Kỳ vọng một mùa thu chiến thắng

08:26 | 06/10/2021
(LĐTĐ) Mùa thu tháng Mười năm 1954, Hà Nội rợp cờ hoa, hàng chục vạn người dân hân hoan khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Mùa thu năm nay, Hà Nội yên ả hơn, trầm lắng hơn, nhưng trong lòng Hà Nội vẫn sục sôi tinh thần của 67 mùa Thu trước, “đẩy lùi đại dịch”, sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Hà Nội phát động phong trào thi đua đặc biệt "Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19". Hà Nội chung sức đồng lòng, chiến thắng đại dịch

Có ai đó nói rằng, mùa thu năm nay Hà Nội “ảm đạm” hơn những thu xưa, song nếu chỉ dành một chút lặng im, đánh thức mọi giác quan để cảm nhận Hà Nội trong từng nhịp thở, chúng ta sẽ thấy rất khác. Thu Hà Nội vẫn “gây mê” tâm trí con người đến thế với những con đường phảng phất lá rụng, với không khí trong mát và làn gió thu miên man thổi qua từng con phố, với mùi hoa sữa thơm hương khi đêm về trong tĩnh lặng… và thu dường như rõ nét hơn khi vắng tiếng xe cộ, chân người, chỉ có “ngõ ngỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”.

Kỳ vọng một mùa thu chiến thắng

Hà Nội sẽ đẩy lùi đại dịch để phát triển (Ảnh: Minh Phương)

Và có lẽ, chính trong cái không gian thu tĩnh lặng này, nhiều người mới có dịp tìm về miền ký ức của 67 năm về trước, khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Ký ức ấy không chỉ hằn sâu trong trí nhớ những người già, mà còn đọng lại trong từng trang sử vẻ vang để lớp lớp người trẻ tuổi đều nhớ về mỗi khi mùa thu tới. 67 năm về trước, chúng ta đã chiến thắng quân thù để mùa thu Hà Nội trong hơn, xanh hơn; còn giờ đây, Hà Nội cũng đang âm thầm trong một cuộc chiến với kẻ địch vô hình, từng bước chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, dần “quét sạch bóng thù”.

Đã 67 năm trôi qua nhưng âm vang Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) vẫn còn vọng mãi. Đó là bản hòa ca, hùng tráng của những đoàn quân tiến về năm cửa ô như năm cánh sao vàng giữa những rừng hoa, rừng cờ với bao gương mặt hân hoan, bao vòng tay thân thiết. Đi dọc lịch sử trở về nghìn năm trước, càng quý trọng hơn những khoảnh khắc này.

Từ mùa thu năm 1010 Vua Lý Công Uẩn chọn mảnh đất đắc địa “Rồng cuộn, Hổ ngồi” bên bờ con sông Hồng làm kinh đô của nước Đại Việt. Trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn khẳng định: “Đại La ở giữa khu vực trời đất có thế rồng cuộn, hổ ngồi; ở giữa Nam - Bắc – Tây - Đông hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực ra là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”.

Hà Nội là nơi lắng hồn thiêng sông núi ngàn năm được Đảng ta và Bác Hồ lựa chọn làm “trái tim” Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang vọng lại lời dặn dò thân thiết của Bác Hồ với đồng bào Hà Nội: “Tám năm qua Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa, nhưng lòng Chính phủ vẫn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình được thắng lợi. Chính phủ ta lại trở về với Thủ đô với đồng bào, muôn dặm một nhà vui mừng khôn xiết”.

Thủ đô chính là nơi đại diện cho nền văn hóa của một quốc gia, là nơi hội tụ tinh hoa của một dân tộc, một đất nước. Thì đây ngày 10/10/1954 chính là một dấu mốc son chói lọi trong lịch sử huy hoàng của Thủ đô. Ngày này cũng trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô, đánh dấu một bước ngoặt to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới hết sức vẻ vang của lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi đế quốc thực dân. 67 năm từ Ngày giải phóng Thủ đô khuôn mặt phố phường đã có bao đổi thay, nhưng âm vang những ngày giải phóng vẫn còn mới mẻ rạo rực trong bao ký ức con người.

Mùa thu nay, Hà Nội vừa trải qua một kỳ giãn cách dài nhất từ trước đến nay, cũng là thời kỳ chống dịch cam go nhất từ trước tới nay. Trong những cơn gió heo may báo hiệu chuyển mùa, trong nồng nàn hơi thở của cuộc sống, đẹp nhưng vắng lặng đến nao lòng, những “chiến sĩ áo trắng” và lực lượng tuyến đầu vẫn đang thầm lặng lên đường chi viện cho những nơi có dịch và giờ đây là miền Nam ruột thịt. Covid-19 làm cho mỗi con người trở nên kiên cường hơn, không do dự gác lại những dự định, những hoài bão và hạnh phúc đơn sơ, sẵn sàng lên đường chi viện.

Còn ở hậu phương, từng người, từng nhà kiên quyết đấu tranh với cuộc sống thiếu thốn cả về tinh thần và vật chất, kiên quyết gạt bỏ những cám dỗ, ở yên trong nhà, đảm bảo vững chắc cho các “vùng xanh”, cho tiền tuyến an tâm chống dịch. Đại dịch khiến cho mỗi người con của Thủ đô không có những giây phút thảnh thơi ngắm phố phường Hà Nội, cảm nhận mùi hoa sữa đặc trưng của Thủ đô, nhưng thay vào đó, mỗi chúng ta đều mang trong mình trách nhiệm và niềm tin sẽ cùng nhân dân cả nước đẩy lùi được đại dịch.

Ngày 29/7/2021, khi Hà Nội bước vào những ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng, chống lại, chiến thắng bằng được đại dịch Covid-19: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Kỳ vọng một mùa thu chiến thắng
Các y bác sĩ CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Lời kêu gọi đã tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!

Mùa thu nay, Hà Nội không rộn ràng, náo nhiệt như những mùa thu trước, nhưng bước đầu thực hiện linh hoạt chỉ thị giãn cách đã cho thấy cuộc chiến đang đi dần đến chiến thắng…

Nếu như ngày 10/10/1954, khi đoàn quân chiến thắng tiến vào Hà Nội, nhiều người gặp nhau nước mắt tương phùng, thì mùa thu năm nay, đâu đó lặng thầm diễn ra những cuộc tương phùng của những y bác sĩ, chiến sĩ lực lượng tuyến đầu trở về trong vòng tay của người thân sau bao ngày “nằm vùng” trên tiền tuyến. Hà Nội vẫn ngập tràn niềm tin chiến thắng, ngập tràn hy vọng những “vùng xanh” ngày càng lan rộng, những “điểm đỏ” dần biến mất, và miền Nam thân yêu sẽ cùng chiến thắng dịch bệnh, để những chiến sĩ “Nam tiến” được trở về Hà Nội trong mùa thu khải hoàn. Hà Nội sẽ chiến thắng đại dịch, để trở về trạng thái bình thường mới, tạo ra khí thế mới, thời cơ mơ mới trong mùa Thu tháng Mười lịch sử./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này