Hạnh phúc khi bệnh nhân được ra viện

08:37 | 30/09/2021
(LĐTĐ) Tiếng còi xe cấp cứu nối đuôi nhau đến bệnh viện, tiếng máy thở tít tít, tiếng khò khè, tiếng ho rút ruột, rút gan của bệnh nhân và cả những hình ảnh bệnh nhân không qua khỏi phải ra đi trước “|ưỡi hái tử thần” mang tên Covid khiến không ít bác sĩ tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh bị ám ảnh, sang chấn tâm lý... Song vượt qua tất cả, họ lại tự trấn an mình, lao vào “cuộc chiến” để dành lại sự sống và sức khỏe cho bệnh nhân.
Hai bác sĩ ở Bình Dương kịp thời giúp sản phụ vượt cạn ngay vỉa hè Bước qua ranh giới

Stress vì âm thanh phòng bệnh...

Là một trong số những bác sĩ tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 (Bệnh viện dã chiến 16) thành phố Hồ Chí Minh do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết, dù đã đi hỗ trợ chống dịch tại nhiều nơi, tuy nhiên đợt dịch lần này tại thành phố Hồ Chí Minh thực sự khủng khiếp.“Chúng tôi vào đây đúng lúc dịch Covid-19 bắt đầu dữ dội nhất và thực sự là tất cả mọi người trong đoàn công tác đều choáng váng. Bởi những đợt dịch chúng tôi từng tham gia hỗ trợ như Hải Dương hay Bắc Giang mức độ dịch, sự tiến triển nặng… không dữ dội như đợt dịch này”, bác sĩ Hùng nói.

Hạnh phúc khi bệnh nhân được ra viện
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách đã cứu sống nhiều ca bệnh Covid-19 nguy kịch. Ảnh: Thành Dương

Theo lời bác sĩ Hùng, tất cả những nhân viên y tế đi hỗ trợ trong đợt dịch này đều mất ăn, mất ngủ trong những ngày đầu tiên. Bởi lẽ, thời gian đầu, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phải lắp đặt một bệnh viện dã chiến mới hoàn toàn, quan trọng nhất là khu vực ICU (trung tâm hồi sức tích cực). Hai tuần đầu khi bệnh viện dã chiến còn đang kiện toàn hệ thống, thì lượng bệnh nhân đổ vào rất đông, trong khi số lượng nhân viên y tế hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong một tháng liên tục vừa qua, hầu hết nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ từ đầu cho đến chân trong thời tiết nắng nóng, khó chịu nên mồ hôi chảy ròng ròng, mất nước và chất điện giải rất nhiều. Nhân viên y tế bị sốc nhiệt hết lượt. Đặc biệt, do tính chất công việc phải mặc bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liền, trong những ngày đầu tiên, các y, bác sĩ mắc phải các bệnh ngoài da, như viêm da khá là nhiều, nhất là phụ nữ rất là khổ”, bác sĩ Hùng chia sẻ. Không những vậy, một khi các y, bác sĩ bước vào Trung tâm ICU là không có khái niệm thời gian, không biết là ngày hay đêm, chỉ có duy nhất ánh sáng đèn và nhận ra nhau qua tên gọi ghi trên những bộ đồ bảo hộ đầy bức bí.

Chia sẻ về gần hai tháng tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến 16, bác sĩ Hùng cho biết có quá nhiều hoàn cảnh bệnh nhân thương tâm và xúc động. Có những gia đình cả nhà đều bị nhiễm Covid-19 và cả nhà đều không qua khỏi. Đến khi bệnh nhân tử vong, nhân viên y tế cũng không biết phải gọi điện thông báo với ai nữa, vì mất hết cả rồi. Được biết, Bệnh viện dã chiến 16 là tầng cuối điều trị bệnh, nên bệnh nhân nặng ở các tuyến đổ về rất nhiều và hầu hết là phải thở máy. Lượng bệnh nhân nhập viện đông, trong khi nhân lực mỏng, nhất là nhân viên hồi sức tích cực thì ít, nên các y, bác sĩ luôn phải căng sức làm việc. Bởi vậy, đôi khi chính các y, bác sĩ cũng cảm thấy bất lực vì không cứu hết được người bệnh, dù đã cố gắng hết sức.

Chia sẻ về việc tình nguyện Nam tiến chống dịch Covid-19, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho rằng: “Tôi nghĩ việc đi chống dịch là nhiệm vụ của mỗi nhân viên y tế nên tôi coi đó là việc hết sức bình thường, không có gì to tát cả. Chính vì vậy, mỗi lần đi vào tâm dịch cũng giống như một chuyến công tác bình thường của tôi thôi. Và mỗi lần hết dịch được về nhà, lại được ngồi ở bàn nước, được đọc một cuốn sách mình thích với tôi là một điều hạnh phúc. Mong muốn lớn nhất của nhân viên y tế chúng tôi, cũng giống như bao người khác là được trở về với người thân, về với gia đình, nên hơn ai hết chúng tôi luôn mong muốn dịch bệnh được kiểm soát, các bệnh nhân ở đây đều được hồi phục và trở về với gia đình thì như thế chúng tôi mới an tâm về nhà được”.

