Làm rõ trách nhiệm của cảnh sát cơ động trong ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái

13:23 | 26/10/2021
(LĐTĐ) Sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí lên tàu bay dân sự để chống khủng bố, giải cứu con tin Tuần tra đêm, Cảnh sát cơ động bắt giữ đối tượng tàng trữ ma túy

Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ cho CSCĐ.

Thứ nhất là huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với CSCĐ và cán bộ, chiến sỹ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai là phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Làm rõ trách nhiệm của cảnh sát cơ động trong ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận trực tuyến. (Ảnh: VPQH)

Thảo luận về dự án Luật, nhiều đại biểu bày tỏ cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật CSCĐ đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh.

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng, Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ nhưng lại chưa quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của CSCĐ. Thực tế, lực lượng CSCĐ ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo đơn vị lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, vị trí đóng quân tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của CSCĐ để không xảy ra việc trùng hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị CSCĐ hay với các đơn vị khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo đại biểu, Dự thảo quy định, một trong những nhiệm vụ của CSCĐ là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, thực tế trong công an nhân dân hiện nay, việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ được giao cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ nòng cốt.

Làm rõ trách nhiệm của cảnh sát cơ động trong ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) phát biểu thảo luận trực tuyến. (Ảnh: VPQH)

Tại Điều 3 Dự thảo quy định, CSCĐ được xác định là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự toàn xã hội. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng CSCĐ đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ để không xảy ra sự chồng chéo.

Bên cạnh đó, quy định về quyền hạn của CSCĐ tại Khoản 3 Điều 10 của Dự thảo Luật là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ. Hiện nay, theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì công tác quản lý tổ bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của CSCĐ và lực lượng quân đội.

Về mô hình tổ chức CSCĐ, đại biểu Vương Thị Hương bày tỏ nhất trí với phương án 1, quy định hệ thống mô hình tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống, tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Làm rõ trách nhiệm của cảnh sát cơ động trong ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) tán thành với phương án 1 của Dự thảo quy định về hệ thống tổ chức của CSCĐ. (Ảnh: VPQH)

Cùng quan điểm, về hệ thống tổ chức của CSCĐ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cũng bày tỏ tán thành phương án 1; đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức của CSCĐ như Dự thảo. Theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ.

Đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, Dự thảo Luật quy định CSCĐ là lực lượng nòng cốt chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mà không nhắc tới nhóm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là chưa tương thích với Luật Công an nhân dân. Mặt khác, quy định như Dự thảo Luật chưa thấy rõ vị trí, chức năng của CSCĐ khác với các lực lượng khác của công an nhân dân nói chung.

Do vậy, cần làm rõ và sâu sắc hơn tính vũ trang, tính cơ động, yêu cầu tác chiến nhanh, xử lý những tình huống khẩn cấp của lực lượng CSCĐ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này