Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội

08:14 | 22/09/2021
(LĐTĐ) Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia phòng, chống và kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh xã hội và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.
Chủ động phương án triển khai các nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô Không để người lao động nào khó khăn mà không có sự giúp đỡ của tổ chức Công đoàn Kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68

LĐLĐ thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 528/LĐLÐ về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 22/CT-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.

Theo đó, Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung quán triệt sâu sắc việc tham gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội.

Trao 1.000 “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động tại khu công nghiệp Nội Bài
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ của tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục được triển khai nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp 5K, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết; khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Chủ động tham mưu cấp ủy (nếu có), đồng thời tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và động viên tinh thần cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), đặc biệt quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là đoàn viên, NLĐ trực tiếp tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, sau khoảng thời gian kéo dài thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Công đoàn trong công tác chỉ đạo việc duy trì trực đường dây nóng để xử lý kịp thời những kiến nghị của đoàn viên, CNVCLÐ; tham gia giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; chăm lo, chia sẻ khó khăn đối với NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đảm bảo tuyệt đối không để đoàn viên, NLÐ trong các Công đoàn cơ sở trực quản bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị lại phía sau.

Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố yêu cầu LĐLÐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân”, “Tổ an toàn Covid-19” trong doanh nghiệp...; Chủ động rà soát, điều chỉnh các phương án tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình diễn biễn của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh xã hội và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ an toàn theo địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Đẩy mạnh hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”
Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19" tại doanh nghiệp.

Đối với Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội, Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố yêu cầu tiếp tục rà soát nắm chắc tình hình quan hệ lao động, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội và các đơn vị liên quan để chỉ đạo Công đoàn cơ sở tham gia với chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất; không để đứt gãy chuỗi cung ứng; quản lý nơi ở, di biến động của NLĐ trong Khu/Cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.

Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc LĐLĐ Thành phố bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà); hạn chế tối đa các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng (trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bổ trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp, đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp phòng, chống dịch).

Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố giao Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố ban hành Kế hoạch đảm bảo quan hệ lao động, phục hồi sản xuất tại các doanh nghiệp trong tình hình mới; Phối hợp với Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND Thành phố nắm tình hình quan hệ lao động, đề xuất thực hiện các biện pháp chăm lo, hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách.

Liên quan đến công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ LĐLÐ Thành phố giao Ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố phối hợp với Báo Lao động Thủ đô, Trang web LĐLÐ Thành phố, Trang facebook “Công đoàn Hà Nội” tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội để mỗi đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, nhằm lan tỏa rộng khắp những hành động đẹp, chung sức đồng lòng, hưởng ứng phong trào thi đua của Thành phố “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này