Huyện Diễn Châu cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19

18:55 | 10/09/2021
(LĐTĐ) Để thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện, cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Nghệ An còn 8/21 địa phương thuộc "vùng đỏ" và "vùng cam" Nghệ An trưng dụng Khách sạn Công Đoàn Cửa Lò thành lập Bệnh viện Dã chiến số 6 Nghệ An: Phát hiện một số lái xe sửa thời gian trên giấy test nhanh để lưu thông trên đường

“Dẫn đường” cho công nhân đi làm

Ngày 9/9/2021, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Diễn Châu có công văn gửi Công an huyện, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện và các cơ quan liên quan đề nghị tạo điều kiện cho công nhân 2 doanh nghiệp may trên địa bàn là Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An và Công ty TNHH Vooin Vina tham gia giao thông đến nhà máy. Đây có thể nói là một bước đi mạnh dạn của chính quyền huyện Diễn Châu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh địa phương này đang thực hiện Chỉ thị 16 để chống dịch.

Theo đó, để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, UBND huyện thống nhất đề nghị của Cổ phần Nam Thuận Nghệ An (đóng tại xã Diễn Mỹ) và Công ty TNHH Wooin Vina (đóng tại Khu Công nghiệp Tháp-Hồng-Kỷ) cho phép huy động số lượng công nhân, người lao động đến làm việc tại nhà máy trong thời gian thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn.

Huyện Diễn Châu cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19
Người lao động được kiểm tra dịch tễ trước khi vào xưởng sản xuất được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Diễn Châu tuân thủ

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng dịch đối với người lao động khi tham gia giao thông, UBND huyện Diễn Châu đã yêu cầu Công an huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-119 các xã, thị trấn chỉ đạo các điểm chốt thuộc quyền quản lý tạo điều kiện cho công nhân lao động của 2 Công ty tham gia giao thông từ nơi cư trú đến nhà máy và ngược lại.

Những công nhân lao động đi xe máy chỉ được phép qua chốt trực khi có giấy đi đường của Giám đốc Công ty cấp, kèm theo công văn của chính quyền. Giấy phải ghi rõ cung đường và thời gian tham gia giao thông, đảm bảo nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Công nhân phải có thẻ nhân viên (hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân), phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực vòng trong 72 giờ.

Đối với công nhân lao động được đưa đón bằng xe ô tô thì xe phải có thẻ nhận diện phương tiện mã QRcode “Luồng xanh” do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trên phương tiện phải dán biển hiệu xe vận chuyển cán bộ, công nhân. Danh sách cán bộ, công nhân, chuyên gia được chở trên xe do người đứng đầu (hoặc người được ủy quyền) nhà máy, công ty ký tên, có dấu xác nhận.

Lái xe và toàn bộ người trên xe phải mang theo giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ nhân viên) và giấy xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-12 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ

Chỉ cho phép số công nhân, người lao động có hộ khẩu thường trú ở khu vực “vùng xanh” trên địa bàn huyện Diễn Châu được Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện cập nhật (thông tin này hàng ngày gửi trong nhóm Zalo của Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để có chỉ đạo kịp thời, phù hợp).

Huyện Diễn Châu cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19
Công nhân lao động được kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để sàng lọc ngay từ đầu

Tuyệt đối không cho phép công nhân, người lao động và các phương tiện của 2 doanh nghiệp trên lưu thông trên các tuyến đường thuộc các địa bàn được xác định là vùng nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao.

Ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, ngay từ đầu đợt dịch, huyện Diễn Châu đã có chủ trương, những doanh nghiệp đúng với loại hình sản xuất mà muốn hoạt động thì huyện hết sức tạo điều kiện. Huyện yêu cầu doanh nghiệp gửi kế hoạch, phương án sản xuất trong điều kiện dịch bệnh để huyện phê duyệt. Nếu đáp ứng được an toàn chống dịch thì huyện cho phép hoạt động. Đến nay, huyện chỉ mới phê duyệt được 2 đơn vị.

