Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi

12:11 | 22/08/2021
(LĐTĐ) Là tuyến đầu và là “người gác cổng” của hệ thống Y tế, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở vẫn từng ngày, từng giờ bám sát địa bàn, ngày càng phát huy vai trò của mình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Những bước chân không mỏi của họ đã và đang góp phần nhân lên sức mạnh, niềm tin để chúng ta chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19.
Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 1: “A lô! Y tế xã, phường xin nghe!”

Tạo “lá chắn” ngăn ngừa dịch bệnh

Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường thì tuyến y tế cơ sở càng phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân... Nghe qua thì tưởng chừng đơn giản, nhưng chứng kiến công việc của những nhân viên tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn mới thấy khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận trong thời kỳ dịch bệnh là quá tải so với số nhân lực hiện có.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi
Nhân viên y tế tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo kiểm tra sức khoẻ cho người dân.

Sát cánh với đồng nghiệp trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19, những ngày này, chị Phạm Thị Mai Hoa - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) vẫn tiếp tục căng mình làm việc, bám sát địa bàn, nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Trong suốt gần 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện, chị Hoa và các đồng nghiệp tại Trạm đã có rất nhiều đêm không ngủ được.

Hơn 26 năm công tác tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo, chị Hoa cảm nhận, chưa khi nào công tác phòng, chống dịch lại yêu cầu sự cấp bách, quyết liệt như hiện nay. Một mặt, nhân viên y tế vừa sẵn sàng trực tiếp tham gia công tác chống dịch tại địa phương, mặt khác vẫn phải đảm bảo công tác chăm lo sức khỏe, tiêm chủng… cho người dân trên địa bàn.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, cán bộ y tế tuyến cơ sở phải trực dịch 24/24, thay nhau trực tại cơ quan, bám sát địa bàn. Chuyện đi sớm, về khuya là chuyện thường xuyên diễn ra. Thậm chí, có những thời điểm, mọi liên hệ với gia đình đều phải qua điện thoại. Chị Hoa cho rằng khó khăn lớn nhất đối với cán bộ y tế trên địa bàn hiện nay là lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo tốt chăm sóc sức khỏe của người dân là vô cùng khó khăn.

“Hiện nay, Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo có 6 cán bộ, được giao quản lý 12 khu dân cư trên địa bàn. Mỗi người chia nhau quản lý 2 khu dân cư, làm nhiệm vụ kiểm tra, rà soát chặt chẽ những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Họ đang từng ngày tận tụy “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, xử lý, kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Họ luôn sẵn sàng lao vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 không ngừng nghỉ để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, các hoạt động như tiêm chủng, khám, tư vấn sức khỏe cho người dân vẫn được diễn ra song song”, chị Hoa cho biết.

Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch đang được đội ngũ cán bộ y tế các cấp trên địa bàn toàn Thành phố đẩy mạnh thực hiện với những cách làm chủ động, tích cực. Trong đó, vai trò của hệ thống y tế cơ sở đã được phát huy hiệu quả. Theo Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Hữu Giáp: Y tế cơ sở có ba nhiệm vụ chuyên môn cơ bản là công tác dịch tễ, công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng. Đây là 3 nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Đồng thời, Trạm Y tế sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Trung tâm Y tế quận và của Ủy ban nhân dân quận.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi
Nhân viên y tế Trạm Y tế phường Mễ Trì lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng.

Song song với công tác chuyên môn, trong thời gian thực hiện giãn cách, Trạm Y tế phường Mễ Trì còn tham gia công tác phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát dịch. “Vừa để kiểm soát người ra, vào; kiểm soát sự di biến động của người dân. Đặc biệt, trong quá trình làm nhiệm vụ tại các chốt, chúng tôi còn phát hiện một số trường hợp có biểu hiện sốt, nghi ngờ… và tham gia xử lý”, Trạm trưởng Trạm Y tế Mễ Trì chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường còn tham gia phối hợp cùng các đơn vị tại địa phương quản lý vùng xanh… Trên tinh thần, mỗi ngõ xóm, mỗi tổ dân phố là một “pháo đài chống dịch” để duy trì những thành quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, công việc nhiều, thời gian triển khai gấp, trong khi lực lượng hạn chế cũng gây nhiều áp lực cho nhân viên y tế tại đơn vị. Theo anh Giáp, hiện Trạm Y tế phường Mễ Trì có 8 nhân lực chính, vừa qua Sở Y tế Hà Nội mới bổ sung thêm 5 nhân viên y tế từ các bệnh viện hỗ trợ. Tuy nhiên, những nhân lực bổ sung này chỉ hỗ trợ trong công tác tiêm chủng, còn về quản lý dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm thì nhân viên Trạm vẫn phải thực hiện.

Với 8 nhân lực tại Trạm Y tế phường Mễ Trì không đáp ứng đủ để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ đột xuất. “Đơn cử, có thời điểm, Trạm vừa phải điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và cả tiêm chủng. Riêng công tác tiêm chủng, để vận hành 1 dây chuyền tiêm cần 5 nhân viên y tế, trong khi cả Trạm có 8 nhân viên chỉ vận hành được 1,5 dây chuyền. Với số lượng nhân viên y tế mỏng như vậy sẽ không đảm bảo công tác tiêm chủng và nếu làm việc căng sức sẽ không đảm bảo sức khoẻ cho anh, em, vậy nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ y tế tuyến trên”, anh Giáp cho biết.

