Đại biểu đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các tranh chấp, nói xấu nhau… về hoạt động từ thiện

16:19 | 24/10/2021
(LĐTĐ) Tình hình vận động, kêu gọi từ thiện, nhân đạo trong công tác phòng, chống thiên tai vừa qua xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên các mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc...
Kiến nghị sớm có quy định về hoạt động từ thiện kêu gọi đóng góp từ nhân dân Hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động từ thiện minh bạch

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đáng quan tâm, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đã đề cập đến vấn đề đang được dư luận quan tâm là công tác kêu gọi từ thiện, nhân đạo.

“Trong thời gian vừa qua công tác phòng, chống dịch bệnh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân đều rất tích cực, trong đó có hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên, tình hình vận động, kêu gọi từ thiện, nhân đạo trong công tác phòng, chống thiên tai vừa qua trên các mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc”, đại biểu nói.

Đại biểu đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các tranh chấp, nói xấu nhau… về hoạt động từ thiện
Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị làm rõ bất cập trong công tác từ thiện, nhân đạo. (Ảnh: VPQH)

Vì vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc một cách mạnh mẽ vấn đề này và kịp thời hơn, để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết rõ ai đúng, ai sai.

Đồng thời, từ đó có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng cho công tác từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, không để diễn ra một cách dai dẳng mà không có câu trả lời cuối cùng.

Giải trình thêm tại phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu và bàn luận để có cách xử lý cho phù hợp và kịp thời.

“Gần đây có một số đối tượng có hành vi thông qua hoạt động từ thiện, và lợi dụng mạng xã hội để gây mất trật tự, an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội. Theo Điều 331 của Luật Hình sự, đó là tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thời gian sắp tới chắc chắn Cơ quan điều tra, kể cả Viện kiểm sát và Tòa án sẽ thống nhất với nhau để xem xét những hành vi này và phải xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.

Đại biểu đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các tranh chấp, nói xấu nhau… về hoạt động từ thiện
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. (Ảnh: VPQH)

Trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

Đồng thời, trong báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ: Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này.

Hiện nay, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định: Ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này