Những nghĩa tình trong đại dịch

19:13 | 17/09/2021
(LĐTĐ) Tại một số khu dân cư không may xuất hiện ca F0 trong cộng đồng, lực lượng chức năng sẽ lập tức phong tỏa để dập dịch. Tình hình ổn định thì chỉ bị phong tỏa vài ngày, còn nếu phức tạp thì phong tỏa đến vài chục ngày. Để hỗ trợ những người dân và lực lượng chống dịch trong vùng phong tỏa yên tâm, “ai ở đâu, ở đó”, nhiều tình nguyện viên đã không quản ngại vất vả, nguy hiểm hàng ngày vận chuyển nhu yếu phẩm đến từng gia đình bị cách ly, nấu từng bữa cơm để chuyển đến lực lượng chống dịch.
Để Thủ đô bình yên, mỗi người dân hãy tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Để mọi người đều có chốn an cư! Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, vì mỗi người, vì quốc gia

Đi qua… nỗi sợ

Gần 2 tháng nay, xóm Ngò, thôn An Hạ, xã An Thượng, huyện Hoài Đức bị phong tỏa, nhằm hạn chế người dân ra đường, tránh tiếp xúc để khoanh vùng, dập dịch nhưng vẫn phải đảm bảo được đời sống hàng ngày của người dân nên Đội tình nguyện xóm Ngò được thành lập.

Ông Nguyễn Chí Thắng, Phó trưởng thôn An Hạ cho biết, Đội tình nguyện xóm Ngò được thành lập từ khi xóm bị phong tỏa. Công việc của Đội tình nguyện trong khu phong tỏa là vận chuyển lương thực thực phẩm của chính quyền và các nhà hảo tâm đến tận nhà mỗi người dân.

Đồng thời, khi bà con nhân dân xóm Ngò mua hàng hóa thiết yếu ở bên ngoài khu phong tỏa, mọi người sẽ đóng gói, ghi tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại rõ ràng rồi giao đến chốt kiểm soát dịch xóm Ngò. Hàng ngày, Đội tình nguyện ra chốt kiểm soát dịch vận chuyển đến tận nhà mỗi người dân để không ai phải ra đường.

Những nghĩa tình trong đại dịch
Đội tình nguyện viên xóm Ngò mang thực phẩm đến các gia đình bị cách ly.

Bên cạnh đó, Đội tình nguyện còn kiêm thêm nhiệm vụ thu gom rác, một tuần một lần vận chuyển ra bãi tập kết rác vì nhân viên vệ sinh môi trường đang là F1 phải cách ly tập trung.

“Những thành viên trong Đội tình nguyện rất nhiệt tình, mọi người không ngại khó, ngại khổ để giúp nhân dân trong khu phong tỏa được yên tâm, không phải ra ngoài đường. Chúng tôi cũng nhờ một phòng trọ của người dân trong xóm để một số người tình nguyện ở lại, không về nhà, tránh tiếp xúc với gia đình. Thời gian hoạt động vừa qua, bà con nhân dân xóm Ngò hết sức ủng hộ Đội tình nguyện, họ cảm ơn và ghi nhận sự giúp đỡ của Đội”, ông Thắng nói.

Cùng chia sẻ về hoạt động của đội tình nguyện, bà Lê Thị Thanh, thành viên Đội tình nguyện xóm Ngò cho biết, Đội có hơn 20 người, trong đó 15 người tham gia từ khi phong tỏa đến nay. Nếu công việc cần thêm người hỗ trợ thì Đội sẽ kêu gọi thêm người dân tham gia.

Ngoài công việc vận chuyển lương thực thực phẩm, Đội tình nguyện còn tham gia phát giấy mời lấy mẫu xét nghiệm đến từng gia đình. Ngày lấy mẫu, Đội tình nguyện sẽ cử người đến từng gia đình gọi các thành viên đi lấy mẫu đảm bảo không ồ ạt, tránh đông người. Tại hội trường, Đội tình nguyện sẽ hướng dẫn người dân đứng giãn cách, đảm bảo an toàn. Đồng thời, hỗ trợ, phụ giúp đội ngũ y tế lấy mẫu tại Nhà văn hóa xóm Ngò.

Khi lấy mẫu, Đội tình nguyện còn phải kiểm soát số người ở mỗi hộ gia đình, nếu hộ nào có người chưa ra xét nghiệm thì Đội sẽ đến tận nhà mời người đó ra xét nghiệm. “Hầu hết, mọi người tham gia đội tình nguyện đều có mong muốn người dân ở trong nhà, tránh tiếp xúc sẽ không lây lan dịch bệnh”, bà Thanh chia sẻ.

Những nghĩa tình trong đại dịch
Vẫn biết dịch bệnh rất nguy hiểm nhưng các tình nguyện viên đã động viên nhau cùng đi qua... nỗi sợ để hỗ trợ người dân sống trong tâm dịch.

