Nỗi lòng trăn trở của giáo viên khi dạy online

21:48 | 09/09/2021
(LĐTĐ) "- Cô ơi, nhà con vừa rớt mạng, con vào lại ạ!/ Cô ơi, con không nghe rõ cô nói gì cả,/ Cô ơi, màn hình của con nó cứ bị đen í, con không nhìn thấy gì!/ Cô ơi, con xin phép cô cho con đi uống nước ạ,/ Cô ơi,…". Đó là những thanh âm lộn xộn phát ra từ chiếc máy tính cá nhân trong suốt buổi dạy học online cho các con lớp 2C do cô giáo Mai Hương chủ nhiệm. Đây là buổi thứ 3, kể từ khi bước vào năm học mới, cô Hương dạy các con qua hình thức học trực tuyến.
Mùa Khai giảng yêu thương! Trường Tiểu học Dịch Vọng A tổng kết năm học trực tuyến: Đảm bảo an toàn và ý nghĩa Cao điểm Covid-19, trường đại học tổ chức lễ khai giảng online

Cô Trịnh Mai Hương (Hà Nội) là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền khối Tiểu học. Cô từng đạt giải nhì cuộc thi Thiết kế bài giảng e-Learning cấp quận. Là một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm trong nghề, tuy nhiên dạy học theo hình thức online tập trung cho các con độ tuổi 7, 8 như thế này thì đây là lần đầu. Và có những điều khiến cô không khỏi băn khoăn, trăn trở.

Lớp 2C do cô chủ nhiệm có 48 học sinh, hôm nào cô cũng mở phòng zoom trước giờ học chính khoảng 15 phút để cho các con có thời gian chuẩn bị bài học trước và điểm danh sĩ số lớp. Tuy nhiên, có khi giờ học bắt đầu được cả nửa tiếng, lớp vẫn không đủ sĩ số. Các con còn bé, ngồi một lúc là ngọ nguậy, không yên. Việc bật mic, tắt camera, nói chuyện riêng, xin ra ngoài đi vệ sinh hay hỏi đủ các câu hỏi “vì sao”, “thế nào” với cô là chuyện thường xuyên diễn ra trong giờ học chính. Có hôm, đang say sưa giảng, có con ôm bụng kêu đau vì đói, xin cô xuống ăn sáng vì chưa ăn, làm cô một phen dở khóc, dở cười. Một số em thì do còn bé chưa biết sử dụng những tính năng cơ bản của thiết bị, trong khi bố mẹ bận, giao cho ông bà trông, khi về nhà bố mẹ hỏi hôm nay con học gì cứ ú ớ không biết trả lời thế nào.

“Các con còn bé quá, tính hiếu động lại cao. Để truyền thụ đầy đủ kiến thức cho các con, cho các con nắm được kiến thức buổi học như những buổi lên lớp trực tiếp là rất khó. Chưa kể với sĩ số lớp gần 50 cháu, việc theo sát và chỉ bảo cho từng cháu một là cả một vấn đề nan giải”. Cô Mai Hương bộc bạch chia sẻ.

Nỗi lòng trăn trở của giáo viên khi dạy online
Dạy học online đòi hỏi kỹ năng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên - học sinh - gia đình - nhà trường để đem lại kết quả khả thi nhất.

Năm học mới bắt đầu, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước đã khai giảng nhưng chưa được đến trường nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, học sinh được học online (trực tuyến) từ cấp bậc Tiểu học nhằm giúp học sinh đảm bảo đúng tiến độ của khung chương trình năm học không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, qua một thời gian dạy học online, nhiều giáo viên các cấp cho biết, còn đó những bất cập mà chưa thể giải quyết vẹn toàn.

Trước hết, để học online hiệu quả thì phụ huynh và gia đình học sinh cần phải chuẩn bị các thiết bị học tập như có kết nối internet như: Điện thoại thông minh, Ipad, máy vi tính, laptop… cùng các phụ kiện. Trong khi nhiều gia đình học sinh chưa có điều kiện trang bị cho con. Có gia đình 2, 3 cháu cùng học online một khung giờ là cả một vấn đề, dẫn đến việc học bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, với học sinh tiểu học, THCS nhiều phụ huynh còn không nắm được công nghệ, thế nên sẽ rất khó để hướng dẫn cho các con. Vậy nên, khi phần mềm bị lỗi hay gặp trục trặc… thì cha mẹ cũng không biết khắc phục, dẫn đến con cái gián đoạn việc học. Trong khi đó, với học sinh cấp tiểu học hay THCS nếu không có sự đồng hành của cha mẹ thì việc học online sẽ gặp trở ngại lớn.

Chưa kể, vẫn còn một bộ phận học sinh chây lười trong học tập, thụ động, thiếu ý chí nghị lực và động lực để vươn lên. Số học sinh này khiến giáo viên rất vất vả khi dạy học trên lớp, chưa kể học online. Các em học sinh này học yếu, thường vi phạm kỷ luật, kể cả không nghe lời thầy cô. Khi học online, học sinh nghĩ ra đủ cách láu cá để tắt camera, dẫn đến việc quản lý học tập gặp khó khăn hơn.

Còn rất nhiều bất cập trong việc dạy và học online, tuy nhiên để đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch covid-19 thì hiện tại đây vẫn là giải pháp tạm thời nhằm đảm bảo cho việc học của các em học sinh không bị gián đoạn. Trước hết phải an toàn vượt qua dịch bệnh cô và trò mới có thể yên tâm đến trường. Muốn dạy học online có hiệu quả ở thời điểm này, lãnh đạo từng trường phải có sự chỉ đạo cụ thể và chia sẻ những khó khăn với giáo viên, giúp giáo viên yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng phải thay đổi mình nhằm bắt nhịp với công nghệ thông tin, cần dạy học bằng cả tấm lòng cùng với sự trợ giúp của phụ huynh thì mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Song Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này