Hãy bảo vệ con chúng ta trước đại dịch

21:34 | 22/09/2021
(LĐTĐ) Trong suốt 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bậc phụ huynh than phiền thương các con nhỏ, bởi các cháu đang tuổi khám phá thế giới xung quanh mà bị “giam chân” trong nhà. Bởi vậy, ngay khi Thành phố nới lỏng giãn cách, lại đúng dịp Tết Trung thu nên nhiều người có tâm lý “bù đắp” cho trẻ xuống phố đón trăng. Tuy nhiên, giữa đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và trẻ cũng là đối tượng chưa được tiêm vắc xin, thì việc thương con không đúng cách như vậy… quá bằng hại con.
Phụ nữ Tây Hồ với “mùa trăng giãn cách” Cần loại bỏ ngay tư tưởng chủ quan Đừng để thành quả chống dịch bị đổ bể vì "vui" mà ra đường

Sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện giãn cách, làm việc online, người dân có tâm lý bí bách, nên ngay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách là ra khỏi nhà ngay lập tức không cần suy xét. Điều đáng trách, là nhiều bậc phụ huynh đã đưa cả trẻ em ra đường chỉ để đón Tết Trung thu, mà quên đi rằng dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội dù đã tạm thời được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Hãy bảo vệ con chúng ta trước đại dịch
Hiện chưa có chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Quang Huy).

Nhìn những bức ảnh “biển người” chen chúc đi chơi Tết Trung thu tràn ngập khắp mạng xã hội mà nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán, thậm chí lo sợ bởi trong đám đông kia, chỉ cần có 1 ca F0 thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Trong khi đó, ở một góc phố nhỏ cũng trong Thành phố, các “thợ săn” Covid- những nhân viên y tế dự phòng vẫn đang cần mẫn lấy mẫu xét nghiệm trong bộ đồ bảo hộ kín và bức bí suốt nhiều giờ đồng hồ, khiến nhiều người không khỏi thương cảm và xót xa.

Trong khi người dân đổ ra đường đi chơi Trung thu, bất chấp những quy định của Chỉ thị 15/CT-TTg như không tập trung đông người, đảm bảo 5K,… họ có nghĩ tới những nhân viên y tế dự phòng, những cán bộ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, đang ngày đêm vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân trước “cửa tử”. Thậm chí, nhiều y, bác sĩ Nam tiến chống dịch hàng tháng trời xa nhà, xa con cái, với họ ngay cả việc được ngồi yên trong ngôi nhà yêu thương đón Tết Trung thu đơn giản cùng gia đình, người thân cũng là một điều xa xỉ.

Vô tình, sự chủ quan của người dân sẽ dẫn tới nguy cơ những cố gắng, những thành quả bước đầu chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là những nhân viên y tế trở nên uổng phí. Và nếu thêm dù chỉ một ca bệnh là dịch còn kéo dài, đồng nghĩa với công việc của những nhân viên y tế càng thêm vất vả. Và nếu bệnh bùng phát trở lại, lại lặp lại kịch bản giãn cách xã hội, phong tỏa, lại xét nghiệm diện rộng… thì thật đáng buồn.

Bởi vậy, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, mặc dù nới lỏng giãn cách nhưng người dân không nên ra đường khi không có việc thực sự cần thiết. Đặc biệt, trong lúc này người dân càng phải cảnh giác cao độ vì chỉ cần trong đám đông những người đổ ra đường trong đêm Trung thu có 1 người F0 thì sẽ dễ lây lan, không biết ai lây cho ai. Nhất là khi trẻ nhỏ mắc bệnh thì càng nguy kịch.

Từ trong tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, nhìn những bức ảnh dòng người nối dài trên đường đi đón Trung thu, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn cũng đã phải thốt lên: “Chỉ cần 1 F0 lẫn trong đám đông này thôi thì mọi nỗ lực của người dân và chính quyền thành phố Hà Nội “đổ sông, đổ biển” hết”.

Bày tỏ quan điểm của mình, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn chia sẻ: “Thực sự, nhìn thấy cảnh đám đông chen chúc chở con đi chơi Trung thu mà tôi thấy lo. Bây giờ, tôi và nhiều người cũng chỉ biết cầu mong không có ca F0 nào trong đám đông đó. Ngoài việc kiểm soát của lực lượng chức năng thì ý thức giãn cách, ý thức 5K trong mỗi người là điều hết sức quan trọng. Trước khi cho con đi vui Trung thu sao các bạn không nghĩ đến ở thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 2000 trẻ mồ côi vì mất bố mẹ do dịch Covid-19…”.

Hãy bảo vệ con chúng ta trước đại dịch
Dòng người nối dài trên đường trong tối 21/9 tại Hà Nội. (Ảnh: Nam Nguyễn).

Hiện nay, tại Hà Nội, mặc dù vắc xin đã bao phủ số lượng lớn, tuy nhiên, còn rất nhiều người chưa được tiêm. Ví dụ như trẻ em, một số người không thể tiêm được do bệnh nền, những người mới được tiêm, còn phần trăm nào đấy chưa được bảo vệ... bởi vậy nguy cơ lây lan cũng như bùng phát dịch vẫn luôn hiện hữu.

Chia sẻ về vấn đề mắc Covid-19 ở trẻ em, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tuy hầu hết trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện chưa có có chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ, nhưng người lớn tiêm vắc xin giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

“Covid-19 thường gây ra các triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường do các căn nguyên khác nhau, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền. Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu như: Ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn…, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Phan Hữu Phúc khuyến cáo thêm.

Cho nên, cùng với việc chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ, trong tình hình dịch hiện nay dù đã được tiêm 1 mũi, hay 2 mũi thì người dân cũng nên tiếp tục thực hiện 5K, vừa bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, nhất là những đối tượng hiện vẫn được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19. Và chỉ có như vậy, mọi nỗ lực, của Chính phủ, các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương mới không trở nên vô nghĩa.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này