Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn

13:48 | 24/08/2021
(LĐTĐ) Trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức tiếp tục lăn bánh đến với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để hỗ trợ “Túi An sinh Công đoàn” gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, giúp người lao động ấm lòng cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Chú trọng nâng cao chất lượng của tổ chức Công đoàn ngay từ ở cơ sở Trên 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động đã nhận được hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện

Tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động

Là một trong những lao động được đón nhận “Túi An sinh Công đoàn” từ lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố, chị Đinh Thị Thu Hiền, người lao động của Công ty Cổ phần In Hà Nội (Cụm công nghiệp Ngọc Hồi) bày tỏ: “Tôi thực sự rất vui mừng, xúc động khi được lãnh đạo LĐLĐ Thành phố trực tiếp thăm hỏi, động viên và tặng quà.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi được đón nhận sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, trong suốt những năm làm việc tại Công ty, đoàn viên, người lao động chúng tôi đã thường xuyên được các cấp Công đoàn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, nhất là trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và đời sống, việc làm của người lao động”.

Khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn
Những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức tiếp tục lăn bánh đến với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Mai Quý

Theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô, ngoài các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do LĐLĐ Thành phố tổ chức, đến nay đã có 25 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng”, 8 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai mô hình “Siêu thị 0 đồng” và 13 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai các hình thức hỗ trợ khác để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp “Túi An sinh Công đoàn” (giá trị 200.000 đồng/suất) cho 18.916 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số tiền trên 3,7 tỷ đồng.

Từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn kinh phí Công đoàn trên 41 tỷ đồng và vận động các nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 94 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ Quỹ vắc xin, Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố…

Ngoài ra, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức khác, như: Hỗ trợ khẩu trang, thiết bị đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn, bộ quần áo bảo hộ và các nhu yếu phẩm khác.

Cùng với việc triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn Thành phố đã chi hỗ trợ 1.277 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hỗ trợ là 5,4 tỷ đồng; hỗ trợ 17 người lao động ngừng việc, số tiền là 26 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay 10,073 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.279 lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo 5 Tổ công tác và “Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố” tiếp tục phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là Công đoàn các khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội để rà soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”, hướng dẫn các “Tổ An toàn Covid-19” chuyển trạng thái từ phòng, chống dịch sang chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc bệnh, đồng thời triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” tại đơn vị.

Cùng với việc triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay, toàn Thành phố đã chi hỗ trợ 1.277 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền hỗ trợ là 5,4 tỷ đồng; hỗ trợ 17 người lao động ngừng việc, số tiền là 26 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay 10,073 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.279 lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả hoạt động “Tổ An toàn Covid-19”; phối hợp với chính quyền đồng cấp, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn.

Đến nay, đã có 615 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động. Nhìn chung, sự tham gia của tổ chức Công đoàn với mô hình hoạt động của các “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định vị trí, vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động.

Liên quan đến việc ổn định tình hình quan hệ lao động, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng dịch, một số doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại phương án sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động (chỉ sử dụng 1/2 hoặc 1/3 số lượng lao động) dẫn đến người lao động thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sút.

Tuy nhiên, nhờ có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, trong đó có sự tham gia tích cực và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố đến nay vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công xảy ra. Đại đa số người lao động đã nhận thức và chia sẻ với khó khăn, đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua đại dịch, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả các mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, “Túi An sinh Công đoàn” hỗ trợ người lao động; làm tốt công tác rà soát, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tổng hợp thông tin về nhu cầu đời sống của đoàn viên, người lao động để kịp thời có các phương án hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tổ chức Công đoàn để đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô an tâm “ai ở đâu ở đấy”, chấp hành nghiêm các quy định của chính quyền địa phương, tuyệt đối hạn chế không di chuyển ra khỏi địa bàn Thành phố trong và sau thời gian giãn cách xã hội./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này