Là thành viên Đội tình nguyện, anh Nguyễn Ngọc Tùng cho hay, khu vực anh sinh sống bị phong tỏa nên anh đã tự nguyện tham gia Đội tình nguyện, góp một chút sức nhỏ cùng mọi người chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Khi tham gia đội tình nguyện, các thành viên được phát đầy đủ quần áo bảo hộ, gang tay, nước sát khuẩn nên khi tiếp xúc với người ngoài cung cấp lương thực thực phẩm và mang đến mỗi nhà dân trong xóm cũng được an toàn hơn.

Theo anh Tùng, lúc đầu tham gia Đội tình nguyện anh cũng nhận được nhiều nhắc nhở như: “Không sợ chết à? Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, không may nhiễm bệnh sẽ lây cho vợ con, gia đình,...”. Anh Tùng cho biết, bản thân anh đã tìm hiểu về dịch bệnh, cách phòng tránh mà Bộ Y tế khuyến cáo và anh thực hiện rất nghiêm túc, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

“Tôi cũng sợ dịch bệnh và cũng sợ lây cho gia đình, vợ con bởi dịch bệnh có chừa ai ra đâu. Tuy nhiên, nếu ai cũng sợ, cũng ở nhà thì Đội tình nguyện không có bóng người rồi. Tôi tự nhủ, phải đi qua nỗi sợ, góp chút sức nhỏ bé của mình cùng chính quyền và nhân dân xóm Ngò đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, anh Tùng chia sẻ.

Những bữa cơm ấm tình đồng bào

Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn Thành phố đã nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết thực tới nhiều đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Điển hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân đã xây dựng mô hình “Bếp ấm nghĩa tình”, đảm nhận việc nấu ăn hàng ngày phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đối tượng cách ly (F1) tại điểm cách ly tập trung ở Bệnh viện Than khoáng sản. Mỗi ngày “Bếp ấm nghĩa tình” đảm nhận trung bình 250 suất ăn.

Những nghĩa tình trong đại dịch
Những suất cơm do các chị em phụ nữ chuẩn bị hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng phòng, chống dịch.

Nói về hoạt động của “Bếp ấm nghĩa tình”, bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân cho biết: “Những ngày qua, bếp luôn đỏ lửa, mỗi người mỗi việc, tất bật để chuẩn bị 3 bữa ăn trong ngày cho những người đang làm nhiệm vụ và các F1 đang cách ly tại Bệnh viện Than khoáng sản. Những suất cơm được lên thực đơn từ ngày hôm trước, đầy đủ các món ăn, đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh”.

Nhằm chia sẻ bớt sự vất vả với các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch tại các chốt kiểm soát, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng cũng nhiệt tình nấu những suất ăn đêm dành tặng các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát và đội ngũ y, bác sĩ tại Trạm Y tế xã. Ban ngày các chị đi trực tại chốt kiểm soát, tối tối lại tất bật chuẩn bị những suất ăn đêm. Trong thời gian giãn cách nên mỗi hôm chỉ huy động được 5-6 chị tham gia, công việc nhiều nên các chị tranh thủ làm để kịp mang đến các chốt kiểm soát.

Những nghĩa tình trong đại dịch
Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng tình người vẫn luôn còn mãi.

Chị Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà cho biết: “Bữa ăn đêm được các Chi hội thay phiên đảm nhận, để có những suất ăn nóng hổi, đầy đủ chất và đảm bảo vệ sinh, mỗi chị em chúng tôi luôn tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình chế biến cũng như phân phối suất ăn. Các chị em không ngại khó, ngại khổ dù thời tiết nắng nóng hay mưa dông, vẫn đến đúng giờ để chuẩn bị bữa ăn đêm cho các chốt”.

Bên cạnh việc nấu cơm, trực chốt kiểm soát, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà còn tặng quà và đảm nhận việc đi chợ mua lương thực, thực phẩm cho 47 hộ dân trong khu vực cách ly. Tiếp nhận và tặng nhiều nhu yếu phẩm cho các chốt kiểm soát dịch bệnh. Tặng các suất quà cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ tiêu thụ 225kg chuối tiêu, 1,5 tấn nhãn và các loại rau củ, quả khác cho nhân dân trong xã.

Mặc dù, công tác phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bằng những hoạt động nhỏ, ý nghĩa lớn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Hà đã phát huy truyền thống Phụ nữ “Ba đảm đang” tích cực tham gia phòng, dịch Covid-19 của địa phương, để cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, nhân dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường.

Hiện tại, Thành phố đã nới lỏng giãn cách tại nhiều địa phương, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần được khôi phục. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng tình người, tình đồng bào vẫn luôn còn mãi.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này