĐ và công tác nữ công của Công đoàn các cấp.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này