Mang lại nhiều lợi ích cho công ty với những sáng kiến hiệu quả

17:24 | 05/09/2021
(LĐTĐ) Là tấm gương sáng của sự nỗ lực và sức sáng tạo bền bỉ, anh Trần Văn Hiến (kỹ sư Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Xuân Mai, Hà Nội) luôn được lãnh đạo công ty đánh giá cao về chuyên môn, được đồng nghiệp yêu quý, tin tưởng. Với tinh thần trách nhiệm và hăng say công việc, anh Hiến đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến máy móc, từ đó nâng cao năng suất lao động, làm lợi lớn cho công ty.
Sáng kiến của người quản đốc trẻ làm lợi gần 1 tỷ đồng cho Công ty Quận Thanh Xuân: Đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ công nhân, viên chức, lao động

Sáng tạo để tăng năng suất lao động

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự sáng tạo của công nhân lao động là động lực rất lớn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất, cải tiến công cụ, máy móc để tạo năng suất lao động cao hơn, tiết kiệm chi phí hơn đã trở thành một nét văn hóa trong các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là công nhân lao động.

Đến với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Xuân Mai, bên cạnh không khí thi đua sản xuất, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” đã trở thành hoạt động sôi nổi đi sâu vào đời sống công nhân lao động nhiều năm qua. Trong đó, không thể không kể đến sáng kiến nổi bật của công ty là “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner (máy trộn nguyên liệu với hơi nóng) máy cám viên số 4” của kỹ sư Trần Văn Hiến.

Mang lại nhiều lợi ích cho công ty với những sáng kiến hiệu quả
Anh Trần Văn Hiến (kỹ sư Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Xuân Mai, Hà Nội) luôn được lãnh đạo công ty đánh giá cao về chuyên môn, được đồng nghiệp yêu quý, tin tưởng

Nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với người kỹ sư này. Làm việc tại Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam là một cái duyên của anh Hiến. Anh chia sẻ, sau khi học xong ngành Kỹ sư cơ khí, anh đã gắn bó với công ty với vai trò là nhân viên kỹ thuật, sau đó là quản lý bộ phận sản xuất. 6 năm công tác tại đây, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, trong suốt quá trình làm việc, anh Hiến đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu sản xuất và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cũng chính vì sự quan sát tỉ mỉ và tinh thần cầu tiến trong quá trình làm việc, anh Hiến đã phát hiện một số hạn chế trong dây chuyền sản xuất.

“Tôi làm việc tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cho động vật như gà, vịt, lợn, bò... Quá trình tạo ra viên cám là cả một hệ thống dây chuyền sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào qua hệ thống nghiền, trộn rồi đến giai đoạn ép thành viên cám. Với tình hình nguyên liệu hiện tại, ngô trong công thức cám có xu hướng tăng lên nhiều (50-55%), hạt mì giảm đi rõ rệt. Tinh bột ngô có nhiệt độ hồ hóa (70-75 độ) cao hơn hạt mì (52-55 độ), do đó quá trình ép viên cám cần nhiệt độ cao hơn để hồ hóa được hỗn hợp.

Không những thế, để chạy máy ép nhiệt đạt được điều kiện hồ hóa của hỗn hợp thì công suất chạy máy sẽ giảm xuống, chi phí điện tăng. Điều này cũng đồng thời ảnh hưởng đến tốc độ hao mòn của thiết bị, chi phí phụ tùng cũng tăng lên. Đó chính là động lực thúc đẩy chúng tôi đưa ra những sáng kiến để cải tiến những vấn đề bất cập”, anh Hiến cho biết.

Qua quá trình thực tế, anh Hiến tìm ra được phương pháp giải quyết được những hạn chế đó, cùng với sản xuất được viên cám có độ kết dính, cứng, ít bụi hơn là cần tăng thời gian ủ nguyên liệu trong máy conditioner để tăng độ hồ hóa cho nguyên liệu và cải tiến hệ thống PL4 để tăng công suất, giảm chi phí.

