Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

12:14 | 27/09/2021
(LĐTĐ) Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1484-QĐ/TU, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bổ sung, đánh giá 3 nhóm nội dung trụ cột để xây dựng Luật Thủ đô Đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Luật Thủ đô Hà Nội: Đề xuất lập đề án chính quyền đô thị

Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 4 Phó Trưởng ban, trong đó Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh là Phó Trưởng ban Thường trực.

3 Phó trưởng ban là các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy.

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ban Chỉ đạo xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô, đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) gắn với tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; đề xuất, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Bênh cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh trong vùng Thủ đô trong quá trình soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng sẽ mời đại diện một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong vùng Thủ đô, một số chuyên gia tham gia Ban Chỉ đạo.

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Luật Thủ đô được ban hành với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, an ninh, an toàn, tiêu biểu cho cả nước, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng.

Luật Thủ đô đã quy định những chính sách mới có tính đặc thù, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô trong thời gian trước đây và hiện nay như: Vấn đề quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đô thị hóa, phát triển nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trước sức ép di dân cơ học tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông, quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường…

Việc triển khai Luật Thủ đô đã góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và Nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy, việc thực hiện các mục tiêu mà Luật Thủ đô hướng đến còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhìn chung, nhiều cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả, nhiều vấn đề phát triển của Thủ đô còn chưa thực sự được giải quyết bằng quy định của Luật Thủ đô.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết, nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô đang được đặt ra một cách cấp bách. Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung sẽ kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những hạn chế, bất cập để củng cố cơ sở pháp lý, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này