Nở rộ bất động sản hàng hiệu

08:55 | 19/10/2021
(LĐTĐ) Bất động sản (BĐS) hàng hiệu là các dự án căn hộ thuộc phân khúc hạng sang được kết hợp bởi một đơn vị phát triển BĐS uy tín và quản lý vận hành một thương hiệu danh giá gắn liền với khách sạn dịch vụ tiện ích 5 sao. Trên thế giới, loại hình này đã xuất hiện cách đây cả trăm năm. Riêng Việt Nam, mô hình BĐS hàng hiệu vẫn còn mới và xa lạ dù nhu cầu rất lớn.
Thị trường cho thuê mặt bằng sau dịch Covid-19: “Gió tầng nào gặp mây tầng đó” 5.400 doanh nghiệp bất động sản ra đời trong 9 tháng dù dịch dã kéo dài

“Mặt hàng” ít bị tác động của dịch Covid-19

Trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 thì loại hình sản phẩm chuyên biệt với khách hàng rất hạn chế này liệu có cơ hội phát triển hay không? đó là điều mà các chuyên gia kinh tế bàn luận và phân tích tại Tọa đàm “Nhận diện xu hướng và tiềm năng phát triển BĐS hàng hiệu”.

Nở rộ bất động sản hàng hiệu
Khu nghỉ dưỡng 5 sao Mövenpick Resort Waverly Phú Quốc do MIKGroup phát triển

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong vòng 20 năm gần đây, và có độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và giàu nhanh nhất thế giới trong vài chục năm qua. Vì thế nhu cầu về tiêu dùng hàng hiệu cao cấp phát triển rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng BĐS hàng hiệu hiện nay còn chậm không phải không có khách hàng giàu mà là do một bộ phận tầng lớp thượng lưu chưa quen với cuộc sống trong khuôn viên chứa đựng gần như tất cả yếu tố về làm việc, nghỉ dưỡng, trí tuệ, tâm linh…

“Gần đây tôi thấy có một số nhà đầu tư chú ý phát triển BĐS hàng hiệu nhưng ở mức dè dặt, thăm dò thị trường. Các nhà đầu tư biết rằng sự rủi ro là rất lớn bởi khoản đầu tư lớn, nếu bán chậm, nhất là khoản đầu tư vay ngân hàng thì rất có thể sẽ dẫn đến khó khăn về dòng tiền trong tương lai gần”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển & Kinh doanh Việt Nam, giai đoạn hiện tại, do dịch Covid-19, quý 3 năm 2021 Việt Nam tăng trưởng âm rất sâu tới 6,17% và dự đoán quý 4 sẽ tiếp tục âm, dẫn đến tăng trưởng cả năm sẽ rất thấp, dao động trên dưới 2%. Sự phục hồi trong năm tới cũng sẽ khá chậm vì một số lý do: Thứ nhất, nguồn lực tài chính khá hạn hẹp và Việt Nam không có gói tích trữ nào đáng kể cho nền kinh tế, cho các khoản đầu tư mới. Thứ hai là nguồn nhân lực gặp khó khăn rất lớn. Sau đợt dịch lần thứ 4, hầu hết lao động ở các khu công nghiệp, người dân sống ở thành phố lớn bắt đầu lo sợ về rủi ro trong cuộc sống và khó khăn về thu nhập, cùng với đó các tài trợ cho họ đều rất bấp bênh. Số người lao động rút khỏi thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chính sách nuôi dưỡng một lực lượng lao động cho hậu Covid-19 là rất yếu. Thứ 3 là thiếu các cơ chế kinh tế đặc biệt, các chính sách tài khóa đặc biệt, tín dụng đặc biệt, đầu tư đặc biệt để phục hồi nhanh nền kinh tế trong những tháng tới. Việt Nam có thể sẽ phải kéo dài chương trình phục hồi, không chỉ quý 1 năm tới mà còn sang quý 2, quý 3.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, với sản phẩm BĐS hàng hiệu thì không bị ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh. Mà vấn đề chính là làm thế nào tạo ra được một thị trường tương đối có lòng tin đối với nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. “Muốn như vậy, thì sản phẩm BĐS hàng hiệu không chỉ đơn thuần phô trương giá trị thành đạt và sự xa xỉ, mà là việc phải làm thế nào để trong một căn hộ, biệt thự phải có các giá trị khác như giá trị về văn hóa, trí tuệ. Thường những căn hộ như vậy sẽ được quản lý bởi các nhà đầu tư lớn. Như chúng tôi quan sát thì sản phẩm phải có giá trị văn hóa cao thì người tiêu dùng mới có thể thưởng thức được và sống được trong những căn hộ, biệt thự như vậy”, ông Nghĩa nhận định.

Khả năng “sinh lời” của BĐS hàng hiệu

Là một sản phẩm đắt giá nên việc cân nhắc, đắn đo vẫn không phải là ngoại lệ đối với giới siêu giàu tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng cân nhắc vấn đề này trước khi đi đến quyết định bỏ vốn thực hiện dự án. Vậy giá trị của bất động sản hàng hiệu có giữ được không, liệu có tăng theo thời gian không? đó là vấn đề mà cả nhà đầu tư lẫn khách hàng đều quan tâm.