Nghĩ là làm, bằng vốn kinh nghiệm của mình, anh nhanh chóng lên ý tưởng và đề xuất với công ty thử nghiệm thực tế. Được sự đồng ý của Ban lãnh đạo công ty, anh Hiến bắt tay phối hợp cùng các bộ phận hỗ trợ để cải tiến thiết bị, hệ thống. Anh Hiến cho biết thêm, phương pháp được anh thực hiện đó là tăng thời gian ủ nguyên liệu với hơi nóng bằng cách lắp đặt thêm 1 conditioner số 3, thay đổi hình dạng cánh trộn để thời gian ủ nguyên liệu với hơi nóng lâu hơn. Đồng thời thay đổi phương pháp kiểm soát nhiệt độ nguyên liệu và lưu lượng hơi nóng vào conditioner từ vận hành máy theo nhiệt độ cám hiển thị màn hình sang vận hành tự động theo lưu lượng hơi nóng qua flowmeter.

“Ngay sau khi sáng kiến được áp dụng, các dòng cám đều có xu hướng tốt lên. Công suất tăng từ 0.5-2 tấn/giờ, nhiệt độ hot meal (nguyên liệu sau khi ủ với hơi nóng) tăng hơn khoảng 2-4 độ. Chất lượng cám cũng được nâng cao, giảm độ bụi, tăng độ cứng. Bên cạnh đó giảm được hao mòn phụ tùng và chi phí điện bởi hỗn hợp được hồ hóa tốt. Sáng kiến được bắt đầu thực hiện từ tháng 4 với chi phí đầu tư ban đầu là 60 triệu, tuy nhiên chi phí tiết kiệm được lên đến hàng trăm triệu/tháng”, anh Hiến chia sẻ.

Thúc đẩy tinh thần sáng kiến, sáng tạo của công nhân lao động

Không chỉ riêng sáng kiến “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner máy cám viên số 4”, trong thời gian qua, anh Hiến còn có thêm rất nhiều sáng kiến khác như: Cải tiến tăng công suất, giảm chi phí điện máy cám viên số 5; cải tiến trục đỡ roller máy cám viên số 4; giảm thời gian thay khuôn ép máy cám viên số 7… đều có giá trị rất lớn cho hoạt động sản xuất.

Mang lại nhiều lợi ích cho công ty với những sáng kiến hiệu quả
Năm 2021, anh Hiến đã có sáng kiến “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner (máy trộn nguyên liệu với hơi nóng) máy cám viên số 4” làm lợi cho công ty hàng trăm triệu/tháng.

Đánh giá về sáng kiến, sáng tạo của anh Hiến, ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, anh Hiến không chỉ là kỹ sư có chuyên môn, có trách nhiệm với công việc mà còn ham tìm tòi, sáng tạo. “Sáng kiến “Tăng thời gian ủ nguyên liệu trong conditioner máy cám viên số 4” của anh Hiến đến nay đã được áp dụng cho toàn bộ hệ thống nhà máy của công ty. Không chỉ vậy, trong năm 2021, sáng kiến này còn được đánh giá cao tại Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động đã tiếp thêm động lực để anh Hiến tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến, sáng tạo đóng góp vào sự phát triển chung của công ty”, ông Lê Văn Bắc nói.

Có thể thấy, để những sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng rộng trong hoạt động sản xuất một phần cũng là nhờ sự gắn kết, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo công ty. Bởi ngoài hoạt động kinh doanh nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng đến môi trường làm việc. Bên cạnh chính sách chăm lo cho người lao động, doanh nghiệp luôn đưa ra các phong trào thi đua trong đó có phong trào “Sáng kiến, sáng tạo”. Từ những phong trào đó, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện ra những “nhân tài” để rèn luyện, tiếp tục vun đắp các ý tưởng đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Là một doanh nghiệp nước ngoài, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cũng luôn cần và khuyến khích, hoan nghênh công nhân lao động phát huy tinh thần tự chủ, sáng kiến, sáng tạo để năng suất làm việc được nâng cao hơn. Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam khẳng định thông qua các sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, chi phí sản xuất sẽ được giảm bớt, lượng hàng sản xuất tăng lên.

Chính vì vậy, xác định hoạt động sáng kiến, sáng tạo là một phần không thế thiếu; có sáng kiến, sáng tạo mới có thể tạo năng suất lao động và tạo ra bước đột phá trong sản xuất, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam đã đầu tư riêng một phòng nghiên cứu chuyên để tiếp nhận, thẩm định sáng kiến của người lao động. Nếu sáng kiến nào tốt, mang lại hiệu quả cao sẽ được áp dụng thí điểm tại một nhà máy, sau đó sẽ được nhân rộng ra toàn bộ hệ thống nhà máy của công ty. Để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, thời gian qua, Công đoàn công ty cũng luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức có hiệu quả các phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” thúc đẩy tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này