Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và hai dự án luật

12:52 | 21/10/2021
(LĐTĐ) Hôm nay (21/10), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024.
Cần bộ tiêu chí đánh giá thống nhất cho các chỉ số thống kê Thủ tướng Chính phủ: Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và hai dự án luật
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ. (Ảnh: HL)

Theo báo cáo của Chính phủ, về kinh tế - xã hội, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4%GDP)… Đáng quan tâm, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Triển khai Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; báo cáo cấp có thẩm quyền và Ủy ban thường vụ Quốc hội để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp...

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%... Tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh, số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng…

Trong báo cáo thẩm tra, đánh giá về dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự toán thu ngân sách Nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn.

Đối với đề xuất về cải cách tiền lương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi. Ủy ban thẩm tra nhất trí với phương án Chính phủ trình, sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho phòng, chống dịch…

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và tiến hành thảo luận ở tổ về hai dự án luật này.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này