Hà Nội sẽ thành lập các tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

13:15 | 06/11/2021
(LĐTĐ) Hà Nội đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu để hồi phục sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trọng tâm là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó Thành phố sẽ thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công.
Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn do Covid-19 Tập trung công sức, trí tuệ để đưa huyện Thanh Oai lên quận Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thị sát việc phòng, chống Covid-19 tại thôn Bạch Trữ

Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh tế xã hội Thủ đô gặp nhiều khó khăn, giảm sút mạnh mẽ. Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giảm 7,8% (cùng kỳ tăng 2,2%)...

undefined
Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy kéo theo giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu - đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và các công trình xây dựng có nhiều biến động. Đặc biệt, việc thiếu nguồn cung lao động, tiếp cận nguồn vốn không dễ dàng do doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo kết quả khảo sát do Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa tổ chức trong tháng 10/2021 đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp hoạt động bình thường; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Để khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021, hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Hỗ trợ chi phí chống dịch như xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vắc xin (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp…

Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị có giải pháp tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc, thống nhất trên toàn quốc về việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, kiểm soát người đi lại trong mùa dịch.

undefined
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Tại Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19" sáng 6/11, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Cụ thể, Hà Nội đã hỗ trợ cho 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; chi trả cho 1,09 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm với tổng số tiền 2.684 tỷ đồng. Đặc biệt, Thành phố đã miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế cho 38.000 doanh nghiệp, người nộp thuế với số tiền hơn 22,6 nghìn tỷ đồng; trong đó 21,9 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn và 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngày 1/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022-2023. Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính. Trong đó trọng tâm là hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển và đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Nhiệm vụ đầu tiên là kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Từ đó, duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách.

undefined
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nêu kiến nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Ông Quyền cho biết, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, Thành phố cũng thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện nhanh, đầy đủ nhất, các chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ lưu thông hàng hóa và đi lại cũng như chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh...

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua 2 Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019-2025"; "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2021-2025". Trong đó, tập trung hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh thông qua phát triển các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ công nghệ, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và hỗ trợ gia nhập thị trường.

"Ngay từ đầu tháng 11/2021 Thành phố đã chủ động rà soát, đôn đốc 22 dự án còn vướng mắc. Đến nay đã hoàn thành thủ tục cấp/điều chỉnh cho 9 dự án. Dự kiến trong nửa đầu tháng 11 hoàn thành thủ tục cấp phép cho 13 dự án còn lại", ông Quyền thông tin và cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ tập trung để đẩy nhanh tiến độ, khởi công xây dựng ít nhất 20 cụm công nghiệp. Đầu năm 2022 sẽ khởi công 18 cụm công nghiệp...

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận gói tín dụng 1.050 tỷ đồng để phục hồi sản xuất, đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng…

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này