Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường phấn khởi vì được Thành phố ghi nhận, quan tâm

20:56 | 01/10/2021
(LĐTĐ) Tại Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố. Trong đó, Thành phố quyết định hỗ trợ 15% mức lương cơ sở/người/tháng đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực nhận hỗ trợ 15% mức lương cơ sở/tháng Ghi nhận hiệu quả ban đầu

Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội quy định: “Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân (UBND) phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền phải có kinh nghiệm từ 3 năm công tác trở lên ở lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch”.

Số tiền hỗ trợ hàng tháng cho công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực là 15% (hoặc 0,15 mức lương cơ sở), bằng số tiền phụ cấp của Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và thấp hơn số tiền phụ cấp hàng tháng của Phó Chủ tịch UBND phường (20% hoặc 0,20 mức lương cơ sở).

Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường phấn khởi vì được Thành phố ghi nhận, quan tâm
Công dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phường Phố Huế

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình cho hay: “Việc được hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho thấy sự quan tâm, động viên, ghi nhận công sức của Thành phố đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường trong việc đảm nhận thêm nhiệm vụ ký chứng thực thay cho thay lãnh đạo UBND phường.

Thực tế từ khi thực hiện việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch trực tiếp ký chứng thực cho thấy đã giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức Tư pháp - Hộ tịch phường chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải công việc khác cho lãnh đạo UBND phường”.

Là người nhận ủy quyền trực tiếp ký chứng thực, chị Hoàng Liên - công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, chị cảm thấy vui khi HĐND Thành phố thông qua đề xuất hỗ trợ kinh phí cho công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền trực tiếp ký chứng thực. Theo chị Liên, từ ngày Nghị định 79 ra đời, thẩm định hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký là công việc mà công chức Tư pháp – Hộ tịch phường vẫn thực hiện. Vì vậy, việc được hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho thấy sự quan tâm và ghi nhận của Thành phố.

Công chức Tư pháp – Hộ tịch phường phấn khởi vì được Thành phố ghi nhận, quan tâm
Chị Đoàn Thị Thanh Ngọc, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Trần Hưng Đạo giải quyết thủ tục chứng thực cho người dân

Chị Đoàn Thị Thanh Ngọc, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm cũng chia sẻ, chị cảm thấy phấn khởi hơn khi được Thành phố quyết định hỗ trợ kinh phí cho nhiệm vụ ký chứng thực. Chị Ngọc cho hay, lâu nay, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường vẫn tham mưu cho lãnh đạo UBND phường ký chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký.

Từ khi thành phố thực hiện Đề án thí điểm chính quyền đô thị, công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường được lãnh đạo UBND phường ủy quyền trực tiếp ký chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, và chứng nhận và chứng thực chữ ký cho công dân, thì thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn rất nhiều và cũng nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của nhân dân.

“Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch trực tiếp kiểm tra hồ sơ, nhập dữ liệu, vào sổ, ký và trả hồ sơ cho công dân luôn, nên thời gian giải quyết nhanh hơn hẳn, nhiều người dân ngạc nhiên vì được nhận kết quả chứng thực ngay mà không phải chờ, hay hẹn sang buổi khác như trước nên rất phấn khởi”, chị Ngọc cho biết.

Cũng theo chị Ngọc, do thời gian triển khai thực hiện việc ủy quyền từ ngày 1/7, rơi vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp... nên số lượng hồ sơ chứng thực còn ít và chưa phát sinh các khó khăn, vướng mắc.

Tại một số quận, việc ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch ký chứng thực được thực hiện linh hoạt, khi cán bộ Tư pháp - Hộ tịch bận, hoặc có quá nhiều hồ sơ thì lãnh đạo UBND phường vẫn ký, để đảm bảo giải quyết hồ sơ nhanh nhất cho người dân. Cụ thể như tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên có 2 cán bộ Tư pháp, trong đó một người được ủy quyền ký chứng thực sẽ trực tiếp làm việc tại Bộ phận một cửa. Trong trường hợp công chức này có việc cần nghỉ, lãnh đạo UBND phường sẽ ký.

Theo nhiều lãnh đạo UBND phường, quy định Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, giảm đáng kể thời gian thực hiện, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Trong thực tế, yêu cầu chứng thực chiếm số lượng lớn hồ sơ hành chính ở phường. Theo báo cáo thống kê hàng năm của các quận, huyện, thị xã, trung bình một năm 175 UBND phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây giải quyết hơn 6 triệu hồ sơ chứng thực bản sao từ bản chính và hơn 200 nghìn hồ sơ chứng thực chữ ký. Trung bình một ngày, một UBND phường tiếp nhận và giải quyết từ 80 đến 100 hồ sơ chứng thực.

Ngoài việc phải giải quyết thủ tục chứng thực, công chức Tư pháp - Hộ tịch còn phải tiếp nhận và giải quyết 8 thủ tục hành chính khác trong lĩnh vực chứng thực; 17 thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch, 2 thủ tục lĩnh vực nuôi con nuôi, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phối hợp giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn… Vì vậy, việc Thành phố quyết định hỗ trợ 15% mức lương cơ sở/người/tháng là sự quan tâm, động viên thiết thực để mỗi cán bộ Tư pháp – Hộ tịch phường gắn bó, trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này