Những "di chứng" còn lại với doanh nghiệp sau "cơn bão" COVID-19

08:02 | 18/09/2021
Theo khảo sát do Vietnam Ceo Forum thực hiện với 318 doanh nghiệp về tác động của “cơn bão” COVID-19 cũng như khả năng phục hồi, 69% cho rằng, các thiệt hại có thể khắc phục và thời gian phục hồi là 1 đến 3 năm.
Mở cửa trở lại phải nâng cấp cơ sở Y tế và nâng cao ý thức phòng dịch của người dân Điều kiện để người nước ngoài đầu tư bất động sản ở Việt Nam

Cụ thể, 32% nhận định doanh nghiệp đang đối diện mức độ rủi ro trung bình, có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp; thiệt hại về tài sản, kinh doanh không lớn. Thiệt hại có thể khắc phục trong thời gian ngắn dưới 1 năm.

37% cho biết, doanh nghiệp đối diện với mức độ rủi ro cao, COVID-19 gây ra thiệt hại lớn đến tài sản, hoạt động kinh doanh; tác động xấu và để lại hậu quả nghiêm trọng. Doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng mất nhiều thời gian (từ 1 đến 3 năm).

Có 4% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng, COVID-19 chỉ như một “cơn gió nhẹ” đối với họ.

Khoảng 17% bi quan khi doanh nghiệp gần như không có khả năng phục hồi.

Sẽ có một “lực lượng tinh nhuệ” sau bão COVID-19

Với tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) U&I Group - nhận định, những gì khó khăn nhất đã đi qua.

Theo ông Tín, trải qua khủng hoảng COVID-19 kéo dài gần 2 năm và khủng khiếp nhất là làn sóng dịch lần thứ 4, hầu hết doanh nghiệp tư nhân đã hình thành cho mình 1 kế hoạch, ngay sau khi kinh tế mở cửa họ sẽ đi theo một con đường mới: Đầu tư nhiều hơn và dấn thân lớn hơn. Ở góc độ doanh nghiệp của mình, ông Tín dự báo có thể phục hồi 70-80% vào cuối năm sau.

Chia sẻ về khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch bệnh, Phó Tổng Giám đốc đầu tư của Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn - cho hay, qua quan sát 600 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán thì khối sản xuất phục hồi rất nhanh, trong khi khối dịch vụ phục hồi chậm.

Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm cho sự xáo trộn lao động khi sản xuất trở lại.  Ảnh: LĐO
Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm cho sự xáo trộn lao động khi sản xuất trở lại. Ảnh: LĐO

Với các doanh nghiệp sản xuất, dự kiến cuối năm 2021 sẽ bắt đầu tăng trưởng và đầu năm 2022 sẽ phục hồi mạnh. Tuy nhiên, có khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ mất rất nhiều thời gian để phục hồi trong khi doanh nghiệp lớn phục hồi rất nhanh.

Đây cũng là một vấn đề đáng lưu tâm khi hầu hết doanh nghiệp Việt vẫn đang dừng ở quy mô vừa và nhỏ (SME).

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, những doanh nghiệp tư nhân còn trụ lại sau đại dịch sẽ là lực lượng tinh nhuệ và có khả năng bứt tốc. Rất có thể, các doanh nghiệp lớn sẽ là đầu tàu để kéo SME trong quá trình phục hồi.

Nguy cơ thiếu lao động hiện hữu

Khi được hỏi về “di chứng” nặng nề nhất mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phải đối diện sau khi cơn bão COVID-19 quét qua là gì, ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh tới sự xáo trộn lao động: “Sau đỉnh dịch, tôi tin chắc rằng, số lao động đã về quê không bao giờ quay lại nhà máy 100%. Phân bổ lại lao động trong ngành sản xuất trên toàn quốc chắc chắn sẽ diễn ra. Do vậy, nếu các nhà máy vẫn theo cách làm cũ, không thay đổi nhiều về mặt công nghệ thì chắc chắn thiếu lao động”.

Sự xáo trộn, thiếu hụt lao động sẽ kéo theo chi phí cho doanh nghiệp tăng cao và nguy cơ không ổn định sản xuất.

Ông Albert Atonie - CEO của Avaiga-Singapore - chia sẻ thêm rằng, Châu Âu cũng gặp vấn đề rất trầm trọng về nguồn nhân lực sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế. “Họ thậm chí phải tăng lương, cho thêm tiền để thu hút những lao động ở vùng khác” - ông Atonie nói.

“Đây là lúc phải đầu tư ngay vào tự động hoá nếu muốn giữ nhịp sản xuất” - ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh và cho biết, doanh nghiệp của ông đang đẩy mạnh sử dụng robot ở nhiều khâu, công đoạn. “Chỉ từ 5 đến 10 nghìn USD đã có 1 robot làm việc gấp mấy lần con người rồi”.

Ông Albert Atonie chia sẻ rằng, nhiều doanh nghiệp Việt nghĩ chưa phải lúc đầu tư công nghệ, bởi trong khủng hoảng cần tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng, dành tiền làm việc khác trước. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đặt ra câu hỏi có nên chuyển đổi số hay không thì doanh nghiệp Châu Âu đã đặt ra vấn đề tăng tốc chuyển đổi số. Đầu tư cho công nghệ để tối ưu hoá quy trình.

Lý giải về vấn đề này, ông Mai Hữu Tín nói rằng, do chi phí lao động tại Việt Nam còn tương đối thấp nên doanh nghiệp Việt chưa đẩy mạnh yếu tố đầu tư công nghệ, muốn tận dụng lợi thế mà mình đang có. Yếu tố thứ 2 nằm ở chi phí vốn. Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt đang cao hơn so với nhiều nước trên thế giới nên khi muốn đầu tư vào công nghệ thì luôn phải cân nhắc.

Tuy nhiên, đã đến lúc các doanh nghiệp không thể chần chừ. Để tái tạo, các doanh nghiệp cần tập trung vào công nghệ, M&A, xem lại ngành nghề kinh doanh, sắp xếp lại công ty.

Cần các gói kích cầu mạnh tay từ Chính phủ

Phó Tổng Giám đốc đầu tư của Dragon Capital - ông Lê Anh Tuấn - nhận định, những khó khăn ngắn hạn mà COVID-19 gây ra không làm thay đổi triển vọng dài hạn, tầm nhìn 5-10 năm của kinh tế Việt Nam.

Theo ông Lê Anh Tuấn, đây là giai đoạn mà Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công và tung ra các gói kích cầu để tận dụng lợi thế dân số vàng của Việt Nam, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt tốc sau dịch. “Đây là giai đoạn cần bung mạnh. Lợi thế dân số vàng chỉ còn 5-6 năm nữa thôi, không tranh thủ tận dụng là bỏ lỡ cơ hội”.

Ông Lê Anh Tuấn cho hay, lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại với Việt Nam khi vẫn duy trì được mức 2,8%. Dự trữ ngoại hối vẫn tốt. Theo ông, nợ công của Việt Nam vẫn thấp, cần tăng lên nữa để kích thích kinh tế.

Theo Minh An/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-te/nhung-di-chung-con-lai-voi-doanh-nghiep-sau-con-bao-covid-19-954622.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này