Tiêm vắc xin cho lao động trở lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc: Nhiều người còn dè dặt quay trở lại

19:02 | 23/10/2021
(LĐTĐ) Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện tiêm vắc xin cho người dân quay lại thành phố sinh sống, làm việc, học tập nhưng nhiều người vẫn tỏ ra dè dặt.
Tiếp tục chú trọng phòng, chống dịch bệnh và chăm lo, hỗ trợ người lao động Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Kịp thời hỗ trợ, động viên người lao động yên tâm trở lại sản xuất

Thành phố Hồ Chí Minh cần từ 60.000-140.000 lao động

Tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 22/10, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong 3 tháng cuối năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cần thêm khoảng 60.000 lao động và đến quý I/2022 cần khoảng 120.000 - 140.000 lao động.

Với những người về các tỉnh khi dịch bùng phát mạnh có nhu cầu quay lại làm việc, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện tiêm vắc xin ở cửa ngõ vào thành phố hoặc được tiêm ở địa phương họ sẽ tạm trú và có thể tiêm ngay tại nhà máy, doanh nghiệp mà người lao động đang làm việc.

Lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vắc-xin
Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” tối 22/10.

Người dân sau khi quay lại thành phố Hồ Chí Minh chủ động liên hệ các phường, xã để đăng ký tiêm vắc xin. Ủy ban nhân dân các địa phương phải có trách nhiệm tạo điều kiện tiêm sớm nhất cho nhóm đối tượng này. Sở Y tế cũng đã đề nghị các doanh nghiệp thống kê danh sách người lao động quay lại làm việc để tổ chức tiêm và nếu số lượng lớn ngành y tế sẽ tổ chức tiêm ngay tại các doanh nghiệp.

Tuy thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện tiêm vắc xin cho nhiều người dân quay lại thành phố sinh sống, nhiều người vẫn tỏ ra dè dặt về vấn đề này. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Hoài Tâm (24 tuổi, quê Long An, KOLs) cho biết, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tuy nhiên, chị vẫn chưa có ý định quay lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc.

“Tôi về quê gần 5 tháng nay, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được 14 ngày nhưng hiện tại chưa có ý định quay lại thành phố làm việc dù thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nguyên nhân là do tính chất công việc của tôi thường di chuyển bên ngoài, chủ yếu là các khu chung cư và quán cà phê, nên dù đã tiêm đủ 2 mũi nhưng tôi vẫn còn ngại tiếp xúc đông người nên vẫn đợi thêm khi thành phố ổn định hơn xíu nữa thì sẽ quay lại làm việc”, chị Tâm cho biết.

Lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vắc-xin
Người dân các tỉnh miền Tây quay lại thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Minh Hiếu (quê Long An, 25 tuổi, nhân viên thu mua) chia sẻ, chị cũng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng hiện tại gia đình chị chưa muốn chị quay lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc.

“Công ty tôi quay lại làm việc hơn nửa tháng nay, tuy nhiên tôi vẫn làm việc tại nhà vì gia đình không muốn tôi quay lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Gia đình tôi lo lắng dịch vẫn âm ỉ vì mỗi ngày đều xuất hiện ca nhiễm mới. Nếu cơ quan không thông cảm cho tôi tiếp tục làm tại nhà thì có lẽ tôi sẽ nghỉ việc. Khi nào dịch thật sự được kiểm soát tôi mới quay lại thành phố Hồ Chí Minh xin việc khác”, chị Hiếu nói.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Linh Nhi (23 tuổi, quê Đắk Lắk) chia sẻ, trước dịch, chị làm phục vụ tại quán ăn của người Hoa, tuy nhiên sau khi dịch Covid-19 bùng lên, quán ăn đã ngưng hoạt động và chị cũng về quê hơn 5 tháng nay, hiện tại chị chưa được tiêm mũi vắc xin nào.

