Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh

17:20 | 08/09/2021
(LĐTĐ) Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hiện đại đảm bảo số lượng, chất lượng, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh là mục tiêu mà tổ chức Công đoàn Thủ đô đặt ra trong thời gian tới.
Chú trọng xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh ngay từ cơ sở Ứng Hòa: Chú trọng xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh

Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-LĐLĐ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.

Phấn đấu hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn

Theo Kế hoạch, hàng năm, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ phấn đấu thực hiện 8 chỉ tiêu. Trong đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu có 100% doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật.

Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh
Hoạt động Công đoàn Thủ đô sẽ đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở. Trong ảnh: Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động khó khăn, bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công đoàn Thủ đô cũng phấn đấu có 65% Công đoàn các cấp đề xuất, tham gia với cơ quan chức năng và chuyên môn cùng cấp xây dựng chính sách, pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo chuyển đổi nghề; tuyên truyền, vận động 60% trở lên đoàn viên ở doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề, phấn phấn đấu có 70% trở lên đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được tham gia học tập, quán triệt, tiếp nhận thông tin về chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn Thủ đô phấn đấu có 20% số đoàn viên trở lên được hưởng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi từ các đối tác đã ký kết chương trình phối hợp; 100% đoàn viên được thăm hỏi, tặng quà khi có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu bình quân mỗi năm tăng thêm 30 nghìn đoàn viên Công đoàn, 400 Công đoàn cơ sở (CĐCS).

Cùng với mục tiêu hàng năm, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn từ nay đến 2023, 2025, 2030 và 2045. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2023 tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu thực hiện 4 mục tiêu: phấn đấu có khoảng 680.000 đoàn viên Công đoàn, mỗi năm thành lập mới ít nhất 400 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, 75% trở lên doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể; có ít nhất 65% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia; Phấn đấu 100% CĐCS khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước, 70% trở lên CĐCS ngoài khu vực Nhà nước đủ điều kiện thành lập được Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam...

Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh
Công đoàn các cấp sẽ đẩy mạnh tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tư vấn pháp luật cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Thủ đô phấn đấu đến năm 2045, hầu hết người lao động tại cơ sở là đoàn viên Công đoàn; trên 99% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể và có ít nhất 99% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia.

Lấy cơ sở là địa bàn, người lao động là trung tâm hoạt động

Để đạt những mục tiêu nói trên, tổ chức Công đoàn Thủ đô đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đáng chú ý, các cấp Công đoàn sẽ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Trong đó, Công đoàn chú trọng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến người lao động; chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.

Công đoàn chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS thực hiện tốt vai trò đại diện, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng nội quy, quy chế, giám sát định mức lao động, phân phối tiền lương, thu nhập đối với công nhân lao động; tham gia thương lượng xây dựng mức lương, bảng lương, quy chế trả lương tại doanh nghiệp, công tác An toàn vệ sinh lao động và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động.

Công đoàn cũng chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền đồng cấp duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động đối thoại tại nơi làm việc; tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với CNLĐ nhằm lắng nghe, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc, phòng tránh tranh chấp lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và CNLĐ.

Xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh
Công đoàn sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua luyện tay nghề, thi thợ giỏi tạo cơ hội rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Trong ảnh: Công nhân tham dự Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2019

Cùng với đó, Công đoàn tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Cụ thể, CĐCS chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề hoặc cử người lao động tham gia các lớp học nghề; phối hợp tổ chức các cuộc thi nâng cao tay nghề, thợ giỏi trong công nhân; có các hình thức động viên, khuyến khích người lao động nâng cao kiến thức, học thêm ngoại ngữ, tin học… để dễ dàng tiếp cận với công nghệ, máy móc hiện đại, tăng cơ hội ổn định việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới tốt hơn.

Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức phát động phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, tích cực tham gia “Hội thi thợ giỏi” cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp Thành phố. Các cấp Công đoàn tuyên truyền, vận động người lao động tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp gắn với chương trình học tập “Nâng cao hiểu biết chính trị - pháp luật”, tổ chức các lớp học tập nâng cao trình độ học vấn cho đoàn viên, người lao động qua các chương trình học bổ túc ngay tại cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn sẽ đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động; lấy cơ sở là địa bàn, người lao động là trung tâm; để tổ chức Công đoàn thực sự là của người lao động, vì người lao động. Các cấp Công đoàn căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động để xác định nội dung, mục tiêu hoạt động; xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết tin tưởng của người lao động với tổ chức Công đoàn. Riêng CĐCS cần phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện làm việc, quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên, người lao động; kịp thời đề xuất, thương lượng, đối thoại, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Để tổ chức thực hiện thắng lợi Kế hoạch, LĐLĐ Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban chuyên đề, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã và nhấn mạnh: Việc tổ chức triển khai, thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh trong toàn hệ thống, nỗ lực phấn đấu cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, các chương trình, kế hoạch của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy đã đề ra.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này