Masterise Homes là một trong số ít nhà phát triển BĐS hàng hiệu tại Việt Nam và đặc biệt là sản phẩm BĐS hàng hiệu trong trong khu đô thị. Nhiều người quan tâm, đâu là những cơ sở có tính thực tiễn và tiềm năng để Masterise Homes phát triển tại thị trường Việt Nam và đâu là yếu tố đảm bảo khách hàng sẽ đón nhận Masterise Homes khi tung ra sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Ông Gibran Bukhari - Giám đốc Khối Kinh doanh, Masterise Homes cho rằng, Masterise Homes không chỉ dự đoán được nhu cầu của Việt Nam với BĐS hàng hiệu, mà hiện nay đơn vị này đã tận mắt nhìn thấy và cảm nhận được nhu cầu này. Theo quan sát của Masterise Homes, số lượng người giàu tại Việt Nam đã tăng 26% trong vòng 5 năm trở lại đây, dẫn đến nhu cầu tất yếu trong việc nâng tầm cuộc sống lên tiêu chuẩn toàn cầu. Ông Gibran Bukhari khẳng định, thị trường BĐS hàng hiệu trên thế giới là một sân chơi tiềm năng với những giá trị bền vững cho các bên tham gia, không chỉ củng cố di sản của những thương hiệu mà còn hòa quện vào nền văn hóa, tinh hoa của khu vực phát triển BĐS hàng hiệu.

“Ví dụ như khi nhắc đến The Grand Hanoi tức là nhắc tới di sản ngàn năm văn hiến của Thủ đô, nơi những giá trị văn hóa cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy”, ông Gibran Bukhari lấy ví dụ. Tuy nhiên, Gibran Bukhari cũng cho rằng, cho tới nay, Việt Nam còn thiếu những dự án đẳng cấp có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu.

Đại diện Masterise Homes phân tích: “Thật trùng hợp khi đại dịch diễn ra và vô tình làm nổi bật lên những giá trị của phân khúc BĐS hàng hiệu. Đó là chuẩn mực sống siêu sang gần như không bị gián đoạn bởi giãn cách xã hội, vì bạn đã có thể trải nghiệm những dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao nhất ngay trong khu căn hộ của mình.

Mặt khác, bảo chứng của thương hiệu tạo niềm tin và bảo vệ giá trị của BĐS hàng hiệu qua những bất ổn và biến cố. Từ an toàn về sức khỏe, vấn đề an ninh, đến tiêu chuẩn vệ sinh… tất cả đều tuân theo tiêu chuẩn khắt khe nhất. Đánh giá này không phải là chủ quan mà đã được xác minh bởi các đơn vị đầu ngành toàn cầu. Cũng nhờ được bảo chứng bởi thương hiệu, BĐS hàng hiệu mang đến chuẩn mực sống chưa từng xuất hiện, trao cho chủ nhân căn hộ cơ hội du lịch tại gia không hề thua kém các chuyến du lịch hạng sang nhờ các dịch vụ và hoạt động giải trí mang tiêu chuẩn quốc tế diễn ra ngay tại nhà, mỗi ngày”.

Ông Gibran Bukhari cũng khẳng định, được kiến tạo với chất lượng đẳng cấp, vận hành và quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp, BĐS hàng hiệu là tài sản “tích sản” tượng trưng cho thành công và địa vị. Bên cạnh đó là yếu tố cung - cầu. Số lượng giới hạn của BĐS hàng hiệu trên toàn cầu cũng là yếu tố bảo vệ giá trị của phân khúc này, không chỉ với những thương hiệu và chủ đầu tư phát triển dự án mà còn mang đến giá trị lớn cho chủ nhân căn hộ hàng hiệu. BĐS hàng hiệu tại khu vực đô thị của Việt Nam đang khan hiếm hơn so với BĐS hàng hiệu nghỉ dưỡng, vì sự khan hiếm về quỹ đất, bối cảnh đô thị và các yếu tố khác.

Đồng ý kiến với chuyên gia của Masterise Homes, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, việc một bất động sản giữ được giá trị phụ thuộc vào đơn vị quản lý vận hành. Sản phẩm nào được quản lý vận hành tốt, bảo trì tốt thì chất lượng không hao mòn mà còn tăng lên. Cùng với đó là vị trí của BĐS hàng hiệu rất “khan hiếm”, thường nằm trung tâm hoặc ven sông, ven biển có “view” nước, cảnh quan đẹp, khiến theo thời gian, giá trị BĐS sẽ tăng lên. Ngoài ra, giá trị trải nghiệm của loại hình BĐS này cũng làm tăng giá trị của dự án.

“Thực tế, tại Băng Cốc, hay Singapore, những sản phẩm BĐS hàng hiệu được chào bán giá top thị trường, người mua thời gian đầu dè dặt, nhưng sau 10 năm mức tăng trưởng về giá rất tốt. Nghiên cứu những năm gần đây, BĐS hàng hiệu có sự tăng giá 20-30% trong vòng 5 năm. Tóm lại, tuỳ thương hiệu quản lý, vị trí và sự tăng giá của BĐS hàng hiệu là có thật. Thị trường Việt Nam nằm trong khu vực sẽ có sự tăng trưởng về giá BĐS hàng hiệu trong thời gian tới”, bà Dung nhận định. /.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này