Người dân tự test nhanh Covid-19 tại nhà: Hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người dân

07:40 | 26/08/2021
(LĐTĐ) Từ ngày 23/8, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai việc xét nghiệm cộng đồng cho toàn bộ người dân. Trong đó, tại các tổ dân phố ở mức nguy cơ cao và vùng nguy cơ rất cao, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc thay đổi trong công tác xét nghiệm này sẽ góp phần giảm tải khối lượng công việc cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm đối với người dân khi thực hiện xét nghiệm diện rộng.
Siết chặt, kiểm soát chặt hơn nữa giấy đi đường Mục tiêu tối thượng là sức khỏe người dân

Phát hiện nhanh, ngăn chặn lây nhiễm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/8, Thành phố bắt đầu triển khai việc xét nghiệm cộng đồng cho toàn bô người dân. Trong đó, tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), việc xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, hay còn gọi là test nhanh do người dân tự thực hiện theo từng hộ gia đình. Quá trình người dân tự xét nghiệm tại nhà sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Mục tiêu của việc xét nghiệm nhanh tại nhà nhằm giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để bóc tách, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả.

Người dân tự test nhanh Covid-19 tại nhà: Hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người dân
Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Sau khi được hướng dẫn tận tình từ các nhân viên y tế và các tình nguyện viên, nhiều người dân ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh đã có thể tự thực hiện test nhanh Covid-19 tại nhà. Báo cáo kết quả xét nghiệm âm tính thông qua test nhanh cho nhân viên y tế, chị Lê Thị Thảo ở quận Tân Phú vui mừng chia sẻ: Việc tự test nhanh không khó. Chỉ cần người dân chú ý theo dõi hướng dẫn là làm được chính xác ngay. Cách làm này tôi thấy rất hợp lý, vừa giảm áp lực cho nhân viên y tế mà người dân biết kết quả ngay, giúp phát hiện ca nhiễm ngay trong gia đình mình, kịp thời ngăn chặn sự lây lan sớm nhất.

Tương tự, sống chung với người thân trong gia đình tại vùng có nguy cơ cao ở phường Tân Quý (quận Tân Phú), bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Test nhanh để sớm biết được sức khỏe của mình và gia đình sẽ an tâm hơn. Ban đầu tự test hơi bỡ ngỡ chút, nhưng khi được nhân viên y tế hướng dẫn nhiệt tình nên giờ tôi tự test rất dễ. Chiến lược mới này của ngành Y tế được người dân rất ủng hộ và thêm an tâm cùng chính quyền quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch.

Hay ngay khi dịch bệnh bùng phát, bà Nguyễn Thị Hà ở Chung cư Sài Gòn Gateway (Thủ Đức) cũng lo lắng và mong muốn được thường xuyên kiểm tra xem mình có bị nhiễm Covid-19 hay không. Giờ được hướng chi tiết cách tự test nhanh, bà rất phấn khởi. Bà Hà chia sẻ: “Các biện pháp phòng dịch Covid-19 tôi đã thực hiện tốt. Nhưng trong bối cảnh hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh thì test nhanh để tầm soát là rất cần thiết. Hệ thống y tế đang căng mình điều trị cho người nhiễm, chính vì thế mỗi người dân nên tự test nhanh một cách tốt nhất, chính xác nhất theo hướng dẫn của tình nguyện viên, nhân viên y tế để bảo vệ chính mình, bản thân và cộng đồng”. Không chỉ bà Hà, hàng loạt cư dân khác ở chung cư này cũng an tâm hơn khi test nhanh với Covid-19. Ngoài ra, việc test nhanh tại nhà còn tránh tối đa việc tập trung đông người và nguy cơ lây nhiễm chéo.

Không chủ quan dù kết quả có âm tính

Trực tiếp đến các điểm xét nghiệm Covid-19 và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết định, chỉ thị, công điện đối với tình hình mới, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xác lập trạng thái mới trong vòng 1 tháng từ 15/8 đến 15/9. Như vậy, việc sử dụng xét nghiệm để phát hiện F0 là hết sức quan trọng. Để làm được điều này phải tổ chức một lượng xét nghiệm rất lớn, bên cạnh đó, cần chuẩn bị các bộ sinh phẩm test kit, hệ thống để chạy xét nghiệm RT-PCR.

Trong đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, việc tổ chức cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng. Trước hết, điều này sẽ giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ cho người dân. “Bên cạnh đó, thời gian trước việc lây lan F0 trong khi lấy mẫu đã xảy ra ở một số nơi do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn. Cho nên, việc người dân tự lấy mẫu cũng sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng. Chúng tôi cũng hy vọng với sự tham gia tự nguyện của người dân cùng với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành Y tế, chúng ta sẽ đảm bảo tiêu chí về mặt kĩ thuật cũng như số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, khả năng lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 cho cộng đồng rất là lớn. Trong khi, nguồn lực nhân viên y tế có hạn nên ngành Y tế rất cần sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là việc người dân tự làm xét nghiệm để kiểm soát được tình trạng sức khoẻ của mình. Nhân viên y tế có vai trò giám sát, hướng dẫn. Nếu có sự chung sức, đồng lòng từ người dân thì cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 mới sớm đi đến thắng lợi.

Theo chỉ đạo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại các tổ dân phố có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) của Thành phố trong 14 ngày tới. Riêng các tổ dân phố có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 hoặc 10 tuỳ theo vùng) theo đại diện hộ gia đình. Tần suất xét nghiệm là 2 lần, mỗi lần xét nghiệm cách nhau 7 ngày.

Theo đó, sẽ có các đội xét nghiệm của từng địa phương, trong đó mỗi đội phụ trách 4 tổ dân phố cấp phát sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đến từng hộ dân có khả năng tự thực hiện xét nghiệm. Việc cấp test nhanh đến cho người dân phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố hoặc ban quản lý khu phố, ấp... Riêng đối với người dân không thể tự thực hiện xét nghiệm, đội xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm thực hiện và có thể hướng dẫn cho người dân thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Sau 30 - 60 phút, nhân viên đội xét nghiệm quay lại nhận kết quả từ người dân, đọc kết quả, ghi nhận những trường hợp có kết quả dương tính vào danh sách và xử lý nhữngtrường hợp ca F0 theo hướng dẫn của ngành Y tế về xử lý ca khẳng định.

Trong trường hợp có kết quả dương tính, người dân cần bình tĩnh, tránh tiếp xúc tối đa với những người xung quanh, sau đó thông báo cho nhân viên y tế địa phương để được hướng dẫn. Nếu có kết quả âm tính cũng không được chủ quan. Người dân cần phải theo dõi thêm những triệu chứng khác, đồng thời thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.

Theo lý giải của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Sau khi xét nghiệm, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vẫn có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 như bình thường và trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Bởi kết quả xét nghiệm Covid-19 có giá trị xác nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời còn khẳng định, họ không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Nói là cơ bản xác định bởi, với trường hợp mới mắc Covid-19 trong 1-2 ngày đầu, việc xét nghiệm chưa thể phát hiện ra ngay...

"Do vậy, sau khi thực hiện xét nghiệm, điều quan trọng nhất, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm mọi biện pháp phòng bệnh. Các biện pháp quan trọng nhất là thường xuyên đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khử khuẩn và chủ động khai báo y tế"- Chuyên gia Trần Đắc Phu lưu ý thêm./.

Minh Khuê – Văn Đạo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này