PGS.TS Trần Đắc Phu: Hãy thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và tiêm vắc xin ngay khi đến lượt

10:49 | 10/09/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo mọi người dân hãy thực hiện thông điệp 5K cộng với tiêm vắc xin ngay khi tới lượt và luôn nhớ rằng “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.
Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt! Hà Nội nhanh chóng triển khai tiêm chủng vắc xin đợt thứ 13
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hãy thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và tiêm vắc xin ngay khi đến lượt
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, hiện nay Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

PV: Theo đánh giá của ông, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay như thế nào?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Tại Hà Nội, dịch đang kiểm soát tốt, mặc dù vẫn phát sinh các ca nhiễm trong ngày nhưng đều ở các vùng có nguy cơ. Trong đó, các ổ dịch cũ đã được kiểm soát như: Ổ dịch Chương Dương, Văn Chương, Thanh Xuân Trung, Linh Đàm… Ví dụ, tại ổ dịch Thanh Xuân Trung, mặc dù rất phức tạp nhưng đến nay cơ bản đã được khống chế, vì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vào cuộc và quản lý rất chặt chẽ. Ổ dịch này chỉ tập trung trong 2 ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi nên việc phong tỏa dễ dàng hơn...

Về cơ bản, Thành phố đã khống chế được các ổ dịch nói trên, song gần đây, một ổ dịch mới trên địa bàn đều liên quan đến những chuỗi cung ứng, người vận chuyển hàng hóa, người lái xe, người bán hàng online, đây là vấn đề cần lưu ý… Trong chống dịch, việc xuất hiện rải rác ổ dịch trong cộng đồng là khá nguy hiểm. Do vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, song hành với công tác tiêm chủng, các cấp chính quyền cần xây dựng kế hoạch, kịch bản để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm kiểm soát tình hình nhanh nhất kể cả hiện tại lẫn thời gian tới nếu phát sinh các "đóm nhỏ" mới.

PV: Để người dân sớm có thể trở về cuộc sống bình thường, Hà Nội đang tích cực triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng, đặt mục tiêu tới ngày 15/9 sẽ tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho người đủ điều kiện. Với tư cách là chuyên gia, ông có đưa ra những khuyến cáo gì trong quá trình tiêm chủng?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Có thể nói, vắc xin Covid-19 chính là “chìa khóa” để đẩy lùi dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Về tiêm chủng, Hà Nội cơ bản đã triển khai tiêm chủng rất tốt cho tất cả người dân. Tuy vậy, để chiến dịch tiêm chủng vắc xin lần này hiệu quả hơn nữa, theo tôi cần lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, các cấp chính quyền xã, phường cần phát huy vai trò của tổ dân phố để rà soát đầy đủ tất cả những người dân trên địa bàn. Mục tiêu là không để bỏ sót bất kỳ đối tượng nào. Vì thực tế, Hà Nội hiện có rất nhiều người đang lao động, sinh sống và học tập (không có, chưa có hộ khẩu thường trú). Chỉ có tổ dân phố, công an phường, xã mới nắm bắt đầy đủ biến động dân cư trên địa bàn mình. Nếu rà soát tốt để không bỏ sót đối tượng được tiêm chủng, chính là góp phần quan trọng trong chiến lược "phủ" vắc xin đến toàn bộ người dân.

Thứ hai, đối với các điểm tiêm chủng, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin làm sao tiêm chủng nhanh nhất từ việc đăng ký tiêm chủng, nhắn tin báo người dân đi tiêm, quản lý tiêm, theo dõi sau tiêm, cấp giấy chứng nhận (hộ chiếu vắc xin)… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc huy động hệ thống y tế công và tư như thế nào, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động và cố định ra sao; điều phối vắc xin như thế nào để đảm bảo tiêm chủng một cách nhanh nhất và an toàn nhất và đặc biệt cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không chỉ ngành Y tế.

