Tranh thủ "thời gian vàng" giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch Covid-19:

Cần xử lý đơn vị cấp giấy không đúng người, đúng việc

21:54 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Sau 2 ngày ra quân, 6 Tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội thực hiện tuần tra kiểm soát chặt người và phương tiện đi lại trong các quận nội thành. Tuy vậy, lượng người tham gia giao thông những ngày qua vẫn khá đông. Do đó, một số người đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành văn bản xử lý thủ trưởng đơn vị cấp giấy đi đường không đúng người, đúng việc.
Thủ đô quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 6 tổ cơ động xử phạt 26 trường hợp vi phạm quy định giãn cách sau 3 giờ triển khai

Gần như ai cũng có giấy đi đường...

Dù đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để tận dụng “thời gian vàng” đẩy lùi dịch Covid-19 nhưng trên nhiều tuyến phố, lượng người và phương tiện lưu thông vẫn khá đông đúc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về sự lây lan dịch trong cộng đồng do việc giãn cách chưa được thực hiện triệt để.

Sáng 17/8, Tổ công tác số 7 gồm cán bộ chiến sĩ từ phòng Cảnh sát giao thông, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, phòng Cảnh sát hình sự và phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy... cắm chốt tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) để kiểm soát người và phương tiện lưu thông từ quận Hà Đông đi ra.

Theo ghi nhận, trong khung giờ cao điểm từ 7h30 đến 8h30, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, khá đông xe máy, ô tô lưu thông. Theo quan sát, đa số người đi đường đều cầm sẵn giấy đi đường trên tay để sẵn sàng xuất trình nếu bị kiểm tra.

Thiếu tá Đào Phan Anh, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 cho biết, trong giờ cao điểm, để đảm bảo lưu thông trên đường thông suốt, tránh tụ tập đông người tại chốt, việc kiểm tra phải thực hiện rất khẩn trương.

Kiến nghị xử lý đơn vị cấp giấy không đúng người đúng việc
Tổ công tác số 7 cắm chốt tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) để kiểm soát người và phương tiện lưu thông từ quận Hà Đông đi ra.

Tuy nhiên, cũng theo Thiếu tá Đào Phan Anh, việc kiểm tra giấy đi đường cùng giấy tờ tùy thân hiện nay vẫn khó xác định ngay được trường hợp nào mang theo giấy đi đường hợp lệ. Theo phản ánh, nhiều cơ quan, đơn vị không thật sự cần thiết vẫn cấp giấy đi đường cho nhân viên.

Chị Thanh Hòa (phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết: “Do đặc thù công việc làm trong công ty cung cấp thực phẩm nên tôi phải ra đường đi làm. Thực tình dịch dã thế này cũng muốn ở nhà cho an toàn, ra đường đông quá, không đảm bảo an toàn phòng dịch”.

Tương tự, chị Hương (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) chia sẻ, từ hôm giãn cách đến nay, giờ cao điểm trong ngày không lúc nào vắng người. “Chẳng hiểu sao ai cũng có giấy đi đường, mà chẳng biết là có thực sự cấp thiết hay không. Nên chăng các cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp giấy đi đường, hoặc phải có chế tài xử lý đơn vị cấp giấy không đúng người, đúng việc. Không thực sự cần thiết thì không được cấp”, chị Hương cho biết thêm.

Bắt đầu từ 15h ngày 16/8, Công an thành phố Hà Nội triển khai 6 Tổ công tác liên ngành gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và Công an địa bàn… kiểm soát chặt người ra đường không có lý do tại 12 quận nội thành.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, sau 3 tiếng triển khai 6 Tổ công tác đã kiểm soát 2.169 trường hợp, phát hiện 26 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, 8 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, 1 trường hợp tàng trữ vũ khí thô sơ.

Có thể thấy, trong số 2.169 trường hợp được kiểm soát, chỉ phát hiện 26 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, vậy hơn 2.000 trường hợp còn lại đều có giấy đi đường.

Có hiện tượng làm giả giấy đi đường

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, vài ngày gần đây có hiện tượng người dân ra đường tương đối đông. Công an thành phố Hà Nội bố trí 6 Tổ công tác làm nhiệm vụ nhằm giữ vững thành quả chống dịch đã đạt được, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Mục đích của Tổ công tác là không để người không có lý do chính đáng ra khỏi nhà, tham gia giao thông vi phạm quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND. Đồng thời kiểm tra việc sử dụng giấy đi đường của cơ quan, doanh nghiệp cấp có đúng đối tượng, đối tượng ra đường có đúng mục đích không để từ đó kịp thời xử lý nghiêm và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đơn vị cấp giấy, tránh tình trạng lợi dụng việc cấp phép để ra đường không rõ lý do vi phạm giãn cách xã hội.

