Hiệu quả bước đầu triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội

Kỳ 2: Hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn

10:08 | 25/08/2021
(LĐTĐ) Việc tổ chức đối thoại 2 lần/năm cũng như hoạt động tiếp xúc cử tri theo quy định mới của chính quyền đô thị, người dân sẽ phản ánh trực tiếp nội dung họ mong muốn với Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường.
Kỳ 1: Kịp thời, linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn

Điểm mới khi thực hiện chính quyền đô thị chỉ thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.

Thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tại cấp xã, phường, thị trấn đã thực hiện tổng số 3.056.609 bản chứng thực bản sao, 109.149 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và 4.996 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch. Với số lượng hồ sơ chứng thực tại nhiều nơi chiếm đến 80% hồ sơ hành chính được tiếp nhận ở các phường, đề xuất này của thành phố Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Kỳ 2: Hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn
Giải quyết thủ tục chứng thực cho người dân tại Bộ phận một cửa phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng.

Ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, sau thời gian thực hiện thí điểm việc ủy quyền này, ông đã làm việc với UBND một số phường và nhận được phản hồi tốt. Có phường đã ủy quyền cho cả 2 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, có phường ủy quyền cho 1 người trực tiếp ký chứng thực. Theo ông Cao, hoạt động ủy quyền này thực sự cần thiết để góp phần giảm tải công việc cho lãnh đạo UBND phường, giúp họ dành thêm thời gian giải quyết những công việc khác mang tính chất cấp bách, quan trọng hơn.

Cũng theo ông Cao, cán bộ Tư pháp nhận ủy quyền sẽ vất vả hơn, nhưng cũng giúp họ chủ động hơn, nâng cao tính trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn trong công việc. Điều quan trọng là việc ủy quyền góp phần đơn giản hóa quy trình, giúp giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, giảm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dân.

Bà Phạm Thị Bình, công chức Tư pháp – Hộ tịch phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, cho biết: “Nhận ủy quyền trực tiếp ký chứng thực với cán bộ Tư pháp là nhận thêm trách nhiệm nhưng điều này cũng giúp chúng tôi chủ động hơn trong sắp xếp công việc. Điều khiến chúng tôi thấy vui là thuận lợi hơn cho người dân. Trước đây, nếu công dân đến làm thủ tục buổi sáng thì phải hẹn buổi chiều nhận kết quả, đến buổi chiều thì hẹn sáng ngày hôm sau. Nhưng nay, với số lượng hồ sơ ít thì trả kết quả ngay, còn số lượng nhiều thì cũng không phải chờ đợi lâu như trước nữa, người dân được nhận kết quả luôn nên rất phấn khởi”.

Đảm bảo quyền đại diện, giám sát của nhân dân

Một trong những vấn đề được đặt ra khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là không còn Hội đồng nhân dân (HĐND) phường, vậy khi người dân cần phản ánh đến đại biểu HĐND thì họ phải tìm đến ai?

Từ thực tiễn quản lý, bà Lê Khánh Giang - Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, cho rằng: “Trước đây, thành viên Ban công tác Mặt trận cũng là đại biểu HĐND phường, và hiện vẫn có cấp này ở Tổ dân phố nên người dân nếu muốn liên hệ, phản ánh đến HĐND cấp trên có thể thông qua Ban công tác Mặt trận. Điều này cũng giúp nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc tại địa phương”.

Phường Đồng Tâm đã có kế hoạch đối thoại với nhân dân, dự định tổ chức trong tháng 6/2021 nhưng do vướng dịch Covid-19 nên vẫn chưa thực hiện được. Theo bà Giang, việc tổ chức đối thoại 2 lần/năm cũng như là hoạt động tiếp xúc cử tri, người dân sẽ phản ánh trực tiếp nội dung họ mong muốn với Chủ tịch UBND phường. Những nội dung này sẽ được tổng hợp thông qua tổ dân phố để phản ánh đến cấp có thẩm quyền theo quy định. “Không có cấp HĐND phường để tiếp xúc cử tri thì có đối thoại này cũng rất hay”, bà Giang nói.

Còn ông Viên Hải Tuệ - Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thì cho rằng, khi dịch chưa bùng phát, thành phố Hà Nội chưa thực hiện giãn cách xã hội, phường Ngọc Khánh đã tổ chức Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND phường với nhân dân theo Nghị định 32/2021/NĐ-CP kết hợp với Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.

Kỳ 2: Hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh trao quà động viên lực lượng Công an tham gia chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Hội nghị tổ chức với sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các ban ngành đoàn thể, đại diện các địa bàn dân cư, tổ dân phố và nhân dân trong phường. Sau hội nghị, các ý kiến trao đổi đã được tổng hợp và báo cáo tới HĐND - UBND, Chủ tịch UBND và Tổ HĐND quận Ba Đình.

“Nếu từ nay tới cuối năm, tình hình phòng, chống dịch còn khó khăn chúng tôi sẽ tính tới phương án tổ chức đối thoại qua ứng dụng Zoom. Nhìn chung, việc họp, đối thoại với người dân qua ứng dụng này có thể đảm bảo được chất lượng, hiệu quả công việc và những vướng mắc gặp phải không đáng kể”, ông Tuệ cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Ba Đình Phạm Thị Hồng Hạnh, để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, HĐND quận Ba Đình đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Quận ủy xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND quận, xây dựng quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận để đảm bảo sự giám sát, đồng hành có hiệu quả giữa HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận. Đồng thời, đề nghị các Tổ đại biểu đăng ký nội dung giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu.

Trước kỳ họp HĐND quận, Chủ tịch UBND các phường đã tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của công dân. Nắm bắt những kiến nghị này, Thường trực HĐND quận đã chỉ đạo, điều hòa nội dung chương trình giám sát, phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19, kêu gọi ủng hộ quỹ Covid-19, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…

Phương Thảo

(Kỳ cuối: Tìm ra mô hình phù hợp)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này