Tôi tin tưởng, với tiềm lực của Thủ đô cũng như sự hỗ trợ kịp thời của một số tỉnh, thành lân cận, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên quy mô toàn Thành phố sẽ diễn ra đúng tiến độ và đảm bảo an toàn.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hãy thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và tiêm vắc xin ngay khi đến lượt
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai tiêm chủng trên diện rộng

PV: Như ông vừa chia sẻ, vắc xin được coi là "chìa khóa" để đẩy lùi đại dịch, tuy nhiên hiện nay vẫn còn không ít người có tâm lý kén chọn vắc xin. Quan điểm của ông như thế nào?

- PGS.TS Trần Đắc Phu: Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam đó là: AstraZeneca; Sputnik V; Sinopharm; Pfizer; Moderna; Janssen. Trong đó, các vắc xin đưa về Việt Nam đều có tính hiệu quả, tính an toàn và được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, thẩm định...

Như tôi đã nói, vắc xin Covid-19 không bảo đảm an toàn 100%, người tiêm rồi cũng có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng người đã được tiêm đủ liều vắc xin thì khả năng miễn dịch tốt hơn nhiều so với người chưa tiêm, không tiêm. Còn nếu chẳng may, tiêm đủ liều (02 mũi) mà vẫn bị mắc Covid-19, thì người bị nhiễm triệu chứng bệnh cũng nhẹ hơn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Nói một cách ngắn gọn, khi được tiêm phòng vắc xin đầy đủ là góp phần quan trọng vào việc khống chế và đẩy lùi dịch bệnh…

Còn ở góc độ khoa học, người dân không nên lựa chọn vắc xin mà vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm ngay lập tức. Bời vì nếu không tiêm thì bạn có thể sẽ bị mắc bệnh, nếu cơ thể không tốt hoặc nếu bạn có các bệnh nền thì không loại trừ nguy cơ vong cao hơn.

Tất nhiên các loại vắc xin nào cũng có tác dụng phụ như: Bị đau chỗ tiêm, nhức đầu, mỏi mệt, thậm chí có những vắc xin gây ra sốc phản vệ độ 1,2,3, kể cả xấu nhất là tử vong. Cần phải hiểu rằng không riêng gì vắc xin phòng Covid-19, tất cả các loại vắc xin đều có những phản ứng đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng rủi ro của việc phản ứng của vắc xin thấp hơn rất nhiều so với rủi ro của mắc bệnh. Nếu không tiêm bạn có thể gặp rủi ro hơn rất nhiều. Tiêm chủng vắc xin vừa là quyền lợi để phòng bệnh cho chính bản thân bạn nhưng cũng là trách nhiệm để đạt miễn dịch cộng đồng để dịch không bùng phát. Người dân cần có những hiểu biết đúng đắn về vắc xin và thực hiện tiêm chủng như đã nói ở trên.

PV: Có thể hiểu việc sống chung lâu dài với dịch là thế nào và theo ông làm thế nào để có thể an toàn trong đại dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, sống chung an toàn với dịch là con người có thể sống mà không bị mắc bệnh nặng, không bị tử vong khi mắc bệnh, đây là điều quan trọng số một. Bên cạnh đó, kiểm soát không để số ca mắc cao lên. Để đảm bảo được 2 điều này thì chúng ta phải có cuộc sống an toàn, hành vi an toàn, gia đình an toàn, xã hội an toàn, nhà máy an toàn, siêu thị an toàn… Chung quy lại thì xây dựng cuộc sống an toàn thì mới có thể sống chung với dịch được. Nếu không an toàn thì một cộng đồng khi có một ca bệnh thì dịch rất dễ bùng phát, gây nhiều người mắc mà hệ thống y tế không đáp ứng được và rất dễ có số tử vong cao. Vì vậy, ở thời điểm nay, hi vọng mọi người dân hãy thực hiện thông điệp 5K cộng với tiêm vắc xin ngay khi tới lượt và luôn nhớ rằng “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kim Tiến (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này