Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua

17:17 | 27/10/2021
(LĐTĐ) Thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) trở nên vắng vẻ hiếm thấy. Mặc dù, ngành du lịch cùng các mặt hàng may mặc đã được mở cửa trở lại, nhưng người dân sống bằng nghề bán lụa ở nơi đây đang trong tình trạng hàng tồn đọng, ế ẩm, không có khách đến mua.
Chợ hoa Vạn Phúc rộn ràng vào Xuân Chuyện nghệ nhân đưa “hồn cốt” lụa Vạn Phúc hồi sinh Tô thắm sắc lụa Hà Đông

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, Làng lụa Vạn Phúc từng đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Tuy nhiên sau thời gian giãn cách xã hội, rất khó để có thể bắt gặp hình ảnh du khách dừng chân tại con đường Phố Lụa. Thực tế đang diễn ra, các cửa hàng vẫn mở bán nhưng không có người đến mua, kéo theo sự trì trệ về phát triển kinh tế du lịch.

Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua
Sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội, Làng lụa Vạn Phúc mở cửa trở lại nhưng vắng vẻ do không có khách đến tham quan.

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, đa số người dân đều có tâm lý ngại ra đường, chính vì thế, nhu cầu mua sắm hàng may mặc cũng bị giảm đi đáng kể. Là một hộ gia đình đã có thâm niên trong nghề kinh doanh vải lụa tại làng Vạn Phúc, bà Ngọc Anh - chủ cửa hàng lụa Trang Anh ở Vạn Phúc chia sẻ: “Sau giãn cách, khách lác đác được một vài người. Tôi mở cửa hàng chỉ để duy trì công việc giới thiệu sản phẩm của làng, thu nhập chỉ đủ ăn. Lụa có giá thành cao, bán cũng khó, giờ bán được gần như là lấy công làm lãi”.

Bà Hạnh - chủ cửa hàng Quang Chính cho hay, sau hơn hai tháng nghỉ bán, cửa hàng thiệt hại rất nhiều về mặt kinh tế. Mở cửa lại thì hầu như không có khách, cũng không có lợi nhuận sinh ra. Có khách vào xem thì họ cũng phải đắn đo rất nhiều để làm sao cho phù hợp với túi tiền của họ. Thậm chí, có khách trả giá thấp hơn so với giá tiền gốc của sản phẩm.

Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua
Lụa Vạn Phúc đa dạng từ mẫu mã sản phẩm đến màu sắc, hoa văn, họa tiết.

Với tình trạng khó khăn chung, bà Bích - chủ cửa hàng Lụa Vạn Xuân tỏ vẻ buồn chán: “Khách đến rất ít, có thì chỉ ngó qua giá rồi lại đi mất. Nếu có khách hàng quen, chuyên mặc lụa rồi thì may ra họ sẵn sàng quay trở lại, còn khách vãng lai, người nước ngoài đợt này là không có. Dịch bệnh thì ai cũng khó khăn, nên cũng phải chấp nhận, dù mở cửa vài ngày cũng không bán được hàng là chuyện bình thường”.

Theo lời của bà Bích, thời điểm đông khách nhất vào tháng 3, là thời điểm nhiều người đến mua quần áo. Tháng 8, du khách sẽ săn đón vải và khăn, tuy nhiên sau khi dịch bùng phát và việc đóng cửa hơn 2 tháng thì lượng khách đến mua giảm hẳn, có những ngày không có doanh thu. Cũng như bà Bích, các cửa hàng lân cận cũng đành ngậm ngùi chịu cảnh mở bán mà không thấy khách ghé qua.

Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua
Các gian hàng trưng bày lụa Vạn Phúc được sắp xếp, trang trí rất gọn gàng, bắt mắt.

Khác biệt với đa số các loại lụa có sẵn trên thị trường, lụa ở Vạn Phúc được hoàn thiện nhờ vào bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lâu năm trong nghề, đạt đến trình độ tinh xảo. Tỉ mỉ trong từng đường tơ, sợi chỉ, dù được trang trí với những hoa văn, họa tiết khác nhau nhưng tấm lụa ấy vẫn trong mình vẻ đẹp mềm mại. Sản phẩm may mặc tại các cửa hàng chạy dọc con đường Phố Lụa với đầy đủ màu sắc; từ vải vóc, quần áo, khăn, túi, cà vạt… được làm từ chất liệu tơ tằm, đa dạng cả về mẫu mã, tính năng.

Tùy thuộc vào từng chất liệu vải và hoa văn được dệt, giá của tấm lụa sẽ có phần chênh lệch nhau. Thông thường một mét vải lụa dệt từ tơ tằm được bán với giá 120 nghìn đồng đến 480 nghìn đồng. Hầu hết, các mặt hàng như quần áo đều ở phân khúc tầm trung có giá giao động từ 70 nghìn đồng đến 1 triệu 200 nghìn đồng. Điển hình như những chiếc áo cộc tay có giá bán lẻ giao động khoảng 300 nghìn đồng. Với các phân khúc cao cấp hơn thì giá trị có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua
Làng lụa Vạn Phúc.

Trong những năm tháng thịnh vượng, 60% các hộ gia đình của làng Vạn Phúc gìn giữ và phát huy truyền thống nghề dệt lụa. Nhờ vào việc liên tục hoạt động sản xuất, hơn 1.000 máy dệt đã giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 400 người lao động mỗi năm. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, máy móc được cải tiến sang loại bán công nghiệp nhằm giảm chi phí thuê công nhân, số hộ dân theo nghề dệt lụa cũng theo đó mà giảm đi đáng kể. Chưa hết, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng bị tồn đọng, nhiều cửa hàng trong cảnh ngóng khách đến mua.

Làng lụa Vạn Phúc là một trong 297 làng nghề đã được UBND TP. Hà Nội công nhận. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 105 về hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, giúp các hộ kinh doanh lụa trong làng vơi đi một phần nào gánh nặng về kinh tế. Song, điều đáng nói ở đây phải kể đến là sự thiệt hại về việc đứt gãy chuỗi tiêu thụ sản phẩm và cả vấn đề khó khăn khi tìm lại nguyên liệu sản xuất. Nhưng không dừng lại ở đó, các mặt hàng với mẫu mã mới vẫn được những người thợ thủ công miệt mài sản xuất để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đồ lụa ở Làng nghề Vạn Phúc bày bán quanh năm, phù hợp với thời tiết khắc nghiệt của từng mùa.

Lụa Vạn Phúc đông người bán, vắng khách mua
Bà Ngọc Anh - chủ cửa hàng lụa Trang Anh vừa bán hàng vừa làm sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Công - Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết: “Hiện tại trên địa bàn quận vẫn đang thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Việc mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phải thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương toàn Thành phố. Đối với Làng nghề Vạn Phúc, từ trước đến nay lượng du khách tương đối nhiều, tuy nhiên hiện tại để đảm bảo công tác phòng dịch thì không có khách nước ngoài đến tham quan. Phía quận vẫn tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động, đồng thời tuyên truyền thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch”.

Trong những năm qua, làng nghề lụa Vạn Phúc vẫn phát triển mạnh, nhờ vào sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương. Phần lớn các gian hàng được tổ dân phố cho mượn để người dân làm nơi quảng bá du lịch với các khách quốc tế. Hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng Làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ vững sự phát triển, giá trị bản sắc dân tộc không bị nhạt phai.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này