Bảo tồn và phát triển không gian công cộng trong lòng đô thị:

Kỳ 2: Những mô hình sáng tạo độc đáo

14:01 | 07/10/2021
(LĐTĐ) Nhận thấy tầm quan trọng của không gian công cộng, chính quyền tại một số địa phương ở Thủ đô đã phối hợp với cộng đồng dân cư, các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tạo dựng nên chúng. Mỗi một không gian đều có nét độc đáo riêng khi được xây dựng từ các sân tập thể, trên khu đất trống, thậm chí là bãi rác bỏ hoang…
Kỳ 1: Đã thiếu còn bị chiếm dụng

Tạo dựng sân chơi và vườn cộng đồng

Hiện nay, không chỉ người dân và trẻ em thành phố thiếu những sân chơi công cộng mà ở nông thôn cũng vậy. Vì thế, sự xuất hiện của sân chơi cộng đồng tại tổ 46, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh là một tin vui với người dân và trẻ em nơi đây. Dự án được Viện Goethe hỗ trợ để xây dựng sân chơi và vườn cộng đồng ở tổ 46, thị trấn Đông Anh. Dự án có sự tham gia của các tổ chức ở địa phương, trẻ em và Hội Phụ nữ huyện.

Ban đầu, khu vực làm sân chơi này dự kiến sử dụng cho việc trồng cây bóng mát. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ ý tưởng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sẵn sàng ủng hộ và cho phép sử dụng khu đất này để xây dựng sân chơi và vườn cộng đồng.

Với sự điều phối của Hội Phụ nữ, dự án đã tổ chức buổi hội thảo cùng thiết kế không gian công cộng với cộng đồng bao gồm các nhóm đa dạng: Chính quyền địa phương, phụ nữ, người già, trẻ em… Đây là hoạt động quan trọng nhằm thu thập các thông tin cần thiết cho việc thiết kế một không gian công cộng hoà nhập, thân thiện với mọi người.

Kỳ 2: Những mô hình sáng tạo độc đáo
Người dân cùng tham gia làm sân chơi cho trẻ em và vườn cộng đồng ở tổ 46, thị trấn Đông Anh.

Sân chơi được các chuyên gia sử dụng lốp xe tái chế, gạch sinh thái để làm thành bập bênh, xích đu, khu cầu trượt cho trẻ em. Với việc sử dụng các nguyên vật liệu tái chế vừa có thể tiết kiệm chi phí, vẫn đạt hiệu quả mà còn truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư. Người dân cũng được khuyến khích tham gia các công việc làm sân chơi, từ việc tìm vật liệu và kết thành các trò chơi, đến quản lý sân chơi.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai và xây dựng, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo huyện Đông Anh, thị trấn Đông Anh cùng với sự tham gia của cộng đồng, tổ 46 đã có một sân chơi rất sáng tạo dành cho trẻ em. Từ khi đi vào hoạt động, sân chơi không chỉ là điểm đến quen thuộc của trẻ em với các trò chơi mới mẻ và thú vị, còn người dân cũng có thể dạo mát, chăm sóc vườn cộng đồng trong những lúc rảnh rỗi.

Để bảo vệ không gian công cộng, cộng đồng đã cùng nhau thành lập Ban quản lý và phân công nhiệm vụ chăm sóc, dọn dẹp và kiểm tra sự an toàn của sân chơi. Ở không gian công cộng này, các ông, các bố sẽ là người chịu trách nhiệm sửa chữa một số vấn đề nhỏ trong sân chơi còn ở với khu vườn cộng đồng sẽ có sự hỗ trợ của các bà, các mẹ để trồng các loại rau gia vị và vườn thuốc nam để mọi người có thể sử dụng trong gia đình.

Sân chơi này vắng bóng người khi Thủ đô thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay khi Thành phố “nới lỏng”, các bạn nhỏ đã quay trở lại sân chơi và các bà các mẹ cũng đã có những hoạt động tại sân chơi của mình.

