Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế

20:24 | 08/11/2021
(LĐTĐ) Chỉ qua 4 tháng nghiêm ngặt cách ly phòng chống dịch, kinh tế nước ta đã rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý 2 xuống âm 6,17% ở quý 3, mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa và hàng ngàn lao động mất việc làm, rời bỏ các trung tâm kinh tế hồi hương.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19 Cơ cấu lại nền kinh tế phải tránh tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ

Sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu

Đây là phát biểu của đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 8/11 về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19.

Đại biểu đoàn Hà Nội đồng tình với báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá xác thực, toàn diện về kết quả đã đạt được và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các mục tiêu, giải pháp năm 2022.

“Chỉ qua 4 tháng nghiêm ngặt cách ly phòng chống dịch, kinh tế nước ta đã rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở qúy 2 xuống âm 6,17% ở qúy 3, mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa và hàng ngàn lao động mất việc làm rời bỏ các trung tâm kinh tế hồi hương. Điều đó cho thấy rằng sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu và tiềm lực của các DN đã suy kiệt”, đại biểu nói.

Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên đặt hàng DN về 3 lĩnh vực là đường sắt, kinh tế biển và hạ tầng công nghệ số.

Mặc dù, Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ rất kịp thời cho người dân và DN, song những biện pháp hỗ trợ mới chỉ giúp DN đỡ khó khăn, chưa tạo thêm nguồn lực để DN phục hồi và phát triển. Đại biểu cho rằng, các DN cần phải được tăng thêm nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn giá rẻ và các đơn đặt hàng từ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Cụ thể, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. “Nếu ngân sách dành ra 30 đến 40 ngàn tỷ để cấp bù lãi suất thì các DN có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để phục hồi và phát triển”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các DN có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đặt hàng để DN trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo ra những đột phá cho phát triển.

Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế
Toàn cảnh phiên họp

Chính phủ cần ưu tiên đặt hàng DN

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, kinh tế biển và hạ tầng công nghệ số.

Cụ thể, đại biểu cho rằng, những đô thị lớn ở nước ta đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị. “Với địa hình trải dài nên đường sắt Bắc Nam phải phát triển. Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng từng tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua, mà còn để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài”, đại biểu nói.

Nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nước ngoài, kết hợp với việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của riêng mình, không phải nghĩ đến chuyện đi mua những đoàn tàu cũ đã bỏ đi của nước khác.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Hoàng Văn Cường là kinh tế biển, là lĩnh vực còn đầy tiềm năng chưa được khai thác. Chính phủ cần đặt hàng hình thành nên Tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển, bắt tay, kết nối với các cảng quốc tế bên bờ Tây Thái Bình Dương để biến Vân Phong trở thành trung tâm chung chuyển vận tải biển quốc tế có lợi thế không thua kém Singapore và tiện lợi hơn nhiều các cảng khu vực đông Bắc Thái Bình Dương. Đó không chỉ là tiền đề khai thác tiềm năng kinh tế biển mà còn là cơ sở quan trọng để làm chủ an ninh và chủ quyền trên biển đông.

Để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, chúng ta cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát đảm toàn cho tài sản số quốc gia. “Nếu được Chính phủ đặt hàng, đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số”, đại biểu cho biết.

Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Để kiềm chế lạm phát, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; sớm quyết định các gói hỗ trợ tài chính, thúc đẩy DN, người dân đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; không để đứt gãy chuỗi cung ứng tạo đà vươn lên vượt qua giai đoạn khó khăn, thời gian thực hiện đến hết năm 2024.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo về rừng, thủ tục đầu tư… trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đã được Trung ương phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách hành chính, trong đó tập trung rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phân cấp cho địa phương…

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) lại nhấn mạnh giải pháp quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội là cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Theo đại biểu, cải cách TTHC trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, yếu kém còn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, yêu cầu thêm nhiều giấy tờ ngoài quy định, trễ hẹn...

Đại biểu “hiến kế” nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục kinh tế
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh giải pháp quan trọng là cải cách thủ tục hành chính

“Cải cách TTHC tuy là một nội dung cuộc cải cách hành chính, nhưng là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, DN cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông qua thủ tục cải cách hành chính, có thể xác định căn bản các công việc của cơ quan Nhà nước với người dân, DN, qua đó xây dựng bộ máy phù hợp và lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu công việc, vừa đáp ứng yêu cầu của Đảng về tinh giản biên chế, co gọn đầu mối các cơ quan hành chính Nhà nước”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Đồng thời, theo đại biểu, cải cách TTHC là tiền đề để thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nội dung cải cách khác như nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức. Phân cấp, phân quyền, phân công giải quyết công việc cho người dân, DN. Thực hiện Chính phủ điện tử Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, DN số.

Qua cải cách TTHC, sẽ phải gỡ bỏ những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân và DN phải gánh chịu, đồng thời tăng thu, giảm chi, nhất là giảm chi cho bộ máy hành chính và giảm chi cả chính thức và phi chính thức cho người dân và DN.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến nay, với việc cắt giảm 3.893/619 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tổng chi phí xã hội đã tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này