“Quân nhu” thời chống dịch

08:22 | 02/09/2021
(LĐTĐ) Trong thời chiến, công tác bảo đảm hậu cần đóng một vai trò rất quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bài học về hậu phương, hậu cần trong thời chiến vẫn còn nguyên giá trị, đang được Đảng và Chính phủ áp dụng triệt để trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Điều phối nguồn hàng tài trợ đến đúng đối tượng, đúng nhu cầu Huyện Sóc Sơn vận động tài trợ cho trẻ em và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Sức mạnh hậu cần trong thời chiến

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh hào hùng “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” đã thể hiện những nỗ lực đem hết sức người, sức của của toàn quân, toàn dân ta ra mặt trận, bảo đảm cho bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”.

“Quân nhu” thời chống dịch
Những người dân chuyển lương thực, nông sản tiếp viện các vùng bị cách ly.

Thắng lợi của Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ và đóng góp quan trọng của lực lượng hậu cần. Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đã khẳng định quân đội Pháp không chỉ thất bại trước ý chí, khát vọng giành tự do, độc lập của dân tộc ta, trước sức mạnh và trình độ tác chiến của quân đội mà còn thất bại trước sự đảm bảo hậu cần to lớn trong chiến đấu của quân và dân ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội hậu cần đã sát cánh với các lực lượng bộ đội khác, thiết lập một mạng lưới hậu cần rộng khắp, vươn sâu các hướng trên mọi chiến trường, đặc biệt trên 2 tuyến đường vận tải chiến lược là đường mòn Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh trên biển, bảo đảm yêu cầu tác chiến quy mô ngày càng lớn của bộ đội trong các chiến dịch của cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam cũng như trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thế trận đó làm cho địch phải huy động đến mức cao nhất sức mạnh quân sự và khoa học công nghệ cũng không thể nào ngăn chặn, chia cắt được nguồn hậu cần của quân đội ta. Việc bảo đảm chi viện liên tục, đầy đủ, kịp thời về hậu cần cho bộ đội đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đất nước.

Nhìn về cuộc chiến chống dịch Covid-19, toàn Đảng, toàn dân đều xác định “Chống dịch như chống giặc”. Trong công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, cũng nêu rõ: “Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch”. Điều đó cho thấy, toàn Đảng, toàn dân ta coi đây là một cuộc chiến mới, cần phải chiến thắng và chiến thắng triệt để. Và trong “chiến lược” đẩy lùi Covid-19, không thể thiếu “quân nhu”.

Nếu như trong các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, kẻ thù ở phía bên kia chiến tuyến, có thể nhìn thấy, có thể tấn công bằng vũ khí, có thể biết thực lực của kẻ thù cùng đường đi nước bước của chúng, thì trong “cuộc chiến” ngày hôm nay, kẻ thù của chúng ta dấu mặt. Mỗi người dân không thể biết được “chúng” ở đâu? Ở trong cơ thể người khác hay ở trong chính mình. Mỗi ngày, hàng trăm người vẫn ngã xuống bởi kẻ thù dấu mặt này trước khi chúng ta tìm ra và “khoanh vùng” chúng.

“Quân nhu” thời chống dịch
Người dân chuẩn bị chuyển trứng vào nội đô (Ảnh: L. Hằng)

Để thực hiện được “ai ở đâu ở yên đấy” thì trước hết người dân phải yên tâm về nguồn nhu yếu phẩm. “Ăn no mới đánh được địch”, đó là điều tất yếu để giành chiến thắng mà Đảng và nhân dân ta xác định trong cuộc chiến đầy lùi dịch bệnh này.

Chi viện lương thực cho “chiến trường”

Đã gần 3 tháng qua, một số tỉnh miền Nam được coi là “chiến trường” nóng bỏng bởi dịch Covid-19 lan nhanh. Cũng chưa bao giờ phong trào cứu trợ miền Nam lại diễn ra rầm rộ như bây giờ. Hàng ngàn tấn lương thực được Chính phủ, các tổ chức xã hội, các cá nhân trên khắp cả nước ồ ạt gửi về miền Nam thân yêu để các “chiến sĩ” nằm trong tâm dịch yên tâm “đánh địch”. Cũng như truyền thống yêu nước, tương thân tương ái ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, ở đâu có địch thì ở đó được toàn dân tiếp ứng, toàn dân hướng về.

Vừa qua, thực hiện quyết định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2021. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân 24 tỉnh, thành phố thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định và phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên báo cáo các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Cũng trong những ngày này, hình ảnh những anh bộ đội sắp xếp từng mớ rau, củ khoai trên hè phố chia vào từng túi, gõ cửa từng nhà dân để tiếp ứng lương thực đã trở nên thân quen với người dân cả nước. Qua những song cửa, những cánh tay đưa ra nhận lương thực từ các anh với quyết tâm cao sẽ “ở yên đánh địch”. Để đưa được “quân nhu” đến từng nhà, các chiến sĩ tuyến đầu đã không quản ngày đêm, vượt qua cái nóng bức ngột ngạt của bộ đồ bảo hộ, vượt qua nỗi sợ hãi của dịch bệnh để chia sẻ khó khăn với người dân.

Với chỉ tiêu cụ thể của Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra là phải đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày cho khoảng 9,4 triệu dân, thì dự kiến trung bình mỗi ngày, nhu cầu người dân cần 10.964 tấn hàng hóa các loại. Trong đó, gạo là 1.981 tấn, lương thực chế biến khoảng 660 tấn, thịt gia súc 755 tấn, thịt gia cầm 660 tấn, thực phẩm chế biến 236 tấn, trứng gia cầm 108 tấn, rau của quả 4.246 tấn, đường 236 tấn, sữa 1.742 tấn, dầu ăn 189 tấn, muối 47 tấn, nước chấm 104 tấn. Tính trung bình 1 tuần, người dân Thành phố cần khoảng 76.747 tấn lương thực trong thời gian giãn cách xã hội từ 00 giờ ngày 23/8 đến 6/9.

Để tổ chức cung ứng và bảo đảm lượng hàng hóa được vận chuyển vào thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mạng lưới cung ứng hàng hóa tăng cường thu mua, vận chuyển lương thực, thực phẩm về Thành phố. Trong đó có 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, có các điểm cửa hàng cung ứng lương thực, thực phẩm; điểm bán hàng lưu động, các cơ sở chế biến lương thực thực phẩm; tiểu thương các chợ đầu mối tổ chức thu mua hàng hóa từ các tỉnh thành lân cận; doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm; các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử, logistics…

“Quân nhu” thời chống dịch
Lực lượng quân đội tham gia cung cấp nhu yếu phẩm đến từng nhà dân tại thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: LĐ)

Cùng với việc cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày chống dịch, các tổ chức xã hội trên khắp cả nước cũng thực hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, gửi đến đồng bào miền Nam ở các tỉnh có ca F0 cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hàng nghìn tấn lương thực để chia sẻ khó khăn. Trước đó, khi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là điểm nóng của dịch, hàng nghìn tấn lương thực, nhu yếu phẩm cũng được các địa phương trên cả nước “tiếp viện” để chính quyền và người dân vượt qua đợt càn quét của dịch bệnh.

Tại Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý: “Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này