Cô Đỗ Thị Sừ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 46 cho biết: “Kể từ khi tiếp nhận sân chơi và vườn cộng đồng về tổ 46 thì người dân chúng tôi rất phấn khởi, nhất là các cháu. Trước đây chưa có sân chơi, các cháu phải lang thang chơi mọi chỗ, mọi nơi không an toàn. Từ khi có sân chơi, các cháu rất thích thú và vui mừng. Ban quản lý chúng tôi mở cửa sân chơi từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tuy nhiên sân vẫn hơi chật vì lượng cháu nhỏ ở đây rất đông. Để đảm bảo giãn cách, các cháu vẫn chờ đợi nhau để được vào chơi. Từ khi sân chơi bước vào hoạt động, tổ dân phố cũng như Hội Phụ nữ rất quan tâm đến không gian này, thường xuyên dọn vệ sinh và chăm sóc khu vườn cộng đồng. Hàng ngày chị em phụ nữ chăm bón cây xanh, làm cỏ, vun tưới cho cây. Bà con rất phấn khởi và vui vẻ”.

Khi nghệ thuật tô điểm không gian công cộng

Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cũng là ví dụ điển hình cho những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc tạo dựng thành công một không gian công cộng. Dự án được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi xướng và đã hoàn tất vào năm ngoái. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng thi công, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ đã cải biến khu vực ven sông Hồng vốn được coi là mặt sau của Thành phố trở thành một điểm nhấn nghệ thuật thu hút cộng đồng, các bạn trẻ và khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng trên khu vực phường Phúc Tân cho biết, tiếp theo sự thành công bước đầu của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, nhằm mang lại không gian văn hoá giải trí mới cho cộng đồng, dự án Nghệ thuật ven sông Hồng này đã ra đời và đưa vào sử dụng từ năm ngoái.

Kỳ 2: Những mô hình sáng tạo độc đáo
"Bức tường danh vọng" của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế ở dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Đây có thể coi là một nỗ lực tiếp theo chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện nhằm giúp Hà Nội có thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng, vui chơi, giải trí cho người dân. Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng của bãi Phúc Tân - khu vực ven sông Hồng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

Một đặc điểm cũng hết sức đặc trưng của khu vực này là tuy có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng bãi Phúc Tân nói riêng cũng như những khu vực chạy dọc ven sông lại chưa được ứng xử như mặt tiền thành phố như nhiều nước văn minh trên thế giới. “Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hoá đó nhóm nghệ sĩ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây”, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả… cũng như các đồ rác thải từ chính nơi đây cũng như từ những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố làm nguyên liệu để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác với bối cảnh của dòng sông Hồng cũng như cùng lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ. Có 16 nghệ sỹ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200 mét. Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm, được kỳ vọng là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, giúp người dân gắt kết với nhau.

Sau dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, nơi đây trở thành một không gian nghệ thuật đương đại mới của Thủ đô, gắn bó với đời sống của cộng đồng. Những nỗ lực của nhóm hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong việc cải tạo, làm đẹp Thành phố đã được công chúng ghi nhận. Bãi Phúc Tân từ là nơi người ta thoải mái xả rác bừa bãi, giờ người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, trước những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, dường như họ không “nỡ” làm bẩn khu vực này.

Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, một nhà nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng đã có tác phẩm “Bức tường danh vọng” trong dự án này. Sau một thời gian dài giãn cách vì dịch Covid-19, mới đây, anh đã quay trở lại Phúc Tân từ sáng sớm để tận hưởng luồng không khí trong lành từ dòng sông Hồng.

Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Thật vui được gặp lại bà con và tác phẩm của mình sau thời gian xa cách. Có những chỗ cây đã mọc che gần hết những chiếc cổng của tôi. Với bà con Phúc Tân, dự án nghệ thuật này đem đến một không gian sống lành mạnh, tươi sáng, cho lũ trẻ ven sông có thêm nhiều hy vọng vào ngày mai tươi đẹp”.

Phương Bùi

(Còn tiếp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này