Vận dụng tối đa chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn

15:15 | 23/08/2021
(LĐTĐ) Lúc này phải triển khai linh hoạt, vận dụng mọi cơ chế chính sách, tất cả vì người lao động, để kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Việc chăm lo cho người lao động khó khăn cũng phải có kế hoạch dài hơi, nỗ lực làm hết sức vì tinh thần trách nhiệm với đoàn viên công đoàn, người lao động và vì uy tín của tổ chức Công đoàn.
Hà Nội: 48,5% công nhân ở khu công nghiệp đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9 197 "Túi An sinh Công đoàn" đến tay người lao động ngành Nông nghiệp

Sáng 23/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội họp để nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch và công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Số liệu thống kê cho thấy, đã có 333 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.489 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; số người lao động mất việc làm là 7.388 người; số người lao động thiếu việc làm là 37.100 người.

Vận dụng tối đa chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao "Túi An sinh Công đoàn" cho người lao động khó khăn tại Công ty TNHH Sản xuất nhựa Việt Nhật. (Ảnh: Hải Ly)

Trước tình hình đó, LĐLĐ Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn rà soát, nắm tình hình quan hệ lao động, đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp để hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời triển khai phương án tổ chức các "Siêu thị 0 đồng", "Xe buýt Siêu thị 0 đồng" và các "Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân" tại các địa phương và các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ "Quỹ vắc xin" và "Quỹ phòng, chống dịch Covid-19" của Thành phố với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng; đã vận động các nguồn lực xã hội hóa được hơn 94 tỷ đồng; 60.852 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ kịp thời và 2.090 doanh nghiệp có "Tổ An toàn Covid-19". Đáng chú ý, tính đến ngày 19/8, đã có 73.121 công nhân, người lao động ở 8 khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Các Công đoàn cấp trên cơ sở cũng tích cực triển khai "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", mô hình "Siêu thị 0 đồng" và các mô hình hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế, qua đó đã hỗ trợ 18.916 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

Tính riêng từ 16 - 19/8, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức 6 chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" vận chuyển 4.200 "Túi An sinh Công đoàn" trao tận tay đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn tại Khu Công nghiệp Nội Bài, Quang Minh; các cụm công nghiệp: Thanh Oai, Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Ngọc Hồi, Quất Động, Tân Triều (huyện Thanh Trì); đồng thời trao hàng trăm suất quà hỗ trợ cho đội ngũ y tế tại các địa phương.

Vận dụng tối đa chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động khó khăn
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường chủ trì cuộc họp. (Ảnh: NC)

Song song với các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo và 5 Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở thực hiện các biện pháp nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

LĐLĐ Thành phố cũng tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô thành lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp, chuyển trạng thái từ phòng, chống dịch sang chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc bệnh; đồng thời triển khai xây dựng mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn. Đến nay toàn Thành phố có 4.306 doanh nghiệp thành lập "Tổ An toàn Covid-19" trong doanh nghiệp, với 11.469 Tổ và 50.480 người tham gia; đã gắn biển "Vùng xanh Doanh nghiệp" cho 615 điểm doanh nghiệp được phê duyệt phương án hoạt động, sản xuất.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp triển khai phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, đặc biệt là công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn trong những ngày tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội sắp tới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi Công đoàn phải tăng cường các biện pháp chăm lo, đảm bảo an sinh, để người dân yên tâm "ai ở đâu ở yên đó".

Các cấp Công đoàn phải sát sao hơn nữa trong công tác chăm lo cho người gặp khó khăn, không chỉ người lao động trong vùng cách ly, phong tỏa mà còn cả với những công nhân lao động đang thuê trọ; đồng thời chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nỗ lực chăm lo tốt cho đối lượng là lao động tự do.

"Phải phát huy hiệu quả của hệ thống đường dây nóng, khi có ai khó khăn gọi cho Công đoàn, phải lưu lại thông tin người đó, xem thuộc địa bàn nào thì giao cho Công đoàn cấp trên cơ sở của địa phương đó tiếp nhận, để có giải pháp kịp thời hỗ trợ, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc", đồng chí Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

undefined
Những chuyến "Xe buýt siêu thị 0 đồng" đã vận chuyển hàng ngàn "Túi An sinh Công đoàn" đến tận tay người lao động khó khăn do Covid-19. (Ảnh: NC)

Đề cập đến những đề xuất của LĐLĐ Thành phố đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng số lượng phần quà hỗ trợ cho người lao động trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Phi Thường cho rằng, lúc này phải triển khai linh hoạt, vận dụng mọi cơ chế chính sách, tất cả vì người lao động, để kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Việc chăm lo cho người lao động khó khăn cũng phải có kế hoạch dài hơi, nỗ lực làm hết sức vì tinh thần trách nhiệm với đoàn viên công đoàn, người lao động và vì uy tín của tổ chức Công đoàn.

Trong đợt giãn cách thứ 3 của Thành phố, đồng chí Nguyễn Phi Thường nhận định, sẽ có rất nhiều người lao động gặp khó khăn, do đó các Ban của LĐLĐ Thành phố, nhất là Ban Tài chính phải khẩn trương tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ.

"Người lao động rõ ràng khó khăn, ta phải tìm mọi cơ chế để có thể chi hỗ trợ. Khi làm thì Công đoàn vất vả, nhưng "một miếng khi đói" cũng rất quý, nên phải vận dụng tối đa để có hỗ trợ kịp thời", Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này