Hà Nội chủ động với kịch bản "không mong muốn" của dịch Covid-19

22:15 | 20/09/2021
(LĐTĐ) Để đi trước một bước, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế đã tham mưu cho Thành phố kịch bản chống dịch với 40.000 ca mắc Covid-19, sẵn sàng ứng phó ngay ở cả tình huống xấu nhất.
Huyện Chương Mỹ: Liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều đối tượng tụ tập đánh bạc giữa mùa dịch Ngày 20/9, cả nước có số ca mắc Covid-19 thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây Từ 6 giờ ngày 21/9 dừng cấp giấy đi đường, phiếu đi chợ

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố chiều 20/9, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Nhằm tận dụng “thời gian vàng” thực hiện giãn cách xã hội, từ ngày 8/9-15/9, Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng cơ sở y tế công lập và ngoài công lập cùng sự hỗ trợ của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cho công tác tiêm chủng và lấy mẫu xét nghiệm.

Hà Nội: Sẵn sàng ứng phó với kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19
Công tác tiêm chủng được Thành phố triển khai với tiêu chí nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Cụ thể, từ ngày 8/9, Thành phố đã tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại tất cả các quận, huyện, thị xã và các điểm tiêm chủng cố định và lưu động,... bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000 - 550.000 mũi tiêm; ngày cao điểm nhất đã tiêm 606.000 mũi.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, công tác tiêm chủng được triển khai với tiêu chí nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, Thành phố đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Hà Nội cũng kêu gọi và truyền thông đến người dân thông điệp “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, bởi vậy người dân rất phấn khởi trong công tác tiêm chủng và nhìn chung không có tâm lý lựa chọn vắc xin. Đặc biệt, với những người lớn tuổi, có bệnh lý nền được tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn.

Tính đến hết ngày 18/9, Thành phố đã tiêm tổng số 6.432.921 mũi, trong đó số tiêm mũi 1 là 5.671.487 mũi (Hà Nội tiêm 4.945.921, bệnh viện Trung ương tiêm 725.566 mũi), đạt 94,2% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 68,33% dân số (trừ những người chống chỉ định). Số mũi 2 đã tiêm là 786.095, đạt 12% dân số trong đội tuổi tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên và 9,2% dân số. Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8-15/9, toàn Thành phố đã lấy tổng số 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch (kế hoạch lấy 5.005.452 mẫu, trong đó 3.302.505 mẫu PCR, 1.701.947 mẫu test nhanh). Qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính.

Với việc hoàn thành tiêm mũi 1 cùng tỷ lệ dương tính rất thấp sau khi xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố, được các chuyên gia dịch tễ đánh giá là chỉ số quan trọng cho kế hoạch nới lỏng một số hoạt động của Thủ đô Hà Nội, tiến tới nới lỏng giãn cách tại nhiều khu vực. Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà: Qua 2 đợt tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng, Thành phố tiếp tục có những giải pháp để đưa Hà Nội dần về trạng thái bình thường mới.

Liên quan đến công tác điều trị, thu dung Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế tiếp tục thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nhằm tiếp cận phác đồ điều trị mới… Ngoài ra, ngành Y tế Hà Nội cũng chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng đủ hệ thống oxy tại các bệnh viện và sẵn sàng các cơ sở cách ly cho bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế Hà Nội sẵn sàng ứng phó kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Dịch ở Hà Nội còn nhiều phức tạp, không thể lường trước. Theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Sở Y tế đã tham mưu cho Thành phố kịch bản có thể nói là đi trước. Sở xây dựng kịch bản với 40.000 ca mắc Covid-19, trong đó 32.000 trường hợp tầng 1 – tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch - hiện sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng”.

Mục tiêu chiến lược của các tầng khác nhau. Cụ thể, tầng 1: Hạn chế lây nhiễm chéo, nhất là không để xảy ra giữa các nhân viên y tế. Đồng thời theo dõi, điều trị theo sát các ca bệnh ở tầng 1, nếu cần thiết sẽ cho thở oxy, dùng thuốc chống đông, kháng viêm ngay để hạn chế chuyển tầng 2.

Hà Nội: Sẵn sàng ứng phó với kịch bản xấu nhất của dịch Covid-19
Các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Tầng 2 tận dụng các bệnh viện đa khoa hạng 2 có đầy đủ cơ sở hạ tầng để điều trị bệnh nhân chuyển từ tầng 1. Mục tiêu chung là tập trung điều trị, chăm sóc tốt bệnh nhân ở tầng 1, 2 để hạn chế tầng 3 (tầng bệnh nhân nặng). Tầng 3 đang được phân về 4 bệnh viện đa khoa hạng 1 đầy đủ nhân lực, trang bị tốt để điều trị tốt bệnh nhân gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, ngành Y tế Hà Nội đã kích hoạt 2 bệnh viện tầng 3 gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

“Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội hàng ngày giao ban trực tiếp với các bệnh viện vào buổi sáng với 81 điểm cầu, qua đó nghe được báo cáo hội chẩn các trường hợp từ nhẹ đến nặng, báo cáo chuyển tầng. Như vậy thông tin điều trị được trao đổi liên tục, thông suốt giữa các bệnh viện phối hợp nhau cùng điều trị”, ông Nguyễn Đình Hưng cho biết.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã tập huấn cho bác sĩ tầng 3 với chuyên gia của bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ông Hưng cũng cho biết, Thành phố luôn có kịch bản và F0 tham gia điều trị cũng đã có trong kế hoạch. Tuy nhiên, với tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay Hà Nội chưa cần thiết huy động lực lượng F0 đã khỏi bệnh vào hỗ trợ chống dịch.

Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống dịch, vai trò của tổ Covid cộng đồng quan trọng. Nếu các thành viên làm tốt, xây dựng được các tổ an toàn, nhân rộng xã phường, quận huyện, Thành phố an toàn. Cuộc chiến phòng, chống Covid-19 yêu cầu người dân nhận thức rõ được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Hiểu được bệnh và biện pháp phòng bệnh như thông điệp 5K, 5T, phối hợp chính quyền địa phương trong tiêm phòng, giãn cách.

“Nếu mỗi người dân ý thức tốt, phòng tốt, không nhiễm, an toàn cho bản thân thì gia đình an toàn, khu phố, làng xóm an toàn. Đối với người dân, ngay cả đã tiêm đủ 2 mũi, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn xảy ra nên vẫn phải thực hiện tốt 5K, giãn cách. Đặc biệt phải tìm hiểu bệnh, phòng bệnh đúng cách, đảm bảo thực hiện đúng phòng bệnh; liên tục không chủ quan, hạn chế tụ tập đông người", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng khuyến cáo thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này