Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm bất động sản

22:00 | 28/10/2021
(LĐTĐ) Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định dịch Covid-19 sẽ khiến phương án bán hàng, tiếp thị sản phẩm bất động sản chuyển dịch dần lên môi trường trực tuyến và ứng dụng công nghệ.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Điều tiết thị trường bất động sản Nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, xác định giá đất Cách xác định giá đất mới nhất năm 2021

Đó là những nhận định được đưa ra tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 28/10.

Thay đổi cách bán hàng, tiếp thị

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam, thống kê của CBRE tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có 2 dự án được mở bán trong quý 2 và quý 3/2021 dưới hình thức trực tuyến. Hạn chế giao dịch khi tâm lý thận trọng của cả các nhà đầu tư và khách hàng, khiến cho nguồn cung - tổng số lượng căn hộ chỉ 1.600 căn thuộc 2 dự án, chủ yếu phân khúc cao cấp. Nguồn cung trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 7.500 căn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là cột mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ông Kiệt cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất vì giãn cách xã hội kéo dài trong 4 tháng, nhất là phân khúc nhà ở. Rất nhiều dự án, rất nhiều kế hoạch triển khai của doanh nghiệp bị đình trệ.

Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; các hoạt động của môi giới giảm đáng kể. Thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh.

Để không bị "đứt mạch" khách hàng, các nhà môi giới, chủ đầu tư đã cung cấp, kết nối với khách hàng thông tin qua công nghệ; tổ chức hoạt động giới thiệu các dự án cho khách hàng và tổ chức giao dịch qua nền tảng công nghệ. Đây là giải pháp giúp cho thị trường trở nên có động lực trong lúc khó khăn.

"Đến thời điểm hiện tại, mọi người đã thích nghi và sẵn sàng trong thời gian tới, tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi đã bắt đầu mở bán và có tín hiệu giao dịch thành công trong tháng 10 này", ông Lâm nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - thành viên Van Phuc Group chia sẻ, hiện các doanh nghiệp đang trong tâm thế xác định dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải đối mặt những đợt bùng phát sắp tới. Chính vì vậy, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm bất động sản
Việc bán hàng, tiếp thị các sản phẩm bất động sản sẽ được chuyển dịch lên môi trường trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây.

"Các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong bất động sản, nắm bắt xu thế mới", bà Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Caleb Lau - Tổng Giám đốc Hong Kong Land chia sẻ rằng, làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 4 gần đây khiến mọi hoạt động xã hội, kinh tế đều thay đổi... Từ cách làm việc, sinh hoạt và mua sắm.

Theo ông Caleb Lau, làm việc tại nhà sẽ là một điều bình thường mới trong thời gian tới. Vì lẽ này, người mua sẽ tìm kiếm căn nhà có không gian có thể sắp xếp văn phòng làm việc tại nhà, không gian xanh thông thoáng và tiện ích sẵn có trong khu vực dự án.

"Tương lai, chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều nút hoặc hệ thống điều khiển không cần chạm tay ở các khu vực công cộng để tránh bất kỳ nhu cầu chạm trực tiếp nào. Do đó, thiết kế nhà sẽ thay đổi để thích ứng với những nhu cầu này từ người mua nhà.

Ngoài ra, chúng ta đang thấy một sự thay đổi trong hành vi mua hàng đang dần chuyển sang mua hàng trực tuyến. Các dự án phát triển khu dân cư và thương mại mới sẽ phải xem xét trong việc cung cấp không gian thích hợp cho tủ khóa để chứa hàng hóa được giao và khu vực chờ cho người giao hàng", ông Caleb Lau nói.

Theo ông Caleb Lau, các nhà phát triển dự án cần phải thay đổi cách tiếp thị, phân phối sản phẩm của mình, bằng cách chào bán và tiếp thị sản phẩm nhà ở bằng hình thức trực tuyến.

Tháo gỡ cơ chế là "đòn bẩy" cho thị trường bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ tiền, mà chỉ xin tháo gỡ cơ chế chính sách để có thể bật dậy.

"Qua đại dịch, chúng ta phải giải quyết bài toán chỗ ở cho công nhân. Năm 2018, Thủ tướng đã chấp thuận cho Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện thiết chế công đoàn nhưng còn quy mô nhỏ. Đây là trọng điểm cần xem xét", ông Châu nói.

Theo ông Châu, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra định hướng xây 1 triệu căn nhà trong tương lai. Năm 2021, Sở Xây dựng cũng đặt mục tiêu 300.000 căn nhà cho người lao động, người có thu nhập thấp. Với gói 30.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đề xuất, ông Châu hy vọng có nhiều nhà ở xã hội, nhiều khu lưu trú cho công nhân, lâu dài giải quyết bài toán an sinh xã hội cho người có thu nhập thấp và người thu nhập trung bình.

Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm bất động sản
Dịch Covid-19 khiến nhiều dự án bị đình trệ, bên cạnh đó cơ chế chính sách cũng là lực cản lớn đối với bất động sản.

Trong khi đó, ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nhà - Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trưởng Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, bộ ngành đối với các doanh nghiệp bất động sản là quan trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan. Riêng lĩnh vực liên quan, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo ông Dũng, chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như hiện nay. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ dù còn vướng mắc cần được tháo gỡ tiếp. Ngoài quy định pháp luật ban hành thì công tác tổ chức triển khai, thực hiện của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng rất quan trọng.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cố gắng trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm", ông Dũng nói.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này