Phân vùng để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”

20:01 | 06/09/2021
(LĐTĐ) Từ sáng 6/9, tại các huyện thuộc “vùng xanh”, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu được nới lỏng hơn. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn được phép hoạt động trở lại, nhưng chỉ bán hàng mang về.
Phân vùng chống dịch Covid-19 từ 6 đến 21/9 của Hà Nội là khoa học, hợp lý Ghi nhận ngày đầu triển khai lập 21 chốt kiểm soát ra vào "vùng đỏ" Công an thành phố Hà Nội lập 21 chốt kiểm soát việc ra vào "vùng đỏ"

Từ ngày 6/9, thành phố Hà Nội thực hiện phòng, chống dịch theo Chỉ thị 20/CT-UBND, 30 quận, huyện, thị xã được phân vùng phòng, chống dịch theo từng mức độ, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại địa bàn.

Phân vùng để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”
Huyện Gia Lâm xác định có 19 xã, thị trấn thuộc "vùng xanh".

Sau khi có chỉ đạo của Thành phố, các quận, huyện đã xây dựng phương án tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo Chỉ thị 20/CT-UBND. Với các huyện thuộc “vùng xanh”, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu được nới lỏng hơn.

Huyện Gia Lâm đã quyết định các mức độ giãn cách của các xã, thị trấn theo từng phân khu phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch. Theo đó, UBND huyện xác định có 19 xã, thị trấn không có ca bệnh phát sinh trên địa bàn sau thời gian cách ly, phong tỏa, được xác định là “vùng xanh”. Từ sáng 6/9, UBND huyện Gia Lâm đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ bán đồ ăn tại 19/22 xã, thị trấn thuộc “vùng xanh” được phép mở cửa hoạt động, nhưng chỉ bán hàng mang về.

Phấn khởi vì được mở cửa kinh doanh trở lại, anh Lê Xuân Viên, trú tại thị trấn Trâu Quỳ, chủ cửa hàng phở, cơm rang chia sẻ: “Cửa hàng phải đóng cửa hơn 1 tháng qua khiến cuộc sống gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ tối qua, khi biết cửa hàng của mình được mở cửa trở lại tôi rất vui, sáng nay tôi dậy sớm ra chợ mua đồ về chuẩn bị. Quán được mở lại giúp gia đình tôi sẽ bớt lo lắng về kinh tế”.

Phân vùng để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”
Nhiều chủ hộ kinh doanh phấn khởi vì được mở cửa bán hàng mang về.

Tại huyện Ba Vì, một số hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bắt đầu được UBND cho phép hoạt động trở lại. Ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho biết: “Chủ trương phân vùng để kiểm soát dịch bệnh của Thành phố là cần thiết, sát thực tế. Xã Tản Lĩnh đang là “vùng xanh”, nhưng người dân cũng rất quan tâm, lo lắng, mong muốn chính quyền có biện pháp quyết liệt, làm sao để bảo vệ được “vùng xanh” mãi xanh. Nhìn chung, người dân rất đồng thuận thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố.

Hiện nay, huyện Ba Vì cũng đã chỉ đạo cho phép nới lỏng một số hoạt động trên địa bàn như hoạt động xây dựng của các hộ gia đình. Cụ thể, mỗi công trình xây dựng không được bố trí quá 10 người làm việc và hộ gia đình hoặc chủ thầu phải có phương án phòng, chống dịch được UBND xã chấp thuận. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch”.

Huyện Đông Anh theo phân vùng của Thành phố thuộc vùng 2, ngày 5/9, UBND huyện đã có hướng dẫn xây dựng, thực hiện phương án đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trong tình hình mới. Trong đó, UBND huyện đã phân cấp tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh an toàn. UBND các xã, thị trấn sẽ tiếp nhận, thẩm định và chấp thuận hồ sơ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn có số lượng dưới 200 lao động.

Chị Nguyễn Thị Điệp, trú tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh cho hay, nơi chị sinh sống may mắn vẫn đang thuộc “vùng xanh” an toàn, nhưng chị lại làm việc tại quận Hoàn Kiếm, thuộc “vùng đỏ”. Mỗi tuần 2 ngày, chị đến cơ quan trực và luôn hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác để phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình.

Phân vùng để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”
Nhiều người cho rằng, việc phân vùng để phòng, chống dịch là rất phù hợp.

“Việc kiểm soát người ra, vào tại các chốt được UBND xã Đông Hội thực hiện rất nghiêm. Khi đi làm, tôi luôn phải mang đầy đủ lịch trực cơ quan và Giấy đi đường, chứng minh nhân dân. Thời gian đầu mới thực hiện giãn cách, có nhiều người bị xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng, nhưng đến nay tôi thấy mọi người chấp hành nghiêm hơn. Trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng như hiện nay mà khu vực mình sống vẫn an toàn là may mắn lớn, nên tôi cũng luôn nhắc nhở người thân chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch”, chị Điệp cho biết.

Là một giáo viên, chị Nguyễn Thị Dung, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai rất quan tâm đến các chỉ đạo của Thành phố khi phân vùng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Năm học này cũng là năm đầu tiên chị và học trò không được đến trường khai giảng. “Dạy, học online đúng là thiệt thòi cho học sinh, vất vả cho giáo viên, nhưng đây cũng là giải pháp tốt nhất lúc này. Thôi thì cô trò, phụ huynh cùng nhau cố gắng. Mỗi buổi học, tôi cũng luôn chia sẻ và nhắc nhở học trò của mình thực hiện nghiêm các quy định 5K, 5T của Bộ Y tế để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Tôi rất mong Thành phố có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh”, chị Dung bày tỏ.

Phân vùng để thực hiện hiệu quả hơn “mục tiêu kép”
Tổ Covid cộng đồng phường Phúc Đồng, quận Long Biên trực chốt nghiêm túc để bảo vệ "vùng xanh".

Cho biết cả nơi ở và nơi làm việc đều thuộc “vùng đỏ”, anh Nguyễn Văn Lực (trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chia sẻ, cũng như nhiều người khác, gia đình anh đã ở nhà hơn 1 tháng nay, công ty anh làm việc cũng tạm đóng cửa để chấp hành yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của Thành phố.

“Ở nhà lâu ngày, đúng là ai cũng thấy khó chịu, mệt mỏi, chưa kể khó khăn về kinh tế. Mọi sinh hoạt, học hành của con cháu đều xáo trộn, bất tiện vì dịch bệnh. Nhưng theo dõi thông tin trên báo, đài tôi thấy, tại “vùng đỏ” tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp nhưng vẫn còn đông người ra đường, trong đó nhiều người không có giấy tờ đúng quy định. Tôi mong Thành phố có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý thật nặng các vi phạm để mọi người đều ý thức được rằng phòng, chống dịch là trách nhiệm chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm. Có như vậy mới nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, rút ngắn thời gian phải giãn cách”, anh Lực nói.

Mong muốn của anh Lực cũng là mong muốn của những người dân đang ở “vùng đỏ”. “Vùng đỏ” nào cũng muốn được trở thành “vùng xanh”, và để phòng, chống dịch hiệu quả, cần sự chung tay của mỗi người, chứ không thể chỉ là việc riêng của các lực lượng chức năng.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này