Càng nới lỏng giãn cách càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch

17:54 | 18/09/2021
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên chủ quan, các biến thể của vi rút rất nguy hiểm, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào. Do vậy, càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán trước.
Mở cửa trở lại phải nâng cấp cơ sở Y tế và nâng cao ý thức phòng dịch của người dân Người dân "vùng xanh" vui mừng được kinh doanh nhưng không lơ là phòng dịch

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

Sau gần 8 tuần liên tục thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 24/7) theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, cho phép một số địa bàn không có ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 16/9 được hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Càng nới lỏng giãn cách càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch
Một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã được phép mở cửa một số dịch vụ ăn uống mang về, sửa xe...

Trong nhịp sống bình thường mới, nhiều địa phương, được phép mở lại một số dịch vụ đã trở nên nhộn nhịp hơn so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, không vì nới lỏng giãn cách mà các biện pháp phòng, chống dịch bị lơi là, xem nhẹ. Tất cả cửa hàng ăn uống đều dán thông báo “Chỉ bán hàng mang về” và có chỉ dẫn khách hàng thực hiện các bước phòng, chống dịch khi đến mua hàng.

Chị Nguyễn Thị Hằng (chủ quán ăn tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Khi cửa hàng được mở bán cho khách mang về, tôi vô cùng vui mừng vì đã có thể trở lại kinh doanh sau nhiều ngày đóng cửa. Ngay sau khi được mở cửa, gia đình tôi đã nhanh chóng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện “bình thường mới”. Đặc biệt, yêu cầu khách hàng khi mua hàng thực hiện quét mã QR, giãn cách theo đúng quy định”.

Là một trong những địa phương được phép mở lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ, ông Nguyễn Đình Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) cho rằng đây là những quyết định được Thành phố xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được buông lỏng trong phòng, chống dịch. Do vậy, địa phương đã điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, tuy nhiên vẫn đề cao việc thực hiện công tác phòng, chống dịch.

“Xã Phúc Lâm vẫn tuyên truyền, chỉ đạo người dân nghiêm túc thực hiện 5K; không lơi là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nghiêm túc thực hiện chỉ bán hàng mang về; phải quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định”.

Loại bỏ tư tưởng chủ quan

Có thể thấy, từ các đợt dịch đã qua cho thấy, sau mỗi đợt giãn cách dài, tâm lý chủ quan rất hay xuất hiện, đặc biệt khi số lượng người đã tiêm vắc xin đạt cao như hiện nay. Và khi mọi người không còn tâm lý e dè dịch, sẽ tăng tiếp xúc xã hội và tự thấy không cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, cũng sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh. Chia sẻ về điều này, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lâm Nguyễn Đình Nguyên nhấn mạnh, trong khi tình hình dịch diễn biến vẫn rất phức tạp, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát còn rất cao, bởi thế mọi sự thận trọng đều rất cần thiết.

Cụ thể, việc duy trì và tuân thủ nghiêm mọi quy định phòng dịch càng phải được đặt cao hơn, không vì dần nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện quy định mới phải gắn liền các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác. Trong đó, việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch lúc này rất cần sự chủ động, tự giác của chính người dân cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại.

Càng nới lỏng giãn cách càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch
Người bán hàng, mua hàng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Đình Nguyên, “chung sống an toàn với dịch Covid-19, nới lỏng nhưng không lơi lỏng trong phòng, chống dịch”, đó là những thông điệp đang được xã Phúc Lâm thực hiện sau khi từng bước mở lại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ. Người dân tự đứng lên kiểm soát người ra, vào thôn, đặc biệt không cho người từ “vùng đỏ, vàng” về “vùng xanh”. “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục sản xuất an toàn nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bởi chỉ cần tâm lý chủ quan, “xả hơi” xuất hiện ở một vài nơi, một vài người, cũng sẽ dẫn đến những hệ quả khó đoán trước, làm uổng phí công sức của cả xã hội”, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Lâm chia sẻ.

Thời gian qua, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch vì không chủ quan, luôn chủ động, khoanh vùng, cách ly, dập dịch quyết liệt, “chống dịch như chống giặc”. Vì vậy, hy vọng rằng, khi Thành phố bắt đầu nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch, cuộc sống bình thường mới dần trở lại thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc, đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách giữa người với người… càng phải tiếp tục được duy trì.

Nói về việc càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, dù Hà Nội đang giảm dần giãn cách xã hội, tiêm vắc xin, đưa nhịp sống dần ổn định trở lại để phục hồi kinh tế, nhưng người dân cũng không nên chủ quan, bởi các biến thể của vi rút rất nguy hiểm, dịch vẫn có thể bùng phát bất kỳ khi nào.

“Chuyện nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới và trong trạng thái vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. Do vậy, khi Thành phố càng nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Bởi chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán trước”, ông Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Trước đó, trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, để chung sống an toàn với đại dịch, chúng ta phải có cuộc sống an toàn, hành vi an toàn, gia đình an toàn, xã hội an toàn, nhà máy an toàn, siêu thị an toàn… Chung quy lại thì xây dựng cuộc sống an toàn thì mới có thể sống chung với dịch được. Nếu không an toàn thì một cộng đồng khi có một ca bệnh thì dịch rất dễ bùng phát, gây nhiều người mắc mà hệ thống y tế không đáp ứng được và rất dễ có số tử vong cao.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này