Kiến nghị xử lý đơn vị cấp giấy không đúng người đúng việc
Phát hiện nam thanh niên tự làm giấy đi đường định lưu thông qua chốt. (Ảnh: CAHN)

Ngay sau khi Công an thành phố Hà Nội triển khai 6 Tổ công tác đã phát hiện một trường hợp tự ý làm giấy đi đường với mục đích để đi qua các chốt kiểm dịch. Cụ thể, khoảng 9h50 ngày 17/8, Tổ công tác số 7, Công an thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện bảo đảm công tác phòng dịch tại quận Thanh Xuân đã phát hiện 1 trường hợp tự làm giấy đi đường để lưu thông trên đường.

Thiếu tá Đào Phan Anh cho biết, vào thời điểm trên, anh N.H.N (sinh năm 1993; ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà) điều khiển xe máy tham gia lưu thông trên đường Nguyễn Trãi đã xuất trình giấy đi đường do Công ty cổ phần chăm sóc sức khoẻ VG ở số 9 Đào Duy Anh (quận Đống Đa) ký để tham gia công việc là nhân viên kinh doanh.

Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua chất vấn trực tiếp với người sử dụng giấy, Tổ công tác đã phát hiện giấy tờ trên là giả mạo. Tổ công tác đã bàn giao người và phương tiện cho Công an phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) làm rõ.

Sau khi liên hệ với Công ty cổ phần chăm sóc sức khoẻ VG, đơn vị cũng xác nhận không có nhân viên kinh doanh nào tên N.H.N. Tại cơ quan Công an, anh N.H.N cũng thừa nhận tự làm giấy đi đường với mục đích để đi qua các chốt kiểm dịch.

Đáng chú ý, lợi dụng tâm lý của người tham gia thông cần giấy đi đường để di chuyển qua các chốt trên địa bàn Thành phố, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng làm giả, mua bán, sử dụng các loại giấy tờ để “thông chốt” kiểm soát dịch.

Trước đó, ngày 6/8, chốt kiểm soát người và phương tiện tại đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) kiểm tra 3 thanh niên đi qua chốt. Họ trình với Tổ công tác giấy đi đường. Tuy nhiên, khi xem xét, lực lượng chức năng phát hiện nhiều điểm nghi vấn của tờ giấy này nên đưa cả 3 người về trụ sở Công an phường Hạ Đình.

Tại đây, Đ.H.T., T.Đ.L. (cùng sinh năm 1993, ở quận Hoàng Mai) và Đ.V.B. (sinh năm 1987, ở quận Long Biên) khai nhận đã mua các tờ giấy đi đường trên tại một tiệm cầm đồ ở quận Đống Đa. Tổng cộng, ba người đã mua 9 tờ với giá 12 triệu đồng.

Cần xử lý nghiêm cả người đi lẫn người cấp giấy không đúng người, đúng việc

Ngày 29/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành mẫu giấy dùng cho một số trường hợp đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Mẫu giấy đi đường yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân (tên, tuổi, số căn cước công dân (chứng minh nhân dân), số điện thoại, nơi ở, nơi làm việc...), mục đích tham gia giao thông. Giấy có hiệu lực từ ngày ký và chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.

Ngoài ra, Giấy đi đường chỉ được cấp cho đúng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức đó) và sử dụng đúng mục đích (chỉ được dùng để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc nhằm thực hiện công việc chuyên môn được giao)...

Theo Luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường không đúng quy định (cấp không đúng đối tượng, cấp sai mục đích) có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.

Cá nhân làm giả giấy đi đường của cơ quan, tổ chức sẽ có dấu hiệu phạm tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Đối với trường hợp cố tình dùng giấy tờ đi đường được cấp khống sẽ bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020, mức phạt 5-10 triệu đồng.

Cần xử lý đơn vị cấp giấy không đúng người, đúng việc
Dù đang giãn cách xã hội, nhưng trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, lượng người và phương tiện lưu thông vẫn khá đông đúc. (Ảnh: L.N)

Trường hợp sử dụng con dấu hoặc giấy tờ đi đường giả với mục đích gian dối với cơ quan chức năng hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác có thể bị xử lý về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự.

Xử lý các đối tượng mua giấy đi đường một cách nghiêm khắc, để tạo răn đe. Cơ quan chức năng cũng cần xử lý mạnh tay với những trường hợp liên quan như cho mượn, bán giấy đi đường...

Việc cấp giấy đi đường cho cán bộ, người lao động để đi làm là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, sử dụng giấy đi đường giả để ra đường nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, cố tình không tuân thủ quy định là hành vi coi thường pháp luật, đáng lên án trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Hệ lụy khôn lường, dịch bệnh sẽ lây lan, không kiểm soát nếu người dân vẫn cứ tìm mọi cách ra đường.

Bởi thế, bên cạnh xử phạt nghiêm minh những người đi đường lý do không chính đáng, sử dụng giấy đi đường giả, mua giấy giấy đi đường cũng cần xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị cấp giấy đi đường không đúng người, đúng việc.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này