“Khi nhìn thấy bệnh nhân không qua khỏi là một điều khiến cho các bác sĩ cảm thấy rất day dứt. Và tầng tầng, lớp lớp bệnh nhân ở xung quanh như vậy, thì các bác sĩ luôn phải đặt câu hỏi làm như thế nào? Chứng kiến bệnh nhân nặng quá nhiều và áp lực của nhân viên y tế, đã có nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không vượt qua được”, bác sĩ Hùng cho hay.

Cũng trong những ngày đầu vào chống dịch, không riêng bác sĩ Hùng, đã có rất nhiều nhân viên y tế bị mất ngủ và rơi vào trạng thái stress. Và nhiều y, bác sĩ đã phải có sự trợ giúp của những đồng nghiệp chuyên khoa về tâm thần để hỗ trợ thêm. Bác sĩ Hùng cho hay: “Những ngày điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tôi luôn luôn bị ám ảnh, về tới nhà rồi vẫn không có cảm giác, người lúc nào cũng lâng lâng như ở trên mây. Ở Bệnh viện dã chiến hầu hết là bệnh nhân phải thở máy, chính vì vậy nên lúc nào đầu óc cũng phải nghe tiếng tít tít của máy thở, tiếng máy báo động gây ra tình trạng stress liên quan đến đến vấn đề âm thanh cũng rất là lớn".

... Đến cứu chữa được người bệnh

Không chỉ công việc vất vả, áp lực, mà các nhân viên y tế còn rất nhớ nhà. Gần hai tháng Nam tiến hỗ trợ chống dịch và nhiều người còn lâu hơn thế, cũng là từng đó thời gian họ xa gia đình, người thân… Nhưng đã đi chống dịch là xác định sẽ vất vả và hy sinh, các nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, cũng như nhân viên y tế trên cả nước nói chung luôn xác định đây là công việc và nhiệm vụ của người thầy thuốc phải làm. Nên đôi khi chính những người thầy thuốc phải tự dặn lòng mình là không được phép mệt mỏi và không được thể hiện sự mệt mỏi cho người khác thấy, bởi như vậy dễ khiến người khác “ngã lòng”. Phải cố gắng tự mạnh mẽ lên một chút để còn hỗ trợ cho các đồng nghiệp.

“Có rất nhiều đồng nghiệp ở các tuyến nhắn tin cho tôi nói muốn khóc. Tôi có nói nếu muốn khóc thì ra một chỗ khác mà khóc, không bao giờ được khóc trước mặt đồng nghiệp của mình, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của người khác. Rõ ràng công việc rất áp lực và mệt mỏi, tôi rất hiểu điều đó, bởi chính tôi cũng là người đi hỗ trợ chống dịch nhiều nơi, nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này bùng phát là đợt dịch dữ dội nhất tôi từng chứng kiến. Những gì tôi chứng kiến đủ sự đau thương cho cả đời người”, bác sĩ Hùng ngậm ngùi.

Mặc dù tâm lý luôn bị đè nặng, nhưng vượt lên trên tất cả các nhân viên y tế đang sống và “chiến đấu” từng phút, từng giờ trong Bệnh viện dã chiến 16 để giành giật sự sống cho người bệnh trước “cửa tử”. Và động lực giúp các nhân viên y tế cảm thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong công việc đó chính là thấy người bệnh đỡ hơn, đáp ứng điều trị.

Hạnh phúc khi bệnh nhân được ra viện
Các nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19làm thủ tục trao trả kỷ vật cho người thân bệnh nhân đã tử vong.

“Có một ngày chúng tôi đi buồng, bệnh nhân ra hiệu và viết vào một tờ giấy hỏi chúng tôi “bao giờ em chết”? Trong khi bệnh nhân đó tiên lượng xấu, dù trẻ tuổi nhưng phổi bệnh nhân bị xơ hóa nhiều cả hai bên, đang phải thở máy”, bác sĩ Hùng kể lại. Câu hỏi của bệnh nhân đã tác động cực kỳ mạnh mẽ tới các y, bác sĩ đang điều trị.

Theo bác sĩ Hùng chia sẻ, “không biết câu hỏi của người bệnh là gửi gắm niềm hy vọng hay tuyệt vọng”. Nhưng là một người thầy thuốc, bác sĩ Hùng luôn hiểu đằng sau mỗi một con người đều có gia đình, đều có người thân mong chờ. Chính vì vậy các y, bác sĩ càng phải cố gắng và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nữa để họ có cơ hội được trở về với gia đình. Và sau rất nhiều cố gắng, chiến đấu, giành giật sự sống từ tay “tử thần”, bệnh nhân này đã chiến thắng, hồi phục một cách ngoạn mục và sắp được trở về với gia đình thân yêu.

Bác sĩ Hùng tâm sự nhìn các bệnh nhân ra viện thực sự rất là vui, vì chính bản thân nhân viên y tế giống như được trút đi gánh nặng và đưa được một cuộc đời về với gia đình của họ.“Họ cũng giống mình thôi, mỗi lần đi công tác xa về, có người thân đứng chờ ở cửa là một điều vô cùng vui và hạnh phúc. Bởi vậy nếu bệnh nhân ra được viện và về với vòng tay của gia đình thì đó là niềm hạnh phúc không gì có thể đo đếm được”, bác sĩ Hùng chia sẻ thêm./.

Minh Khuê- Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này