Kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021)

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị

17:21 | 07/10/2021
(LĐTĐ) Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô đã hoàn thành, đưa vào sử dụng thời gian qua cho thấy “mạch máu” giao thông Thủ đô từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cảnh sát giao thông hỗ trợ sản phụ sinh con trong đoàn người về quê từ các tỉnh phía Nam Hà Nội "thay da, đổi thịt" sau 67 năm giải phóng Nghĩa tình người Hà Nội

Khắc phục “điểm đen”, hiện đại hóa hạ tầng giao thông

Tại Hà Nội, đã và đang tồn tại thực tế là hệ thống hạ tầng giao thông phải “gồng mình” phục vụ cho khoảng 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Trong khi đó, mỗi năm quỹ đất dành cho giao thông chỉ tăng tương đối ít ỏi. Chính vì vậy, ùn tắc giao thông trở thành mối lo dai dẳng khiến nhiều người dân sợ hãi và trở thành vấn đề đau đầu với các nhà quản lý.

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị
Một trong những điểm nhấn chặng đường 67 năm qua chính là sự phát triển đồng bộ của hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội (Cầu Nhật Tân, Ảnh: Minh Phương)

Theo ghi nhận thực tế, ở Thủ đô câu chuyện xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh điểm ùn tắc mới diễn ra tương đối phổ biến. Điểm giao cắt tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La (còn gọi là đường Chu Văn An) nối quận Hoàng Mai với huyện Thanh Trì và đường 70 tại Thủ đô Hà Nội là ví dụ. Trục giao thông này gần đây là điểm nóng, gây bức xúc cho không ít người và phương tiện lưu thông.

Theo đó, từ khi tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La đưa vào khai thác xuất hiện tình trạng một đoạn đường dù chỉ kéo dài 300 - 400m nhưng có tới ba nút giao cắt tại các vị trí: Ngã ba Xa La - đường 70, trước cổng Bệnh viện K và điểm giao cắt với đường 70 với tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La. Đáng nói, lưu lượng phương tiện giao thông đổ dồn về đây dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện. Nhiều người dân cho biết, đoạn đường thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm do vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng vì vậy dù hệ thống đèn tín hiệu, lực lượng phân luồng… đã nỗ lực triển khai song hiệu quả giảm ùn tắc vẫn không cao.

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ đã góp phần làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Bên cạnh những khó khăn khách quan, không thể phủ nhận hiện công tác khắc phục “điểm đen” giao thông, hoàn thiện hạ tầng cũng được Hà Nội chú trọng hơn. Dễ thấy, ở Hà Nội trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch Covid-19 nhiều dự án giao thông vẫn được chú trọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đó là các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên); dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương (trên địa bàn quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm); dự án xây dựng cầu Trí Thủy (huyện Chương Mỹ)… vẫn được phép thi công nhằm đảm bảo tiến độ.

Tại công trường dự án sửa chữa, bảo đảm an toàn giao thông tại Km22+700 đến Km22+800 trên Quốc lộ 32 cũ (huyện Đan Phượng), ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, đây là một trong những dự án cải tạo, xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông trọng điểm của Thành phố. Chính bởi vậy, dự án được chú trọng đảm bảo phòng dịch cũng như tiến độ thi công. Sau khi cải tạo, xóa bỏ “điểm đen” này sẽ trực tiếp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực.

Tương tự, tại dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương (nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu), kỹ sư Ban Điều hành liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 Nguyễn Tuấn Nghĩa thông tin, dự án xây dựng hầm chui nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố nhằm mục tiêu giải quyết xung đột tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương, giảm ùn tắc và từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị
Hệ thống cầu vượt, hầm chui đã góp phần cải thiện năng lực vận chuyển, giảm ách tắc trên những trục đường hướng vào trung tâm Thủ đô (Ảnh: Minh Phương)

Với việc hầm chui Lê Văn Lương sắp tới được hoàn thành, tại nút giao sẽ có 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, từ đó giải quyết ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội.

Thổi luồng sinh khí mới

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung phát triển nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông để từng bước hoàn thiện theo quy hoạch. Hàng loạt các công trình giao thông do Trung ương và Hà Nội đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên địa bàn Thủ đô, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường.

Có thể thấy nhiều con đường, nút giao thông đã được xây dựng rất rộng, đẹp đi vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị
Hệ thống các tuyến cao tốc vào Thủ đô không ngừng được phát triển.

Tuy nhiên, để “dài hơi” hơn trong phát triển, đòi hỏi Thủ đô phải có sự đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông. Đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai là tiền đề đặc biệt quan trọng.

Nói cách khác hiện lưu lượng giao thông ở Hà Nội đang tập trung ở nội thành, bởi vậy phải đầu tư xây dựng các trục đường hướng tâm. Giao thông Hà Nội sẽ từng bước hoàn thiện theo hướng giao thông hướng tâm và các đường vành đai, từ đó góp phần trực tiếp giảm ùn tắc cho nội thành.

Được biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến đường Vành đai để kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đó là các tuyến như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3,5, Vành đai 4…

Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị
Mô hình cầu Tứ Liên

Với riêng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có vai trò hết sức quan trọng bởi khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội đang trong những ngày kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021). Nhìn hạ tầng Hà Nội đang từng bước hiện đại hóa, bộ mặt đô thị ngày càng đổi khác hẳn bất kỳ ai cũng thấy kỳ vọng và tự hào. Tự hào khi Hà Nội vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới. Tin chắc trong tương lai, bên cạnh sự phát triển kinh tế xã hội, bộ mặt của Hà Nội sẽ ngày càng khang trang, hiện đại.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này