Vì sao dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên 14 năm vẫn chưa xong?

21:32 | 11/09/2021
(LĐTĐ) Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, rất được người dân trông đợi, nhưng đã qua 14 năm vẫn tiếp tục xin lùi tiến độ. Đâu là nguyên nhân dẫn đến một dự án giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước chậm tiến độ hoàn thành?
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên lại xin lùi thời gian đến 2024 Tháo "nút thắt" tiến độ thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên Nhát khoan đầu tiên của robot “quái vật” 300 tấn dưới lòng Sài Gòn

Tàu siêu tốc nhưng... siêu chậm

Mới đây, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải thành phố về tình hình các dự án đường sắt đô thị, đồng thời xin lùi thời hạn hoàn thành dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Cụ thể, các nhà thầu đã tiến hành đánh giá sơ bộ lại tiến độ và đã có ý kiến công tác thi công hoàn thành dự án Metro số 1 có khả năng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Công tác vận hành chạy thử đầu năm 2024 và sau đó là công tác vận hành thương mại.

Vì sao dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên 14 năm vẫn chưa xong?
Tuyến metro số 1 hiện đã đạt 87,5% khối lượng.

Hồ sơ cho thấy, dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) bắt đầu được thực hiện vào tháng 3/2007 với tổng kinh phí dự kiến ban đầu là 17.387 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018.

Tuy nhiên, 2 năm sau, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên khoảng 47.325 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố Hồ Chí Minh. Việc điều chính vốn đầu tư tăng cao khiến tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 28/8/2012, dự án mới được khởi công xây dựng.

Theo thiết kế, tuyến metro số 1 có lộ trình dài gần 20 km, đi qua thành phố Thủ Đức và Quận 1, Bình Thạnh của thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Trong đó, khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).

Nhưng đến năm 2018, Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do chậm trễ trong công tác giải tỏa mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro số 1, 2, 3A và 4, nên dự án không thể hoàn thành như dự kiến mà kéo dài đến năm 2020 mới có thể đưa vào vận hành.

Cũng trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án metro số 1, trong đó nhấn mạnh việc Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh dự án là không tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền. Theo đó, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng dự án vẫn tiếp tục triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4/2021.

Tuy nhiên, ngày 7/9/2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị lại có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xin lùi tiến độ hoàn thành. Cụ thể, theo Ban Quản lý, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuyến metro số 1 đang bị chậm tiến độ và có thể hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

“Hiện khối lượng toàn dự án đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, tư vấn chung đánh giá tiến độ dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2021, dự kiến khả năng hoàn thành vào cuối năm 2023”, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết.

Vì sao dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên 14 năm vẫn chưa xong?
Tiến độ thực hiện dự án được đẩy nhanh nhiều khiến người dân thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ sớm thấy tuyến đường sắt đô thị.

Như vậy, dự án metro số 1 đã chậm tiến độ 6 năm, đến nay sẽ tiếp tục bị lùi thời gian hoàn thành dù đã đạt 87,5% khối lượng.

Sai sót trong điều chỉnh vốn

Ban đầu, dự án tuyến metro số 1 được phê duyệt với tổng kinh phí 7.387 tỷ đồng. Đến năm 2011, UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt nâng tổng mức đầu tư dự án lên 47.325 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra đây là sai sót của thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, báo cáo kiểm toán cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.

Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng nhấn mạnh quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Thực tế, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - đơn vị cho vay vốn - mới chỉ xác nhận sẽ tính đến việc bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.

Năm 2019, dự án mới được điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư là 43.757,15 tỷ đồng.

Theo lý giải của chủ đầu tư, chi phí tăng do nguyên nhân trượt giá từ năm 2007 (phê duyệt lần đầu) tới thời điểm ngày cơ sở của mỗi hợp đồng được xem là nguyên nhân khách quan.

Bên cạnh đó, chi phí tăng do nguyên nhân chủ quan về thay đổi về quy mô, khối lượng, thiết kế các nhà ga ngầm,… Các khối lượng chính phát sinh dẫn đến chi phí tăng

Đến nay, lũy kế giải ngân vốn ODA là 18.530 tỷđồng, đạt 48,4% tổng vốn ODA. Đối với vốn ngân sách, lũy kế giải ngân đến nay là 2.151 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,2% vốn đối ứng.

Đơn vị tư vấn dừng nhiều dịch vụ

Tỷ lệ giải ngân thấp đã khiến dự án tuyến metro số 1 tiếp tục gặp những rắc rối liên quan đến đơn vị tư vấn. Cụ thể, vừa qua liên danh tư vấn dự án là NJPT thông báo sẽ tạm dừng làm việc tại văn phòng, trừ các nhân viên thực hiện quy trình nội bộ.

Giám đốc và quản lý dự án của NJPT từ chối ký các hồ sơ liên quan dự án. Đồng thời, NJPT cũng chính thức ngưng trao đổi thông tin qua văn bản hoặc thư điện tử với chủ đầu tư cùng các nhà thầu dự án.

Đơn vị tư vấn chỉ duy trì một số công việc như trao đổi thông tin thông qua điện thoại, trao đổi điện tử, họp trực tuyến với chủ đầu tư nếu được yêu cầu. Một số dịch vụ khác như giám sát trên công trường, ký xác nhận hồ sơ nghiệm thu; đưa ra chỉ đạo không chính thức đến các nhà thầu trên công trường... vẫn được tiếp tục.

Vì sao dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên 14 năm vẫn chưa xong?
Đến nay dự án tiếp tục bị chậm tiến độ.

Được biết, năm 2007, dựa trên tiến độ dự án hoàn thành năm 2015, chủ đầu tư dự án metro số 1 ký hợp đồng thực hiện tư vấn chung cho dự án với liên danh NJPT, thời hạn 132 tháng, với trị giá gần 1.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tuyến metro số 1 điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021 dẫn đến phải bổ sung thêm phụ lục hợp đồng. Trong đó, phụ lục hợp đồng số 19 kéo dài từ tháng 4/2017 đến nay chưa được ký.

Phụ lục hợp đồng số 19 gồm nhiều công việc chính như tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin thuộc gói thầu CP4... Trước đó, vào cuối năm cuối năm 2020, NJPT đã ngưng đào tạo cho học viên lái metro vì chưa được thanh toán kinh phí. Về nguyên nhân chưa ký kết phụ lục hợp đồng với đơn vị tư vấn, theo chủ đầu tư là do chưa có kinh phí.

Thiết nghĩ để dự án không bị lùi tiến độ, các bộ, ngành và thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục ngồi lại với nhau bàn biện pháp tháo gỡ.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này