“Hiện tại quán ăn tôi đang làm cũng chuẩn bị mở lại, tuy nhiên bản thân tôi chưa tiêm mũi vắc xin nào nên không dám quay lại thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tàu xe từ Đắk Lắk đến Hồ Chí Minh vẫn chưa mở lại. Giờ chỉ mong địa phương tôi sinh sống tổ chức tiêm vắc xin, khi nào tôi đủ 2 mũi thì mới quay lại thành phố học tập, đi làm”, chị Linh Nhi cho biết.

Khác với chị Linh Nhi, tuy chưa tiêm mũi vắc xin nào nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (23 tuổi, quê Quãng Ngãi, nhân viên phục phụ) lại hết sức phấn khởi trước thông tin thành phố tạo điều kiện tiêm vắc xin cho lao động trở lại thành phố Hồ Chí Minh.

“Sắp xếp xong công việc thì tôi vào thành phố ngay, tôi mong được quay lại đi làm lâu rồi nhưng ở quê chưa được tiêm vắc xin nên tôi vẫn đang chờ. Nay được biết thông tin thành phố tạo điều kiện tiêm vắc xin cho lao động trở lại thành phố Hồ Chí Minh tôi vui lắm”, chị Thảo chia sẻ.

Trong khi đó, trước thông tin đáng mừng về việc được mở cửa kinh doanh trở lại thì nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh ăn, uống vẫn còn rất nhiều nỗi lo về mặt kinh tế, người lao động và vấn đề phòng chống dịch.

Chủ cơ sở kinh doanh lên phương án mở cửa trở lại

Anh Nguyễn Phan Phong Vũ Phi Hãi, chủ quán cà phê Animus (quận Phú Nhuận) cho biết, hiện tại anh đang chuẩn bị mở lại quán cà phê, tuy nhiên vẫn chưa tìm được nhân viên phụ vụ.

“Tôi đang ráo riết tìm nhân viên phục vụ để mở quán trở lại. Quán ngưng hoạt động nhiều tháng nay, chi phí mặt bằng thật sự không gồng nổi nữa. Tuy nhiên, để mở lại quán có nhiều điều cần phải lo lắng nhất là về vấn đề phòng chống dịch theo quy định”, anh Hãi chia sẻ.

Lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vắc-xin
Nhiều hện thống quán ăn Hàn Quốc lớn vẫn chưa hoạt động lại.

Anh Quân chủ quán Vựa Bia ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1) cho biết, hôm nay quán cũng đang dọn dẹp và lên kế hoạch nhân sự cho việc sẵn sàng quay trở lại hoạt động kinh doanh.

"Một nửa nhân sự của quán về quê nay quay trở lại, còn một nửa các bạn còn ở thành phố cũng đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại chúng tôi phải tính toán kỹ về vấn đề an toàn phòng dịch cho khách hàng và nhân viên, ngoài việc bảo đảm quy định phòng dịch của Nhà nước thì còn là ý thức tự bảo vệ chính mình và khách hàng", anh Quân chia sẻ.

undefined
Các nhà hàng, quán ăn tại Thành phố Hồ Chí Minh đang lên phương án mở cửa trở lại. (Trong ảnh một quán bia ở quận 1 trước khi dịch xảy ra)

Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm, hiện Thành phố có 127 doanh nghiệp, trung tâm tiếp nhận và giới thiệu việc làm, sẽ tư vấn, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm phù hợp, đào tạo và tái hòa nhập công việc sau thời gian dài giãn cách.

Theo khảo sát mới đây về vấn đề tiền lương, bên cạnh số lao động được giữ nguyên lương, tăng lương chiếm tỷ lệ nhỏ thì nhiều lao động có việc làm nhưng tiền lương giảm (20 - 50%, thậm chí có nơi giảm 80%) hoặc nhận lương tùy thuộc vào sản phẩm làm ra trong tháng do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Để giải quyết các khó khăn về lương/thu nhập, chế độ làm việc, bên cạnh Nghị quyết 68 của Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình cụ thể để kịp thời có đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệ và người lao động phù hợp.

Hồng Ngọc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này