Học trực tuyến - bước tạo đà cho chuyển đổi số

08:47 | 05/10/2021
(LĐTĐ) Có thể thấy, dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực cho công tác dạy và học, nhưng cũng tạo cơ hội, động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Lan tỏa yêu thương, giúp các em nghèo được học trực tuyến Tặng thiết bị học trực tuyến cho con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Tạm dừng đến trường không dừng học

Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã buộc các ngành nghề phải thay đổi để thích ứng. Việc thay đổi dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và mặc nhiên đang trở thành một xu hướng tất yếu. Trong đó, lĩnh vực GD&ĐT cũng không ngoại lệ.

Tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT Thủ đô xác định việc tổ chức dạy và học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời đạt mục tiêu hoàn thành chương trình đạt yêu cầu. Nhằm thiết lập nền tảng quản lý, dạy học đồng bộ và hiệu quả, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đã chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến, thúc đẩy số hóa trong giáo dục. Đơn cử, với tinh thần sẵn sàng chinh phục thử thách, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình) đã xây dựng xong hệ thống trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom và tổ chức hoạt động cho toàn bộ cán bộ, giáo viên của nhà trường.

Học trực tuyến - bước tạo đà cho chuyển đổi số
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT Thủ đô xác định việc tổ chức dạy và học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để "tạm dừng đến trường, không dừng việc học"

Cụ thể, nhà trường đã báo cáo, đề xuất Phòng GD&ĐT quận Ba Đình hướng dẫn, tạo điều kiện cấp tài khoản email giáo dục tên miền @badinhedu.vn (gồm 1 tài khoản dùng để quản trị toàn hệ thống và email chuẩn hóa tên miền cho 100% cán bộ, giáo viên trong nhà trường); giao giáo viên chủ nhiệm thông báo và yêu cầu 100% học sinh chuẩn hóa email theo cú pháp (do nhà trường quy định); xây dựng thời khóa biểu trực tuyến hợp lý, thuận lợi cho giáo viên và học sinh (thời gian học mỗi tiết rút ngắn lại 40 phút và thời gian chuyển tiết là 10 phút) theo nguyên tắc đảm bảo đúng, đủ số tiết của từng môn học bắt buộc theo quy định; xây dựng kho học liệu (gồm video bài giảng, giáo án điện tử PowerPoint…) để giảng dạy và hỗ trợ học sinh trong quá trình học trực tuyến…

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, thời gian qua, Phòng GD&ĐT quận đã xây dựng và vận hành trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom - một ứng dụng được tích hợp tự động với các tiện ích khác của Google như Google Docs, Gmail, Google Drive giúp người sử dụng dễ dàng liên kết các tiện ích với nhau. Với Google Classroom, giáo viên có thể dễ dàng tổ chức và tạo một lớp học trực tuyến, giao bài tập hay kiểm tra, đánh giá online rồi lưu trữ vào file Drive của mình. Mỗi lớp được tạo trong Google Classroom đều sẽ được thiết lập một mã ID riêng. Để tham gia lớp học trên ứng dụng này, học sinh chỉ cần đăng nhập mã ID đó hoặc giáo viên sẽ gửi thông báo trực tiếp về việc thêm thành viên vào lớp thông qua tài khoản Gmail của người học.

Năm học 2021-2022 là năm học thứ 3 áp dụng hình thức dạy và học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ GD&ĐT, dạy và học trực tuyến đã trở thành hình thức dạy và học chủ đạo ở nhiều địa phương trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều đó cho thấy sự chủ động của các cấp quản lý, tạo điều kiện cho các nhà trường, giáo viên chủ động dạy học bảo đảm chất lượng trong mọi hoàn cảnh.

Những thành công bước đầu này đã góp phần quan trọng tạo nên một làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn ngành GD&ĐT nói chung và tới từng giáo viên nói riêng.

Được biết, đến nay, 100% các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn quận Ba Đình đã xây dựng trường học trực tuyến (trong đó 92% trên nền tảng Google Classroom). Đây là bước tiến lớn của các trường học trên địa bàn, bởi năm học trước, chỉ có 8% các trường sử dụng trường học trực tuyến, còn lại 92% chưa có trường học trực tuyến mà chỉ sử dụng Zoom như công cụ dạy học trực tuyến.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Đại dịch Covid-19 mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để ngành GD&ĐT chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến.

Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025; quy định chuẩn dữ liệu giáo dục mầm non, phổ thông và đại học; hướng dẫn về dạy học trên Internet, dạy học trên truyền hình và công nhận kết quả dạy học qua mạng tạo hành lang pháp lý thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát nội dung các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ nhà trường, giáo viên phục vụ công tác dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và ký kết các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp về hỗ trợ ngành GD&ĐT thực hiện chuyển đổi số .

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục được đẩy mạnh. 100% các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối Internet tốc độ cao; 100% các trường Trung học phổ thông có tối thiểu 1 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học và các thiết bị công nghệ thông tin khác phụ trợ công việc quản lý hành chính; 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng cấp và thu thập đầy đủ dữ liệu của gần 50.000 trường học mầm non, phổ thông, gần 23 triệu học sinh và hơn 1,4 triệu giáo viên.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành GD&ĐT đã chủ động triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình; tiếp tục xây dựng Kho học liệu số toàn ngành và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử E-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 7.500 luận văn tiến sĩ, gần 30.000 bộ câu hỏi trắc nghiệm. Các trường phổ thông đã ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến để tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Giáo viên và học sinh đã thích ứng với môi trường học tập số hóa trên nền tảng dữ liệu của cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT…

Học trực tuyến - bước tạo đà cho chuyển đổi số
Học sinh Hà Nội học trực tuyến.

Tới đây, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Theo đó, ngành GD&ĐT sẽ triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy, học, kiểm tra trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; thúc đẩy phát triển các mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành (gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác); phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến…

Thực tế đã chứng minh chuyển đổi số trong GD&ĐT không chỉ giúp thay đổi phương pháp dạy và học mà nó tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt giúp cho thầy và trò phát huy được tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động. Tuy nhiên, dù đã có khởi đầu khá thuận lợi nhưng để thực hiện chuyển đổi số, ngành GD&ĐT cần có những bước đi bài bản, đồng bộ mới có thể đạt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD&ĐT./.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này