Không để dịch bệnh xâm nhập vào chợ, siêu thị

08:32 | 28/09/2021
(LĐTĐ) Chợ và siêu thị là những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao do tập trung đông người. Do đó, việc tăng cường và áp dụng chặt các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch luôn cần được chú trọng.
Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để đẩy lùi dịch bệnh Cần loại bỏ ngay tư tưởng chủ quan

Vẫn là “điểm nóng”

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn được duy trì. Tại chợ Mỹ Đình, người ra vào chợ chỉ bằng con đường duy nhất ở cổng chính và luôn có lực lượng chức năng. Mã QR code khai báo cũng được để ngay trước cổng để người dân tiện khai báo. Tương tự, tại chợ Nam Đồng, ngay từ ngày đầu nới lỏng giãn cách, lực lượng chức năng tiếp tục duy trì chốt ở đường chính vào chợ để nhắc nhở người dân tuân thủ quy định về phòng, chống dịch đồng thời điều tiết giao thông tại khu vực.

Không để dịch bệnh xâm nhập vào chợ, siêu thị
Người dân vào siêu thị quét mã QR code.

Còn tại chợ Hôm Đức Viên, quận Hai Bà Trưng, nhiều gian hàng thiết yếu hiện vẫn đang tạm nghỉ để phục vục công tác phòng, chống dịch. Ban quản lý chợ cũng chỉ duy trì một phần cửa ra vào để phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, chợ khá thưa vắng khách, hoạt động mua sắm cũng chưa nhộn nhịp trở lại. Chợ Linh Lang trên phố Linh Lang (quận Ba Đình) cũng mới mở cửa trở lại sau nhiều ngày phải đóng cửa để thực hiện khử khuẩn và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Tại đây, nhiều băng rôn khẩu hiệu phòng, chống dịch vẫn được treo từ ngoài đến bên trong chợ. Điều này, giúp các tiểu thương và người dân có ý thức hơn trong công tác phòng, chống dịch và bước vào giai đoạn “bình thường mới” theo chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố…

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch tại các khu chợ truyền thống, chợ dân sinh vẫn được duy trì. Các biện pháp phòng, chống dịch cũng đều được các địa phương bám sát theo Chỉ thị số 22 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, cùng với việc Thành phố “nới lỏng” giãn cách xã hội, việc kiểm soát ra vào tại các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố cũng không còn chặt chẽ như trước. Điều nhận thấy rõ ràng nhất đó là việc kiểm soát người ra vào chợ dường như đã “lỏng” hơn khá nhiều. Việc kiểm soát khai báo mã QR hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Còn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mặc dù lượng khách hàng tăng cao nhưng ngay từ cửa ra vào, nhân viên các cửa hàng, siêu thị vẫn duy trì việc yêu cầu khách hàng khai báo y tế bằng mã QR code và khử khuẩn. Theo chị Nguyễn Thanh Mai, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, khách hàng vào mua tại siêu thị và các cơ sở kinh doanh đều chấp hành nghiêm quy định “5K”. Nếu khách hàng không quét mã QR code và đeo khẩu trang thì nhân viên bảo vệ không cho mua hàng, trước khi vào phải khử khuẩn. Được biết, để duy trì công tác phòng, chống dịch, hầu hết các siêu thị đều yêu cầu tất cả những người dân, nhân viên bán hàng đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch, khuyến khích người dân mua hàng trực tuyến.Theo đại diện các siêu thị, đây là việc làm thiết thực góp phần nhắc nhở và phối hợp với người dân đảmbảo sức khỏe của chính mình và cộng đồng.

Cần duy trì thường xuyên

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở một số tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp, những nơi cung ứng hàng hóa như chợ, siêu thị tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trở lại rất cao. Tại địa bàn quận Đống Đa, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu, cửa hàng tiện ích… triển khai thực hiện như: 2 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, 68 cửa hàng tiện ích, 4 cửa hàng an toàn có kiểm soát… và hàng trăm các cửa hàng tạp hóa khác. 100% các chợ trên địa bàn quận tiếp tục duy trì quét mã QR, khai báo y tế khi ra - vào. Nhìn chung, những điều kiện “cần” cho công tác phòng, chống dịch tại các khu vực chợ và siêu thị, đều được các cấp chính quyền quan tâm và sát sao. Các mã QR code cũng được dán ở tại tất cả các điểm dễ nhìn trong khu vực. Đây cũng chính là tiền đề để khi phát sinh ổ dịch thì phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể.

Các chợ truyền thống và siêu thị vốn là nơi thường xuyên tập trung đông người từ nhiều nơi đến mua bán, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Đồng thời, môi trường ở chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, nếu phát hiện có ca bệnh tại chợ, việc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát số người tiếp xúc, liên quan gặp rất nhiều khó khăn... Do đó, việc nâng cao ý thức phòng chống dịch đối với tiểu thương cũng như người đi chợ là điều cần thiết, bởi mỗi người nêu cao tinh thần tự giác “hiệu quả” trong phòng dịch mới đạt được yêu cầu đề ra.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến hết ngày 26/9, tổng số địa điểm quét mã QR code trên địa bàn là 415.215 điểm, tuy nhiên việc quét mã QR code vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Đơn cử như trong ngày 25/9, số địa điểm QR có lượt quét mã chỉ là 68.654 điểm với 308.551 lượt quét mã. Đặc biệt, có 4 xã trong ngày 25/9 không có lượt quét mã QR code phát sinh trong ngày là xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; xã Liên Mạc, huyện Mê Linh; xã Liên Châu, huyện Thanh Oai; xã Chương Dương, huyện Thường Tín.

Như đã nói ở trên, điều kiện “cần” đều rất tốt, nhưng điều kiện “đủ” đó là sự chấp hành từ một bộ phận người dân còn chưa thực sự đầy đủ, và một phần cũng từ sự “thả lỏng” của lực lượng sở tại. Do đó, chính quyền các cấp, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn Thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương, khách hàng vi phạm và ngay cả với những tập thể, cá nhân thuộc các đơn vị quản lý không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cần phải khẳng định một lần nữa, các chợ truyền thống và siêu thị vốn là nơi thường xuyên tập trung đông người, từ nhiều nơi đến mua bán, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Đồng thời, môi trường ở chợ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, nếu phát hiện có ca bệnh tại chợ, việc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát số người tiếp xúc, liên quan gặp rất nhiều khó khăn... Do đó, việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch đối với tiểu thương cũng như người đi chợ là điều cần thiết, bởi mỗi người nêu cao tinh thần tự giác “hiệu quả” trong phòng dịch mới đạt yêu cầu đề ra./.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này