Mục tiêu cuối là đảm bảo an toàn chống dịch

Được biết, theo phương án huyện phê duyệt, Công ty TNHH Wooin Vina sẽ điều động 180 người tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, 726 người đi về trong ngày bằng phương tiện cá nhân, có 36 người đưa đón bằng xe ô tô từ nơi ở đến nơi làm việc.

Còn Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An, doanh nghiệp này có quy mô 3.000 lao động nhưng nhà máy mới tuyển dụng 1.600 công nhân làm việc. Thời gian qua, do nghỉ dịch kéo dài, nhiều đơn hàng của doanh nghiệp cũng bị khách hàng rút chuyển nơi khác. Hiện, để duy trì hoạt động, Công ty phải xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tuyệt đối.

Ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An chia sẻ, để duy trì sản xuất trong mùa dịch, doanh nghiệp áp dụng biện pháp phòng dịch từ ngoài cổng đến dây chuyền, bàn ăn, nơi nghỉ ngơi của công nhân. Ngoài bắt buộc tuân thủ theo 5K, người lao động còn phải cam kết thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, .... Hiện nay, Công ty không thể áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” vì đa số công nhân đều có con học trực tuyến ở nhà cần có người kèm cặp. Sau khi có thông báo hoạt động lại, ước chừng chỉ có một lượng công nhân nhất định đến làm việc, vì trong bối cảnh này, Công ty chỉ vận động công nhân đến làm chứ không ép bắt buộc.

Huyện Diễn Châu cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19
Dù đang trong bối cảnh khó khăn chung nhưng Công ty Cổ phần Nam Thuận Nghệ An vẫn chung tay ủng hộ nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chống dịch

Tại huyện Diễn Châu, quan điểm của Công đoàn huyện luôn đồng hành, ủng hộ doanh nghiệp vì quyền lợi của người lao động. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, việc đến doanh nghiệp để tham gia sản xuất dựa trên tinh thần tự giác của người lao động, doanh nghiệp không được dùng các biện pháp hành chính để ép buộc họ phải tham gia.

Ông Phạm Đức Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu cho biết: “Trước khi tham mưu cho UBND huyện, LĐLĐ Diễn Châu đã đi thực tế tại các doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động lại. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp cùng lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, phương án sản xuất cho doanh nghiệp. Cụ thể như: thống kê số lượng lao động tại các địa phương, cung đường di chuyển; phản ứng khi có tình huống xuất hiện ca bệnh, thực hiện 5K trong doanh nghiệp,…Khi doanh nghiệp đảm bảo an toàn về phòng dịch, Công đoàn mới tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện thống nhất để doanh nghiệp sản xuất”.

Việc huyện Diễn Châu để doanh nghiệp sản xuất trở lại khi địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 cũng có một số ý kiến trái chiều, lý giải vấn đề này, ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhiều doanh nghiệp xin ý kiến UBND huyện hoạt động trở lại nhưng qua rà soát kế hoạch sản xuất và phòng dịch trình, huyện Diễn Châu chỉ mới thống nhất được 2 đơn vị. Khi hoạt động, huyện sẽ kiểm tra, giám sát kỹ việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi điều kiện phòng, chống dịch phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Huyện đã giao chủ các doanh nghiệp phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động doanh nghiệp, di chuyển đến nơi làm việc của người lao động. Tại mỗi địa phương, tổ trưởng nhóm công nhân phải tập hợp và trực tại điểm chốt để đưa đón công nhân qua. Doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm định kỳ, cung cấp danh sách của công nhân lao động đã được UBND huyện phê duyệt gửi các xã, thị trấn.

Ngoài ra, công nhân phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, trên đường đi, nơi cư trú. Hiện nay, huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất đảm ứng đủ điều kiện về phòng dịch như: phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” để trình phê duyệt”- ông Lê Mạnh Hiên cho biết thêm.

Cao Sơn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này