Chủ động phòng ngừa tai nạn tại nơi sản xuất

09:46 | 16/11/2021
(LĐTĐ) Để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động tại nơi sản xuất, ngoài công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện bộ máy làm công tác an toàn lao động; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động. Trong khi đó, bản thân người lao động cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức về an toàn lao động, chủ động phòng ngừa nguy cơ rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động tại làng nghề Khi an toàn lao động được đặt lên hàng đầu Hà Nội: Hơn 1,4 triệu lao động được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp

Tai nạn lao động và những nỗi đau dai dẳng

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là những vấn đề không mong muốn đối với cả người lao động và chủ sử dụng lao động. Thực tế chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác, tai nạn lao động sẽ xảy ra, gây nên nỗi đau về thể xác, tinh thần cho người lao động và để lại những “vết thương” khó lành cho gia đình, xã hội. Gặp anh Trần Văn Bảo (công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long) khi anh đang gắng khôi phục lại tinh thần sau lần bị tai nạn lao động tương đối nghiêm trọng từ tháng 10/2018.

Chủ động phòng ngừa tai nạn tại nơi sản xuất
Người lao động luôn mong muốn có một môi trường làm việc an toàn. (Ảnh: P.Ngân)

Với vóc dáng rụt rè, gương mặt vẫn thoảng nét buồn, anh cho biết trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào máy. Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng. Được xác định thương tật 57%, mặc dù đã được phẫu thuật nối gân, nhưng đến nay đôi bàn tay anh khó cử động. Buồn nản, mặc cảm, thời gian đầu, anh định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. May mắn được sự hỗ trợ, động viên của công ty, anh Bảo tiếp tục kiên trì điều trị để ổn định sức khỏe.

Cũng trong hoàn cảnh tai nạn lao động, hơn một năm nay, nỗi ám ảnh về sự cố tai nạn lao động vẫn chưa nguôi ngoai đối với bản thân và gia đình chị Nguyễn Thị Tằm (công nhân của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Minh Đức). Theo lời kể của chị Tằm, vào thời điểm tháng 8/2020, trong khi đang làm việc, xích xe cẩu bị đứt khiến cho dầm bê tông rơi vào người chị, làm gãy ngang sống lưng, dẫn đến liệt nửa người. Hội đồng giám định y khoa xác định tỉ lệ tổn thương của chị Tằm là 91%. Chị không thể tự sinh hoạt hằng ngày, phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ già, cơ hội quay trở lại để làm việc rất mong manh.

Có dịp tiếp xúc với chị Bùi Thị Hiền (công nhân Công ty CP Kim khí Thăng Long), lắng nghe tâm sự của chị mới thấu hết được sự xót xa. Chị kể rằng cứ mỗi lần nghe tin có vụ tai nạn lao động, chị lại liên tưởng đến những ngày đầu mình gặp sự cố, nước mắt cứ thế trào ra. Đó là một buổi làm việc sau bữa ăn ca, chị trở lại vị trí tại xưởng đột dập. Trong lúc đưa tay vào lấy hàng, máy bất ngờ dập xuống khiến tay trái bị đứt, nát chỉ còn lại 1 ngón; còn tay phải dập nát. Bác sĩ phải cắt hết cơ co, cơ duỗi của tay phải, đóng vào mấy cái đinh, cứu lấy 1 bàn tay chị.

Chủ động phòng ngừa tai nạn tại nơi sản xuất
Chị Bùi Thị Hiền, công nhân Công ty CP Kim khí Thăng Long bị tai nạn lao động dẫn đến thương tật 51%. (Ảnh: P.Ngân)

Với tỷ lệ thương tật 51%, sau tai nạn, chị từng tuyệt vọng, mặc cảm không muốn tiếp xúc với ai. “Nhiều lúc lẩn thẩn cứ giơ tay ra đếm, rồi lại tự hỏi mình rằng mất đâu mấy ngón tay rồi?”, chị Hiền ngậm ngùi nói. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tai nạn này cũng để lại nỗi đau tinh thần, thể chất không bao giờ nguôi đối với chị Hiền. Trải qua quá trình điều trị đầy gian nan, hiện tại Hiền được công ty hỗ trợ việc làm phù hợp với tình hình sức khỏe.

Cần biện pháp mạnh hơn nữa

Có thể thấy, tình trạng mất an toàn lao động diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó đặc biệt là lĩnh vực xây dựng, kim khí… Nguyên nhân của tai nạn lao động chủ yếu vẫn là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, quy trình về an toàn lao động. Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm, tập trung về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động.

Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn về nhiệt, tiếng ồn, khí hơi độc do sử dụng các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn, các phương tiện bảo hộ lao động còn mang tính hình thức, đối phó. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ hoặc thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cũng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Những nguyên nhân trên dẫn đến hậu quả của tai nạn lao động vô cùng nặng nề, không thể đo đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ thiệt hại không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặc khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn. Song thiệt thòi nhất là phía người lao động, họ là những người trực tiếp chịu nỗi đau về thể xác, nguy hiểm tính mạng, sức khỏe và khả năng làm việc.

Cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật do tai nạn lao động gây ra không phải số tiền nhỏ. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.

Nhận thấy trách nhiệm mang đến sự an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức cao hơn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Ông Phạm Hữu Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long) cho biết, sau tai nạn của chị Hiền, Công ty đã đánh giá khả năng nguy cơ khả năng rủi ro dẫn đến mất an toàn lao động, cải tiến kĩ thuật để công nhân được làm việc an toàn. Do vậy các năm tiếp theo, Công ty đã không còn trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng, để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải chủ động phòng ngừa các nguy cơ rủi ro. Trong đó phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn phù hợp. Nếu có đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. “Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm”, ông Tạ Văn Dưỡng nhấn mạnh.

Song song với đó, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cần phải sát sao hơn trong việc kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, như: Xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thành lập tổ chức Công đoàn, xây dựng thoả ước lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về bảo hiểm đối với người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…

P. Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này