Kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa

21:38 | 29/10/2021
(LĐTĐ) Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế biển, nhưng chưa phát huy được tiềm năng, điều này thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Vì thế, vấn đề kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa - Đó là ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) tại buổi thảo luận Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Cần cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế trong 2 năm tới Hà Nội mong muốn cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chung tay phát triển Thủ đô Xây dựng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Trong đó, đa số các đại biểu đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban kinh tế liên quan đến việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thảo luận tại Tổ chiều ngày 29/10

Tham gia góp ý về 2 nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải thay đổi cơ cấu phân bổ lao động nhằm hạn chế sử dụng nhiều lao động, cùng với đó là quá trình chuyển đổi số, cụ thể như ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện ngân hàng số, vấn đề sử dụng công nghệ trong tái cấu trúc nền kinh tế, mà ưu tiên là hệ thống tín dụng, phương tiện thanh toán số, hạn chế sử dụng tiền mặt.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh chuyển đổi số buộc chúng ta phải tái cấu trúc, trong đó cần chú trọng các lĩnh vực ưu tiên, tái cấu trúc nền kinh tế và phân định rõ nhà nước, tư nhân và khu vực nước ngoài làm gì. Cùng với đó là tái cấu trúc thành phần, hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh. Đặc biệt, việc đầu tư công có thể đặt hàng qua các tập đoàn tư nhân để làm việc hiệu quả, Nhà nước chỉ quản lý và giám sát.

“Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế biển nhưng chưa phát huy được tiềm năng, điều này thể hiện rõ trong đại dịch vừa qua. Vì thế, vấn đề kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa… Đây là thời kỳ tái cấu trúc nền kinh tế và phải có được các trụ cột quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Kết nối phát triển kinh tế, vận tải biển cần được đầu tư hơn nữa
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội)

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) kiến nghị về đánh giá kinh tế biển chưa có trong Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế. Đại biểu cho rằng, trong điều kiện tăng chi, giảm thu như hiện nay thì Nhà nước cần đầu tư nhiều từ ngân sách, cơ hội tăng tốc trong giai đoạn sau khó khăn. Theo đại biểu, đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy bất cập lớn về nhà ở cho công nhân lao động, đã có nghị quyết của trung ương về đầu tư của Nhà nước cho các công trình nhà ở phúc lợi cho công nhân, tuy nhiên việc xây dựng nhà thu nhập thấp cho công nhân còn manh mún. Vì thế, Nhà nước cần tập trung đầu tư cho vấn đề này.

Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng đề nghị, cần tiếp tục đầu tư cho hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, tái đầu tư để phục vụ nên kinh tế, cần luật hóa vấn đề xử lý nợ xấu. Cùng với đó là cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sao cho hiệu quả hơn, vì hiện nay chủ yếu là quản lý hành vi, nhiều doanh nghiệp giữ an toàn, năm sau cao hơn năm trước chứ không tạo đột phá. Vì thế, đại biểu cho rằng, cần tạo đột phá từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu đối với các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm để mang tính răn đe.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này