May mắn, trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phường luôn có cả hệ thống chính trị tại địa phương cùng vào cuộc. Vừa qua, trên địa bàn phường Mễ Trì đã tiến hành sàng lọc 3.460 mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao và đối tượng có nguy cơ. Trong đó, những đối tượng nguy cơ cao gồm: Shipper; nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, Ban quản trị các toà nhà… để sàng lọc hết theo chỉ đạo của Thành phố.

Còn dịch bệnh là còn chiến đấu

Những ngày qua, dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội khiến cho khối lượng công việc của nhân viên y tế cơ sở vô cùng vất vả. Một ngày làm việc của họ liên tục từ sáng đến tối, giữa trưa chỉ có một chút ít thời gian để nghỉ ngơi, ăn cơm. Khi mặc bảo hộ, nước cũng không dám uống vì phải hạn chế đi vệ sinh. Cường độ làm việc nhiều, thời tiết nắng nóng, thêm bảo hộ chật chội, vậy mà từ khâu xử lý môi trường đến lấy mẫu bệnh phẩm, ai cũng chiến hết mình vì mong “cuộc đua” truy vết F sớm về đích. Tối về, người mệt lả, nhưng cùng động viên nhau phải cố ăn lấy sức để ngày mai chiến tiếp.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi
Nhân viên y tế tại các trạm y tế tranh thủ thời gian cập nhập dữ liệu liên quan tới công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức đẫm ướt mồ hôi đã mặc trong nhiều giờ liền luôn là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, sự tận tâm của họ với công việc. Họ những cán bộ y tế cơ sở đã và đang góp phần nhân lên sức mạnh, niềm tin để chúng ta chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở vẫn từng ngày, từng giờ bám sát địa bàn, ngày càng phát huy vai trò của mình với vai trò giám sát, điều tra dịch tễ các đối tượng đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời và phòng bệnh được tốt hơn.

Tại Trạm Y tế phường Văn Chương (quận Đống Đa), trong thời điểm này chúng tôi phải cố gắng liên lạc 3 lần mới có được cuộc trao đổi ngắn với chị Nguyễn Thị The - Trạm trưởng Trạm Y tế phường. Bởi, thời điểm này, phường Văn Chương đang phải tiến hành cách ly y tế với hơn 1.400 hộ với gần 5.000 nhân khẩu. Cuộc trao đổi của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi tư vấn khai báo y tế, báo cáo tình hình từ cơ sở.

Chị Nguyễn Thị The cho biết: “Hiện, trên địa bàn phường có các khu vực thực hiện cách ly y tế. Sau khi tiến hành rà soát, lập danh sách quản lý, chúng tôi phải phối hợp với gia đình, tổ dân phố thường xuyên theo dõi để nắm bắt tình hình và tuyên truyền các biện pháp phòng dịch tại cơ sở”.

Những người “gác cổng” hệ thống Y tế Thủ đô - Kỳ 2: Dấu ấn những bước chân không mỏi
Đoàn thanh niên cơ sở tham gia giúp sức cùng nhân viên y tế cập nhập dữ liệu

Đây cũng chính là lý do, gần 10 ngày nay chị cùng đồng nghiệp chưa có một bữa ăn, giấc ngủ trọn vẹn, thậm chí chưa được về nhà. Từ hôm dịch bùng phát trên địa bàn phường, không chỉ ngày nghỉ mà ban đêm, Trạm cũng phải bố trí người trực thường xuyên để tiếp nhận, hỗ trợ khai báo y tế. Có lúc vừa bưng bát cơm lên, nhận điện thoại đã phải đi ngay.

Bên cạnh đó, cùng hàng nghìn đối tượng đang được theo dõi y tế tại nhà, cán bộ, nhân viên trạm y tế phường cũng không kém phần tất bật. Ngoài việc theo dõi sức khỏe cho số người này, nhân viên y tế còn phải đến tận nhà dân tuyên truyền các biện pháp phòng dịch; lập kế hoạch tiêm chủng cho người dân.

Trên đây chỉ là số ít những gương mặt, những câu chuyện trong số hàng trăm, hàng ngàn nhân viên y tế xã, phường trên địa bàn Thủ đô đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Những bước chân không mỏi của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong những ngày nắng nóng, hay ngày mưa như trút vẫn lặng lẽ mỗi ngày để làm nhiệm vụ với một quyết tâm cao là còn dịch bệnh là còn chiến đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự an toàn của cộng đồng.

"Công tác phòng, chống dịch kéo dài suốt thời gian qua, nên Trạm Y tế phường Mễ Trì phải huy động toàn bộ lực lượng căng mình làm việc. Nhân viên y tế phải làm ngày, làm đêm và tối vẫn phải luân phiên trực cả về chuyên môn và dịch tễ (2 người/buổi). Có thời gian dịch căng thẳng, nhiều người làm việc với tần suất 12 tiếng trong ngày, thậm chí có hôm lên tới 16 tiếng trong ngày. Khái niệm thứ Bảy, Chủ Nhật, hay nghỉ lễ với nhân viên y tế thời điểm này quả là điều xa xỉ...", - anh Nguyễn Hữu Giáp - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.

(Kỳ cuối: Cần đãi ngộ xứng đáng với nhân viên y tế cơ sở)

Kim Tiến - Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này